Trước đó, tại hội nghị (ngày 17/2), lãnh đạo Bộ Xây dựng và các doanh nghiệp phản ánh nhiều những khó khăn vướng mắc về thể chế liên quan đến Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đấu thầu (sửa đổi)…
Theo Hiệp hội Bất động sản TPHCM (HoREA) vướng mắc pháp lý hiện chiếm đến 70% khó khăn đối với doanh nghiệp. Trong khi đó, theo Bộ Xây dựng, ở một số nơi cán bộ có tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm, sợ rủi ro pháp lý dẫn đến đùn đẩy hồ sơ lòng vòng, giải quyết chậm, không dám đề xuất, không dám quyết định, điều này khiến cho doanh nghiệp thêm phần khó khăn.
Trước thực trạng trên, tại dự thảo Nghị quyết tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, Chính phủ xác định tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc đặc biệt là về thể chế, tổ chức thực hiện và nguồn vốn cho thị trường bất động sản là nhiệm vụ trọng tâm. Về thể chế sẽ tập trung tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự tổ chức triển khai thực hiện các dự án bất động sản, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng. Tập trung tháo gỡ vướng mắc cho các dự án đang triển khai để sớm hoàn thành, tạo nguồn cung cho thị trường. Chính phủ sẽ nghiên cứu sửa đổi bổ sung các nghị định hướng dẫn Luật Đầu tư, Luật Đất đai, Luật Thuế, Luật Chứng khoán…
Các địa phương được yêu cầu khẩn trương rà soát, lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản trên địa bàn để đánh giá cụ thể nguyên nhân, lý do các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa triển khai hoặc chậm triển khai. Từ đó, tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc về pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư cho các dự án.
Về phát triển nhà ở xã hội, Chính phủ dự kiến trình Quốc hội ban hành Nghị quyết thí điểm một số chính sách nhằm đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, các chính sách đưa ra sẽ giải quyết các nút thắt về giao đất đầu tư xây dựng theo hướng giao đất không thu tiền sử dụng đất, chủ đầu tư được chuyển nhượng nhà ở xã hội gắn với chuyển quyền sử dụng đất. UBND tỉnh sẽ chịu trách nhiệm bố trí, đảm bảo quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn. Chính quyền địa phương, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp…
Để có vốn phát triển 1 triệu căn nhà ở xã hội tới 2030, Chính phủ sẽ đề xuất Quốc hội dành gói tín dụng khoảng 110.000 tỷ đồng (khoảng 10% nhu cầu vốn giai đoạn 2022 - 2030) cấp cho các ngân hàng thương mại để cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo hình thức tái cấp vốn. Trong đó, chủ đầu tư dự án được vay ưu đãi 50% của gói tín dụng trên, tương đương 55.000 tỷ đồng. Số tín dụng còn lại, 55.000 tỷ đồng, sẽ dành cho người mua nhà vay.
Chính phủ cũng đề xuất giãn nợ gốc, lãi vay cho các doanh nghiệp bất động sản khó khăn, nhất là đối với các dự án phục vụ tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, du lịch, nghỉ dưỡng.