Khẩn cấp gỡ tiến độ cho đường dây 500kV mạch 3 ‘cấp cứu’ điện cho miền Nam

Lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia kiểm tra tiến độ thi công dự án đường dây 500kV mạch 3
Lãnh đạo Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia kiểm tra tiến độ thi công dự án đường dây 500kV mạch 3
Vướng mắc kéo dài trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng ở hàng loạt điạ phương, cộng thêm tác động của dịch COVID-19 phải giãn cách xã hội và mưa, bão lũ liên liếp ở nhiều tỉnh miền Tây trong nhiều tháng qua khiến dự án đường dây 500kV Mạch 3 đang bị chậm tiến độ theo kế hoạch đề ra.

Nút thắt giải phóng mặt bằng

“Nếu giải phóng mặt bằng nhanh, dự án đúng tiến độ, nếu việc này chậm, chỉ cần vướng 1 hộ thôi cũng rất phức tạp”, ông Nguyễn Xuân Ninh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Kontum nói khi mở đầu câu chuyện giải phóng mặt bằng cho tuyến đường dây 500kV Dốc Sỏi – Pleiku 2. Giải phóng mặt bằng luôn là nút thắt gây đau đầu nhất cho các chủ đầu tư cũng như chính quyền các địa phương. Nhiều dự án vốn đầu tư hàng nghìn tỷ đồng đã bị đình trệ tiến độ thi công chỉ vì không giải quyết được nhanh các vấn đề liên quan đến giải phóng mặt bằng vì vướng đủ các quy định của pháp luật cũng như vướng cả từ ý chí của người dân, chính quyền địa phương nếu một trong hai bên thiếu hợp tác.

Theo ông Nguyễn Đình Thọ, Phó giám đốc Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung cho biết, đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Kon Tum có chiều dài khoảng 82,108 km, gồm 163 vị trí móng trụ điện, tuyến đường dây đi qua 2 huyện Kon Plong, Kon Rẫy và thành phố Kon Tum. Sau hơn 2 năm triển khai dự án, đến cuối tháng 10, phần hành lang tuyến với đoạn tuyến đi qua thành phố Kon Tum còn 4 hộ dân và 1 tổ chức là Công ty TNHH MTV Công ty cao su Kon Tum có đất ảnh hưởng trong hành lang chưa bàn giao mặt bằng. Trong đó, tại xã Đăk Bla còn hộ ông Nguyễn Phi Hùng chưa nhận tiền và không đồng ý vớ phương án bồi thường đã được phê duyệt với lý do là còn 100 cây cao su trong hành lang tuyến không được bồi thường.

          Do thời gian thi công dự án không còn nhiều nhưng khối lượng còn lại là rất lớn. Vì vậy, để hoàn thành đóng điện công trình theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cũng đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Kon Tum, xem xét, báo cáo đề xuất UBND tỉnh cho phép bồi thường, hỗ trợ những cây trồng vượt mật độ (cây trồng xen) của các hộ dân và hộ ông Nguyễn Phi Hùng ở xã Đăk Bla theo hiện trạng cây thực tế nhưng không trồng vì mục đích trục lợi. Trường hợp các hộ dân vẫn cố ý không nhận tiền bàn giao mặt bằng thì đề nghị UBND thành phố chỉ đạo UBND các xã lập kế hoạch bảo vệ thi công để đảm bảo tiến độ đóng điện dự án trong tháng 11/2020.

Tại Gia Lai, ông Võ Phúc Ánh, Phó Chủ tịch UBND thành phố Pleiku cũng cho hay, công tác giải phóng mặt bằng rất khó khăn. Một số hộ dân chưa thống nhất, giá trị đền bù cũng như hỗ trợ. Số hộ là người đồng bào dân tộc thiểu số ít hiểu biết giá cả, quy trình đền bù, nên chúng tôi kiên trì vận động từng nhà, từng hộ. Đến thời điểm hiện nay tất cả các hộ đồng ý nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng.

Ông Bùi Tá Hải Hòa, Phó giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất Pleiku đánh giá: Tiến độ giải phóng mặt bằng so với kế hoạch ban đầu cũng bị chậm. Trước đây là kế hoạch đóng điện trước 30/6/2020, tuy nhiên, giờ chúng tôi mới bàn giao được mặt bằng cho chủ đầu tư.

