> Quay quắt giữa nắng cháy và khô hạn
Khệ nệ vai gùi, tay xách những can nhựa đựng nước từ sông suối về nhà, bà Hồ Thị Năm (dân tộc Cờ-tu, trú thôn 2 - Thượng Long), kể: “Nhà có lắp ống nước tự chảy theo chương trình tái định cư dự án hồ Tả Trạch, nhưng từ lâu không dùng được nữa. Không riêng nhà tui, cả xóm đều khát nước. Phải nhờ đến sông suối thôi”.
Trước ngôi nhà dân cạnh Trường Mầm non Hương Sơn, gia chủ đặt sẵn một can nhựa đấu nối vào cuối vòi nước tự chảy. Đã qua nhiều ngày, bên trong không đón được giọt nước nào, chiếc can nhựa quắt móp lại dưới cái nóng hơn 40 độ C.
Khu bể chứa nước tự chảy đầu tư tốn kém tại Trường Mầm non Hương Sơn cũng bị bỏ phế từ 2 năm nay. Nhà trường phải tự lắp mới máy bơm điện, câu đường ống đưa nước giếng khơi nhà dân nơi xa về dùng cho hơn 100 học sinh và giáo viên.
Trụ sở UBND xã Hương Sơn cũng thiếu nước sinh hoạt. Đầu giờ sáng, một người đàn ông trung niên khom lưng gánh đôi thùng chứa nước ngược dốc vòng vào phía sau khu nhà làm việc. Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hồ Thị Thời, đó là việc “thường ngày ở xã” của anh nhân viên bảo vệ, nhằm cấp nước sinh hoạt cho cán bộ, nhân viên cơ quan.
Ngoài Hương Sơn, tình trạng dân sống thiếu nước sạch ngay bên những dự án cấp nước tự chảy xảy ra tại nhiều xã thuộc huyện Nam Đông như Thượng Lộ, Thượng Long, Hương Hữu, Thượng Nhật...
Theo ông Lê Minh Hòa, Quyền Trưởng phòng Dân tộc huyện, trên địa bàn có 11 công trình nước tự chảy xây dựng trong giai đoạn từ năm 2005 đến nay. Trị giá đầu tư mỗi công trình khoảng 1 tỷ đồng. “Do ý thức sử dụng, bảo quản của dân còn thấp, yếu tố thiên tai gây hư hỏng xuống cấp công trình, nên hoạt động cấp nước chưa phát huy hiệu quả”.
Ngoài những lý do trên, theo tìm hiểu của PV, hiệu quả cấp nước kém, tỷ lệ sử dụng trong vùng dự án ngày càng giảm còn do yếu tố quản lý công trình, vị trí lắp đặt bể thu và bố trí dân cư thiếu hợp lý, sự chồng chéo giữa quy hoạch hạ tầng nước sạch và giao thông, tư tưởng ỷ lại…
Mới đây, tỉnh TT- Huế thông báo nguồn vốn mới phục vụ đầu tư, nâng cấp hạ tầng nước tự chảy tại Nam Đông. Tuy nhiên, việc lồng ghép vốn Chương trình 134 xã định canh, định cư vào thực hiện cấp nước bền vững, thông qua Cty Xây dựng & Cấp nước TT-Huế, gặp khó khăn.