Nỗ lực không ngừng tại sân chơi quốc tế
Lần đầu tiên đoàn Việt Nam tham dự Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới là vào 2007 trong kỳ thi lần thứ 39 tổ chức tại Nhật Bản. Thời điểm ấy, đoàn Việt Nam giành được một chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc.
Trong lần thứ 2 (kỳ thi thứ lần thứ 40 năm 2009 tại Canada), lần thứ 3 (kỳ thi lần thứ 41 năm 2011 tại Anh) và lần thứ 4 (kỳ thi lần thứ 42 năm 2013 tại Đức), đoàn Việt Nam giành được 5 - 6 Chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc.
Tấm huy chương đầu tiên mà đoàn Việt Nam nhận được là trong lần thứ 5 dự thi. Đó là kỳ thi lần thứ 43 năm 2015 tổ chức tại Brazil, đoàn Việt Nam tham dự ở 13 nghề với 14 thí sinh. Ban Tổ chức đã trao Huy chương Đồng cho thí sinh Nguyễn Duy Thanh ở nội dung nghề Giải pháp phần mềm công nghệ thông tin. Bên cạnh đó, Ban tổ chức cũng trao cho Đoàn thí sinh Việt Nam 8 chứng chỉ kỹ năng nghề xuất sắc ở 7 nghề: Lắp đặt đường ống nước, xây gạch, hàn, thiết kế trang web, cơ điện tử, thiết kế kỹ thuật cơ khí CAD và Phay CNC.
Năm 2017, trong Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới lần 44 tại các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, Việt Nam có 13 thí sinh dự thi ở 12 nghề và tiếp tục giành được một Huy chương Đồng của thí sinh Nguyễn Bá Phước, nghề giải pháp phần mềm công nghệ thông tin. Đoàn Việt Nam cũng giành được 5 Chứng chỉ Nghề xuất sắc.
Năm 2019, Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới lần thứ 45 tổ chức tại Nga, đoàn Việt Nam tham dự với 19 thí sinh tranh tài ở 18 nghề. Kết quả, thí sinh Trương Thế Diệu đạt Huy chương Bạc nghề Phay CNC. Đồng thời, 8 thí sinh thuộc 7 nghề đạt Chứng chỉ Kỹ năng nghề xuất sắc (gồm các nghề Thiết kế kỹ thuật cơ khí – CAD; Cơ điện tử; Tiện CNC; Công nghệ nước; Công nghệ web; Giải pháp phần mềm Công nghệ thông tin; Xây gạch).
Thí sinh Nguyễn Thanh Tùng giành huy chương Bạc nghề Phay CNC tại kỳ thi Kỹ năng nghề thế giới 2022 |
Năm 2022, kỳ thi kỹ năng nghề thế giới lần thứ 46 dự kiến diễn ra tại Thượng Hải (Trung Quốc), nhưng bị huỷ do dịch COVID-19. Kỳ thi kỹ năng nghề thế giới năm 2022 phiên bản đặc biệt đã được tổ chức thay thế từ tháng 9 đến tháng 11/2022 tại 15 quốc gia và vùng lãnh thổ ở 3 châu lục.
Tại kỳ thi này, đoàn Việt Nam đã đạt được thành tích tốt nhất từ trước đến nay. Cụ thể, hai thí sinh Nguyễn Thanh Tùng (23 tuổi) thi nghề Phay CNC và Nguyễn Xuân Thái (23 tuổi) thi nghề Tiện CNC đã xuất sắc giành Huy chương Bạc. Ngoài ra, các thí sinh này cùng giành giải thưởng phụ Sustainability award (Giải bền vững, yêu cầu cao cả về kỹ thuật đi kèm với tiết kiệm năng lượng, điện năng và vật liệu).
Bà Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB&XH) đánh giá, kết quả trên thể hiện việc chuẩn bị cho công tác phát triển kỹ năng nghề của Việt Nam đang đi đúng hướng. Đó là xã hội hóa các kỳ thi và kêu gọi, thu hút sự tham gia của các công ty, tập đoàn lớn về công nghệ. Cùng các kiến thức được học từ nhà trường, sự hỗ trợ của các doanh nghiệp sẽ giúp các em nâng tầm kỹ năng, đáp ứng được yêu cầu của thực tế sản xuất chứ không chỉ là yêu cầu thuần túy của kiến thức trong nhà trường. “Kết quả đạt được ở các kỳ thi tay nghề thế giới đã khẳng định được vị thế và trình độ kỹ năng nghề của thanh niên Việt Nam trên trường quốc tế", bà Hương nói.
Chuẩn hóa kỹ năng nghề cho 50% lực lượng lao động
Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, phát triển toàn diện nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao được coi là giải pháp đột phá góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững. Việt Nam đang nắm trong tay lợi thế lớn, khi có cơ cấu “dân số vàng”, với lực lượng lao động dồi dào (chiếm hơn 50% tổng dân số).
Tuy vậy, trình độ và kỹ năng của lao động Việt Nam vẫn còn hạn chế, so với mặt bằng chung của nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh đó, còn xảy ra tình trạng mất cân đối về cơ cấu lao động theo ngành nghề, giữa vùng miền, nông thôn và thành thị.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN Nguyễn Thị Việt Hương tặng hoa chúc mừng thí sinh Nguyễn Xuân Thái - HCB nghề Tiện CNC |
Vì vậy, không chỉ tập trung đầu tư cho các sân chơi kỹ năng nghề quốc tế, Bộ LĐTB&XH đang lấy ý kiến về Đề án “Nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” nhằm chuẩn hóa và phát triển kỹ năng nghề cho người lao động, giúp hình thành nguồn nhân lực chất lượng, đặc biệt là nhân lực có trình độ kỹ năng nghề cao.
Bộ LĐTB&XH đặt mục tiêu đến năm 2030 chuẩn hóa trình độ kỹ năng nghề quốc gia cho khoảng 50% lực lượng lao động. Trong đó, trên 30% lao động đạt trình độ cao có bậc trình độ kỹ năng nghề quốc gia 4, 5 hoặc trình độ tương ứng. Ưu tiên người lao động làm việc trong các ngành, nghề thuộc công nghiệp mũi nhọn, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao, người lao động thuộc các ngành nghề kinh tế trọng điểm, chương trình phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Khoảng 70% lao động đạt các bậc trình độ còn lại, ưu tiên lao động là thanh niên từ 15 - 30 tuổi. Lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp, lao động yếu thế.
Bảo đảm cơ hội tiếp cận về đào tạo, phát triển kỹ năng nghề, học tập suốt đời cho trên 70% lực lượng lao động. Đồng thời, nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kỹ năng nghề gắn với đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia, đảm bảo trên 90% lao động được chuẩn hóa. Từ đó đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong nước và tham gia hiệu quả thị trường lao động quốc tế. Nâng xếp hạng chỉ số kỹ năng nghề lực lượng lao động thuộc nhóm 80 quốc gia đứng đầu. Đề án đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp thực hiện mục tiêu nói trên với 8 nhóm chính.