Cần thêm cơ chế đặc thù

Nhiều địa phương khác cũng gặp cảnh tương tự như Pleiku và Kontum. Ông Võ Quang Thao, Phó Giám đốc Trung tâm phát triển quỹ đất huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi cho biết: Tuyến đường dây 500kV qua địa bàn huyện Bình Sơn có chiều dài 33,5km, qua 5 xã của huyện Bình Sơn. Với số hộ dân bị ảnh hưởng nhiều và hầu hết phạm vi ảnh hưởng của dự án thực hiện trên khu vực đồi núi có địa hình khá phức tạp. Do vậy, rất khó khăn trong công tác thực hiện lập hồ sơ kiểm kê, quy chủ, bồi thường, hỗ trợ và giải phóng mặt bằng.

“Cơ chế hỗ trợ về đất do hạn chế khả năng sử dụng đất đối với phần diện tích đất nằm trong hành lang tuyến điện theo quy định hiện nay còn quá thấp. Do vậy một số hộ dân chưa thống nhất nhận tiền bồi thường, hỗ trợ.”, ông Võ Quang Thao nói.

Theo ông Thao, tổng số móng trụ thu hồi đất trên địa bàn là 75 vị trí và di dời 8 vị trí móng trụ 110kV, 220kV. Tổng diện tích đất bồi thường hỗ trợ là 76,7ha. Hiện nay trên địa bàn Bình Sơn vẫn còn 3 vị trí móng chưa giải phóng mặt bằng. Còn phần hành lang tuyến, vẫn còn một số hộ dân có diện tích đất trồng rừng sản xuất bị ảnh hưởng chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ vì đơn giá đất rừng thấp nên các hộ dân yêu cầu hỗ trợ như đất trồng cây lâu năm khác.

“Công tác giải phóng mặt bằng, trước đây Nghị định 14 của Chính phủ chỉ hỗ trợ 30% đất và hành lang nên khi người dân bị ảnh hưởng không thể sản xuất vì hạn chế đất trồng rừng. Việc giải phóng mặt bằng chậm cũng do đất rừng giá đất chênh lệch đất lâu năm thấp, nên chỉ hỗ trợ đất rừng. Chưa kể sang năm 2020, đơn giá ban hành chậm nên việc phê duyệt chậm”, ông Thao cho biết. 

Ông Nguyễn Đức Trung- Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Ngãi cũng thừa nhận, việc triển khai thi công đường dây 500kV Mạch 3 gặp nhiều khó khăn do vướng các quy định liên quan đến bồi thường giải phóng mặt bằng. Việc thi công đến nay bị chậm cũng xuất phát từ vướng giải phóng mặt bằng. Theo ông Trung Luật Đất đai có quy định chung về việc cho phép tuỳ từng trường hợp cụ thể, UBND tỉnh sẽ căn cứ tình hình thực tế có chính sách hỗ trợ bồi thường riêng.

 “Với nhiều dự án chúng tôi cũng áp dụng quy định này của Nghị định 47 nhưng riêng với lĩnh vực điện lại không có chính sách này vì vậy địa phương không thể ra chính sách hỗ trợ như quy định. Chúng tôi cũng đi một số địa phương tham khảo và nhận thấy vướng mắc của Quảng Ngãi cũng như các địa phương, gần như không thu hồi đất mà chỉ chuyển đổi cây cối, tài sản trên đất, nhà cửa, không cho phép thu hồi, bồi thường”, ông Trung cho hay.

Theo đại diện Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Ngãi, sở đã đề xuất tỉnh đưa ra chính sách cho phép  hỗ trợ người dân chuyển đổi cây trồng, hỗ trợ kinh phí chuyển đổi, nên cơ bản đất nông nghiệp giải quyết tương đối ổn. Tuy nhiên với đất ở là khó khăn.

Đường dây huyết mạch vẫn chờ các tỉnh ra tay

Ông Nguyễn Đình Thọ, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình điện miền Trung (Ban A miền Trung) cho biết: Việc giải phóng mặt bằng chậm, ảnh hưởng lớn đến tình hình thi công xây dựng, đặc biệt giai đoạn dự án gần về đích, một số công việc như kéo dây cũng bị ảnh hưởng nhiều đến công tác giải phóng hành lang tuyến.

