Khám phá 'giun điên' - hiểm họa khiến các nhà khoa học Mỹ ám ảnh

0:00 / 0:00
0:00
Giun điên đang là mối hiểm họa đe dọa những cánh rừng ở Đông Bắc Mỹ, khiến các nhà khoa học "đau đầu".
Giun điên đang là mối hiểm họa đe dọa những cánh rừng ở Đông Bắc Mỹ, khiến các nhà khoa học "đau đầu".
TPO - Giun đất thường được xem là có ích cho cây cối nhưng các nhà khoa học ở Mỹ đang đau đầu với "vấn nạn giun điên" ở vùng Đông Bắc khi chúng đang tàn phá các khu rừng, bị xem là mối đe dọa nguy hiểm đối với động vật và thực vật.

Josef Görres, một nhà khoa học về đất đai tại Đại học Vermont đã mô tả vấn nạn "giun điên" là "một cuộc xâm lược" nguy hiểm đối với động vật và thực vật, và đặc biệt là đối với cây phong đường ở vùng Đông Bắc nước Mỹ.

"Mọi người thường nghĩ giun đất có ích. Nhưng với những khu rừng phía bắc Mỹ, chúng có khả năng tạo ra những ảnh hưởng lớn", ông Josef nhấn mạnh.

Giun điên - hay còn gọi là giun nhảy, có nguồn gốc từ châu Á - sinh sản rất nhanh chóng. Chúng thích phá vỡ các lớp lá cây phân hủy màu mỡ và các chất dinh dưỡng phủ lên nền rừng. Đây chính là điều có thể gây hại rất lớn cho rừng, bao gồm cả cây phong đường.

Cái tên "giun điên" từ đâu mà ra?

Cái tên giun điên xuất phát từ việc loài giun này rất thích nhảy nhót, ngoáy và vặn vẹo liên tục.

"Chúng thực sự là những con giun cực kỳ hiếu động, thích nhảy nhót, ngoáy và vặn vẹo liên tục. Cái tên "giun điên" từ đó mà ra", ông Görres chia sