Khen chê về 'sự trăn trở của một kẻ lười biếng'

Khen chê về 'sự trăn trở của một kẻ lười biếng'
TP - Clip gần 67 phút với tiêu đề “Sự trăn trở của một kẻ lười biếng” của nick Châu Chấu trên trang youTube khiến cộng đồng mạng “sốt” suốt tuần qua.

> Nam sinh lớp 12 'bắt bệnh' giáo dục
> 'Ông cụ non' Đỗ Nhật Nam viết sách mới

Đa số đều công nhận Châu Chấu đã “gãi đúng chỗ ngứa” của những ai đang bức xúc với nền giáo dục nước nhà. Tuy nhiên, không ít luận điểm còn phiến diện...

Tôi muốn có sự lắng nghe…

Người diễn thuyết trong clip là một nam sinh (dưới đây chúng tôi tạm gọi là Châu Chấu) mặt mũi khôi ngô, giọng nói truyền cảm, đặc biệt có khả năng hùng biện xuất sắc.

 Học sinh là một trong những thành tố quan trọng của nền giáo dục. Một học sinh mà không có hoài bão, không cố gắng, học hành không đúng cách thì nền giáo dục làm sao đạt được mục đích của nó? Các bạn trẻ nên nhìn thấy cả trách nhiệm của mình chứ không chỉ nhìn vào trách nhiệm của người khác.  

GS Nguyễn Minh Thuyết

Lời đầu tiên, Châu Chấu giới thiệu: “Tôi là một học sinh lớp 12. Ở Việt Nam thì đây là giai đoạn khắc nghiệt nhất trong đời học sinh. Rồi Châu Chấu khẩn thiết đề nghị, “tôi muốn có sự lắng nghe từ những ai quan tâm tới chuyện học hành và tới giáo dục”.

Clip diễn thuyết, được chia thành 7 phân đoạn với 7 nền cảnh khác nhau. “Giáo dục phải đem lại cho con người năng lực tự học, tự nghiên cứu chứ không phải mớ kiến thức và đống đề luyện để đi thi”, Châu Chấu nói.

Châu Chấu cho rằng, mỗi cá nhân sinh ra đều có những khả năng riêng, do đó thật vô lý nếu tất cả phải phát triển theo cùng một hướng giống nhau.

“Đâu phải nghề nào cũng cần biết đến phương trình chuyển động của chất điểm! Nếu anh muốn làm một kỹ sư vật lý liệu có cần phân tích hình tượng nghệ thuật trong một bài văn?” Với lập luận này, Châu Chấu đề nghị giáo dục phổ thông cần phân luồng sau lớp 9. “Độ tuổi 14, 15 nhiều người đủ nhận thức được khả năng và xác định được mục tiêu để chọn lối đi riêng”, Châu Chấu chia sẻ.

Khen chê lẫn lộn

Trao đổi với PV Tiền Phong, Châu Chấu từ chối việc đưa tên, địa chỉ của mình lên mặt báo. “Em lên tiếng với tư cách là người đang phải chịu đựng những bất cập của nền giáo dục. Em mong muốn tiếng nói của mình góp phần mang đến sự thay đổi nào đó”, Châu Chấu nói.

Vì thế Châu Chấu cho biết không thật sự bận tâm tới việc bạn bè, thầy cô bình luận gì. Tuy nhiên, khi có ý tưởng làm clip, Châu Chấu có tâm sự với một vài người bạn thân và đều được họ ủng hộ.

Dù quá trình làm clip ảnh hưởng nhất định tới việc học, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị thi tốt nghiệp, thi ĐH này nhưng Châu Chấu cho rằng nếu bây giờ không nói sẽ chẳng bao giờ có thể nói được nữa.

“Như em có nói trong clip, có những người đi trước đã vượt qua các kỳ thi cũng không ngoảnh lại nhìn để trả lời một cách thỏa đáng.Và hậu thế cứ mãi mãi tiếp nối con đường đó”, Châu Chấu tâm sự.