Theo thống kê đến nay trên toàn tuyến 500kV mạch 3, các địa phương đã bàn giao mặt bằng phần móng là 1.544/1.606 vị trí (đạt 96% kế hoạch). Một số địa phương bàn giao chậm mặt bằng là Quảng Nam (87%), Hà Tĩnh (85%), Quảng Trị và Quảng Ngãi 96-97% số vị trí móng bàn giao.

Còn hành lang tuyến có 1.606 khoảng cột, các địa phương đã bàn giao 1.045 khoảng cột, mới chiếm 65%. Hiện đơn vị thi công đang tiến hành kéo dây, nên việc hành lang tuyến chưa bàn giao được đã ảnh hưởng lớn công tác kéo dây. Một số địa phương chậm là Đà Nẵng (18%), Quảng Ngãi (38%), Quảng Trị và Quảng Nam 51%...

Khẩn cấp gỡ tiến độ cho đường dây 500kV mạch 3 ‘cấp cứu’ điện cho miền Nam ảnh 1

Thi công đường đây 500kV đoạn Dốc Sỏi (Quảng Ngãi)

Theo đại diện Ban A miền Trung, khó khăn lớn nhất của tuyến đường dây 500kV mạch 3 trong quá trình triển khai là những vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến tiến độ thi công thực tế bị chậm, chưa đáp ứng tiến độ theo kế hoạch.

Do những vướng mắc trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, cộng thêm sự ảnh hưởng từ dịch Covid-19 phải giãn cách xã hội nên dự án đường dây 500kV Mạch 3 bị chậm tiến độ theo kế hoạch đề ra.

“Hiện nay đã bước vào mùa mưa năm 2020, ở nhiều địa phương mưa to đến rất to không thi công được. Chưa kể cơn bão số 9 đã khiến nhiều cột, trụ bị vùi lấp, các tuyến đường vào công trường bị san phẳng. Để, Ban quản lý đề nghị các nhà thầu thi công tăng cường nhân lực và thiết bị thi công trên công trường theo đúng cam kết, tổ chức thi công ngay khi có mặt bằng, đồng thời tranh thủ thời tiết thuận lợi và có giải pháp thi công hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thi công”, ban A miền trung cho biết và đề nghị các địa phương hỗ trợ đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng.

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 bao gồm: Dự án đường dây 500 kV nhiệt điện Quảng Trạch-Vũng Áng và sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; đường dây 500 kV Quảng Trạch-Dốc Sỏi và đường dây 500 kV Dốc Sỏi-Pleiku2.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương gỡ vướng dự án đường dây 500 kV mạch 3.

Liên quan việc dự án đường dây 500kV mạch 3, một trong các dự án quan trọng cấp điện cho miền Nam đang bị chậm tiến độ do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, cộng thêm ảnh hưởng của giãn cách xã hội do dịch COVID-19. Tiếp đó mùa mưa năm 2020, ở nhiều địa phương có mưa to, tiếp tục ảnh hưởng tới thi công dự án, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa có văn bản yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo, xử lý bảo đảm tiến độ, an toàn công trình.

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 bao gồm: Dự án đường dây 500 kV nhiệt điện Quảng Trạch - Vũng Áng và sân phân phối 500 kV Trung tâm Điện lực Quảng Trạch; đường dây 500 kV Quảng Trạch - Dốc Sỏi và đường dây 500 kV Dốc Sỏi - Pleiku2.

Đường dây có chiều dài 742 km với tổng số 1606 vị trí cột đi qua địa phận 9 tỉnh, thành phố là: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, thành phố Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum và Gia Lai. Đây là các dự án trọng điểm, cấp bách, có vai trò rất quan trọng trong việc bảo đảm cung cấp điện cho đất nước nói chung và khu vực miền Nam nói riêng giai đoạn từ năm 2020 trở đi; đồng thời tăng cường độ tin cậy, ổn định của hệ thống truyền tải điện 500 kV Bắc – Nam.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.