Ngày 30/12, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên phát công điện, yêu cầu các bộ ngành, địa phương, các lực lượng khẩn cấp ứng phó với những dạng hình thời tiết nguy hiểm.
Thông tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia đầu giờ chiều 30/12 cho biết, sáng sớm nay, áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông đã vượt qua miền Trung Philippines sau đó đã di chuyển nhanh về phía Tây Nam và suy yếu thành một vùng áp thấp.
Trong khi đó, ngay chiều nay, trên khu vực Nam biển Đông hình thành một vùng áp thấp khác. Hồi 13 giờ ngày 30/12, vùng áp cách đảo Trường Sa khoảng 250km về phía Đông Đông Nam.
Trong 24 giờ tới, vùng áp thấp di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 10-15km và có khả năng mạnh lên thành áp thấp nhiệt đới.
Đến 13 giờ ngày 31/12, áp thấp nhiệt đới cách đảo Trường Sa khoảng 130km về phía Tây Nam, sức gió mạnh cấp 6, giật cấp 8.
Vùng nguy hiểm trên biển Đông trong 24 giờ tới (gió mạnh cấp 6, giật cấp 8 trở lên): toàn bộ khu vực Bắc và giữa Biển Đông (phía Bắc vĩ tuyến 8,0 độ Vĩ Bắc).
Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 15-20km và có khả năng mạnh thêm.
Đến 13 giờ ngày 1/1/2019, áp thấp nhiệt đới cách mũi Cà Mau khoảng 250km về phía Đông Nam. Trong 48 đến 72 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây, mỗi giờ đi được khoảng 10km và có khả năng mạnh lên thành bão.
Trước tình hình trên, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương ven biển, theo dõi chặt chẽ thông tin về áp thấp nhiệt đới, chủ động liên hệ, hướng dẫn tàu thuyền di chuyển thoát khỏi khu vực nguy hiểm.
Đồng thời kiểm đếm và kiểm soát tàu thuyền ra khơi, sẵn sàng lực lượng, phương tiện khi có tình xuống xấu. Bộ ngoại giao chủ động liên hệ với các nước và vùng lãnh thổ để hỗ trợ ngư dân, tàu thuyền Việt Nam vào trú tránh khi cần thiết.
Trong khi đó, ở miền Bắc và Bắc Trung bộ đang chịu một đợt không khí lạnh với cường độ mạnh, nhiệt độ độ thấp nhất phổ biến 8-11 độ C; vùng núi 4-7 độ C; vùng núi cao dưới 3 độ C, thậm chí xuất hiện băng giá và mưa tuyết như Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Mèo Vạc (Hà Giang)... Đợt rét đậm, rét hại này có khả năng kéo dài đến khoảng ngày 3-4/1/2019.
Ngoài ra, các tỉnh miền Trung đang có mưa lớn diện rộng, từ Nghệ An và Ninh Thuận. Trong đó, chiều và đêm mai (31/12) ở các tỉnh từ Thừa Thiên- Huế đến Khánh Hòa có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 70-150mm/24giờ, có nơi trên 200mm/24giờ). Sau đó mưa vừa, mưa to còn có khả năng kéo dài đến ngày 3-4/1/2019.
Do mưa lớn, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai yêu cầu các địa phương miền Bắc, Bắc Trung bộ đảm bảo an toàn cho người, vật nuôi, cây trồng trước rét đậm, rét hại. Căn cứ tình hình thực tế, các địa phương quyết định cho học sinh nghỉ học tránh rét hại.
Ban chỉ đạo Trung ương cũng lưu ý các địa phương ở miền Trung, Tây Nguyên về tình hinh mưa lũ, đặc biệt khu vực nguy cơ cao về lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt.
Triển khai phương án phòng chống lũ, đảm bảo an toàn cho người và các công trình phòng chống thiên tai, công trình đê điều, hồ đập; kiểm soát chặt chẽ việc xả lũ của các hồ chứa nhằm đảm bảo an toàn đập và vùng hạ du, đặc biệt là hồ xung yếu, hồ đã đầy nước.
Các địa phương chủ động di dời hoặc sơ tán người dân ra khỏi những nơi có nguy cơ cao đặc biệt là nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất.