Đây là ngôi điện vào loại đẹp nhất, với đặc trưng của kiến trúc Huế, một toà nhà kép, kiểu “trùng thiềm điệp ốc”, trang trí nội thất rất tinh xảo bởi nghệ thuật khảm, chạm lộng. Điện Long An đã được Bộ VHTT cấp bằng công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật của quốc gia.
Từ năm 1913, điện Long An là trụ sở của Hội đô thành hiếu cổ (AAVH), một tổ chức quy tụ những người yêu thích nghiên cứu lịch sử văn hóa, nghệ thuật xứ Huế, đồng thời là cơ quan xuất bản tập san Đô thành hiếu cổ (BAVH) chuyên nghiên cứu về con người, lịch sử và văn hóa Huế. Hội đô thành hiếu cổ đã sưu tầm nhiều tác phẩm nghệ thuật và các cổ vật ở Huế đưa về cất giữ tại điện Long An. Đây chính là tiền đề để hình thành nên một bảo tàng ở Huế.
Năm 1923, vua Khải Định ký dụ thành lập Bảo tàng Khải Định với nhiệm vụ sưu tập và bảo tồn những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu phản ánh đời sống chính trị, xã hội, nghệ thuật và nghi lễ của Việt Nam. Điện Long An trở thành nơi trưng bày chính thức những sưu tập hiện vật của bảo tàng. Năm 1979, bảo tàng đổi tên là Bảo tàng Cổ vật Huế. Năm 1995 đổi thành Bảo tàng Mỹ thuật Cung đình Huế. Dịp này, Bảo tàng trưng bày 424 hiện vật, giới thiệu bức tranh toàn cảnh về đời sống hoàng cung xưa.