Ngày 30/6, lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết: Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tấn Tuân vừa ký quyết định về việc phê duyệt đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung đô thị Diên Khánh đến năm 2040.
Khu vực trung tâm hành chính của huyện Diên Khánh hiện nay. |
Cụ thể, đô thị Diên Khánh được quy hoạch có tính chất là một trung tâm kinh tế đa ngành, có vai trò bổ trợ, tương hỗ phát triển, gắn bó chặt chẽ với TP Nha Trang và hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của khu vực miền núi phía tây của tỉnh Khánh Hòa. Đô thị sẽ phát triển theo mô hình hỗn hợp, phát triển tập trung, hạt nhân là thị trấn Diên Khánh hiện tại với trung tâm văn hóa là khu vực Thành cổ lan tỏa ra khu xung quanh.
Đô thị Diên Khánh bao gồm các hoạt động kinh tế chính như: du lịch gắn với các giá trị văn hóa, lịch sử, sinh thái nhân văn, sinh thái nông nghiệp; nông nghiệp sạch, kinh tế trang trại; dịch vụ thương mại, sản xuất công nghiệp, thực hiện vai trò là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống trong tỉnh. Dự báo dân số toàn đô thị đến năm 2040 khoảng 250.000 người, đất xây dựng toàn đô thị hơn 11.975 ha (trung bình khoảng 479 m2/người).
Thành cổ Diên Khánh là một di tích nổi tiếng của huyện Diên Khánh. Ảnh: N.N. |
Theo định hướng phát triển các phân vùng đô thị, đô thị Diên Khánh được chia làm 7 khu. Trong đó, khu 1 (khu vực Đông Bắc, diện tích khoảng 2.068 ha, dân số dự kiến khoảng 41.500 người) là không gian phát triển đô thị, sản xuất công nghiệp. Đây là khu vực phát triển dân cư đô thị thông qua việc khai thác quỹ đất xen kẹt để phát triển các đơn vị ở, nhóm nhà theo các trục kết nối từ đường Quốc lộ 1 và ven sông Cái.
Còn khu 2 (khu vực Đông Nam, diện tích khoảng 2.825,8 ha, dân số dự kiến khoảng 52.600 người) là không gian phát triển đô thị, dịch vụ thương mại dọc theo tuyến đường Võ Nguyên Giáp, bổ sung các không gian thương mại dịch vụ hỗn hợp, đẩy mạnh phát triển và kết nối với TP Nha Trang. Khu 3 (khu vực trung tâm hành chính, diện tích khoảng 2.559,1 ha, dân số dự kiến khoảng 64.900 người) là trung tâm hành chính, chính trị của huyện. Đây cũng là trung tâm dịch vụ thương mại, du lịch gắn với các giá trị văn hóa - lịch sử; sinh thái nhân văn đặc trưng của Diên Khánh.
Khu vực đường Võ Nguyên Giáp - nơi huyện Diên Khánh giáp với thành phố Nha Trang. |
Khu 4 (khu vực đầu mối trung chuyển vùng, diện tích khoảng 2.835,9 ha, dân số dự kiến khoảng 50.200 người) là không gian phát triển dịch vụ thương mại gắn với các tuyến giao thông quan trọng của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển hỗn hợp thương mại - dịch vụ, đô thị tại vị trí đầu mối ga đường sắt tốc độ cao và vị trí giao giữa đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam với đường quốc lộ 27C.
Khu 5 (khu vực bắc sông Cái, diện tích khoảng 11.451,5 ha, dân số dự kiến khoảng 8.900 người) là không gian phát triển dịch vụ du lịch gắn với các giá trị văn hóa - lịch sử, sinh thái nông nghiệp. Đồng thời, phát triển nông nghiệp sạch, kinh tế trang trại thúc đẩy phát triển các điểm dân cư nông thôn tạo ra các làng nghề ở ngoại thành Diên Khánh. Trong đó, di tích quốc gia Am Chúa được định hướng là động lực chính phát triển thương mại dịch vụ - du lịch cho toàn đô thị.
Người dân đi lễ tại di tích Am Chúa của huyện Diên Khánh. |
Khu 6 (khu vực công nghiệp, nông nghiệp sinh thái, diện tích khoảng 4.363,3 ha, dân số dự kiến khoảng 19.600 người) là không gian phát triển nông thôn và du lịch gắn với công nghiệp, nông nghiệp sinh thái; nông nghiệp sạch và kinh tế trang trại; hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của khu vực phía Tây.
Cuối cùng, khu 7 (khu vực sản xuất công nghiệp, dịch vụ, diện tích khoảng 8.276,6 ha, dân số dự kiến khoảng 12.300 người) là không gian phát triển du lịch thương mại dựa trên việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, bổ sung các điểm dân cư mới; hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của khu vực phía Tây. Nâng cấp, mở rộng cụm công nghiệp Diên Thọ hướng tới mục tiêu thu hút các ngành công nghiệp công nghệ cao.
Khu vực thị trấn Diên Khánh giáp sông Cái của huyện Diên Khánh. |