Bình luận về clip, nhiều chuyên gia cho rằng họ ủng hộ sự lên tiếng của những học sinh đang là nạn nhân của nền giáo dục hiện hành. Theo GS Văn Như Cương, điều khiến đông đảo người kiên trì xem hết clip dài hơn một tiếng đồng hồ, là Châu Chấu có một khả năng diễn thuyết xuất sắc.

“Em rất tự tin, lập luận chặt chẽ, logic. Về các quan điểm của em, có nhiều chỗ cần phải nói lại, nhưng theo tôi mỗi người có ý kiến riêng là bình thường. Điều quan trọng là em đã dũng cảm nói lên suy nghĩ của mình”.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Hà Nội và là hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng những ý kiến của Châu Chấu không hẳn là mới bởi đó là những trăn trở bấy lâu nay của nhiều người quan tâm tới giáo dục nước nhà.

“Cá nhân tôi cũng từng có nhiều nhận xét chương trình giáo dục của chúng ta hiện nay quá nặng nề, thiên về dạy kiến thức mà thiếu giáo dục đạo đức, kỹ năng sống… cho học sinh”, TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Còn một cán bộ quản lý cấp Vụ, Bộ GD&ĐT nhận xét: “Theo tôi nên ủng hộ việc học sinh bày tỏ ý kiến một cách thẳng thắn như nam sinh trong clip nói trên. Các nhà quản lý, nhà giáo dục cần phải xem xét để nếu có thể điều chỉnh được gì thì điều chỉnh”.

Tuy nhiên, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng: “Phần lớn những điều bạn trẻ trong clip nói là đúng, nhưng có một số điểm cần phải hiểu rõ hơn.

Thứ nhất, những gì bạn ấy nói không mới, bởi các chuyên gia giáo dục cũng như dư luận báo chí đã lên tiếng từ lâu rồi. Sở dĩ bạn ấy tạo được sự thu hút với công chúng là bởi tư cách người học của mình. Đúng là chuyện một học sinh tự đứng ra nói một cách kỹ lưỡng những bất cập trong chương trình, trong thi cử là một cái mới.

Thứ hai, bạn ấy quên mất không nói tới một chuyện, mà đây mới là điều quan trọng, đó là trách nhiệm của học sinh đối với thực trạng giáo dục hiện nay như thế nào!

Thứ ba, nếu nói học đến lớp 9 là đủ cũng đúng, nhưng chỉ là đủ với điểm xuất phát cho một người đi học nghề hoặc lao động giản đơn. Còn để tiến bộ thì ai cũng phải học suốt đời. Học suốt đời có nhiều cách, trong đó có tự học. Tuy nhiên, nếu được học trong nhà trường thì con đường đi nó sẽ thẳng hơn.

Về chuyện học để thi thì cần phải thấy là cả thế giới này đã học là phải thi, chẳng riêng gì nước mình. Thậm chí ở nước ta nhiều năm gần đây các kỳ thi ở phổ thông đã bị gỡ bỏ khá nhiều, suốt từ lớp 1 đến lớp 12 chỉ còn một kỳ thi tốt nghiệp THPT. Nhưng quả là mình cần phải suy nghĩ về chương trình học, về cách thi thế nào để dạy học thực chất hơn”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Miền Bắc rét kéo dài, Nam Bộ mưa trái mùa
Miền Bắc rét kéo dài, Nam Bộ mưa trái mùa
TPO - Sáng sớm nay (27/12), không khí lạnh đã ảnh hưởng đến vùng núi Bắc Bộ. Ngày hôm nay mở rộng ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Đông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Từ đêm nay , không khí lạnh được tăng cường mạnh hơn và ảnh hưởng đến phía Tây Bắc Bộ, Trung Trung Bộ . Miền Bắc trời rét kéo dài, miền Trung mưa lớn.