Trên thế giới cũng như Việt Nam, việc một đội bóng vô địch ngay sau khi lên hạng vẫn từng xảy ra, nhưng rất hiếm. Saint-Etienne 1964 (Pháp), Nottingham Forrest 1978 (Anh), Kaiserslautern 1998 (Đức) là những ví dụ. Tại V-League là trường hợp HAGL năm 2003, khi Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức tạo nên dàn Dream Team ở phố Núi gồm Kiatisak, Dusit, Sakda, Quốc Vượng, Văn Sỹ Hùng, Nguyễn Mạnh Dũng, Việt Thắng.
20 năm sau, CAHN đi theo con đường ấy. Hàng loạt ngôi sao được mua về, biến tân binh V-League thành dải ngân hà đúng nghĩa. Lần lượt Văn Đức, Văn Hậu, Văn Thanh, Tấn Tài gia nhập đội bóng ngành Công an, sau đó tới Filip Nguyễn, Quang Hải, bên cạnh dàn ngoại binh chất lượng như Jhon Cley, Gustavo.
CAHN lần đầu đăng quang V-League. Ảnh: Mạnh Thắng |
Tương tự HAGL, CAHN đã thể hiện sức mạnh áp đảo và lên ngôi xứng đáng. Họ là đội thắng nhiều trận nhất (11, cùng Hà Nội FC), ghi nhiều bàn thắng nhất (39), đồng thời sở hữu danh sách làm bàn dài nhất (12 cầu thủ). Đội bóng ngành Công an cũng gây dựng lối chơi tấn công rõ nét, bên cạnh bản lĩnh đáng ngạc nhiên để duy trì phong độ ổn định và vượt qua giai đoạn cam go.
Đoàn Văn Hậu và Huỳnh Tấn Sinh đã trở thành những cầu thủ đầu tiên vô địch V-League 2 mùa liên tiếp với 2 CLB khác nhau. Quang Hải cũng 4 lần vô địch, bằng với Nguyễn Anh Đức, Võ Văn Hạnh, Nguyễn Trọng Hoàng và tiến sát tới kỷ lục 5 lần mà Thành Lương, Văn Quyết đang nắm giữ.
Sự xuất hiện của CAHN đã khiến V-League sôi động trở lại. Như đã biết, Hà Nội FC vốn quá mạnh so với phần còn lại để khiến cuộc đua vô địch trở nên nhàm chán. Sự cạnh tranh từ đội bóng có biệt danh “Đại diện thủ đô” tạo nên bầu không khí nóng bỏng từ chuyển nhượng, khán đài đến sân cỏ. Chưa hết, còn khuyến khích các đội bóng khác đầu tư lớn, tham vọng lớn, qua đó hình thành cuộc đua tứ mã hấp dẫn đến những vòng cuối cùng.
Từ vị trí thứ 8 mùa trước, Thanh Hóa khiến tất cả kinh ngạc khi trình diễn phong cách rực lửa trong nửa đầu mùa. Đội bóng xứ Thanh thậm chí chiếm ngôi đầu trong 5 vòng, gieo hy vọng về lần đầu vô địch V-League. Thật tiếc khi thầy trò HLV Velizar Popov lại hụt hơi ở giai đoạn sau, không thể đăng quang dù trở thành CLB đầu tiên trong lịch sử V-League không thua một trận nào trên sân khách.
Viettel là một tiếc nuối khác. Là đội thua ít nhất (cùng CAHN và Hà Nội FC), nhận ít bàn thua nhất, đội quân của HLV Thạch Bảo Khanh tự hào với hàng thủ chắc chắn và lối chơi kỷ luật, yếu tố đưa họ tới rất gần ngôi đầu. Thế nhưng Viettel lại thiếu kinh nghiệm để khống chế cuộc chơi, điều mà CAHN và Hà Nội FC đã làm tốt hơn.
Phải nói rằng Hà Nội FC đã làm rất tốt trong một mùa giải khó khăn, từ việc mất mát nhân sự đến án treo giò 8 trận của đội trưởng Văn Quyết, người sau đó vẫn trở thành Vua phá lưới nội với 9 bàn thắng. Chỉ có điều phong độ tốt ở giai đoạn sau không đủ khỏa lấp những chệch choạc trước đó. Tuy nhiên họ vẫn có quyền tự hào với những gì đã thể hiện, nhất là việc bắt CAHN trải qua vòng cuối đầy căng thẳng mới có thể đăng quang.
Nỗi buồn của Văn Quyết khi mùa giải hạ màn đại diện của sự thất vọng của Hà Nội FC. Nhưng đó chính là động lực để họ trở lại trong mùa sau. Quyết tâm này đã được thể hiện bằng sự kiện công bố 2 bản hợp đồng mới ngay trong trận cuối mùa giải. Đội bóng áo tím chắc chắn sẽ còn tiếp tục tăng cường vào những ngày tới nhằm trở lại nơi họ vốn thuộc về.
Và các đội bóng khác cũng vậy, từ CAHN, Viettel đến Hải Phòng, Thanh Hóa và cả những CLB tốp dưới như Khánh Hòa, Bình Dương, CLB TP.HCM nhằm tránh rơi vào cuộc chiến trụ hạng một lần nữa. Tất cả hứa hẹn làm nên mùa giải V-League 2023/24 hấp dẫn và giàu cạnh tranh hơn, trong lần đầu chơi theo lịch thi đấu mới cùng sự xuất hiện của VAR. Hai tháng nữa giải đấu sẽ bắt đầu, và chúng ta cùng chờ những điều tuyệt vời ở bóng đá Việt.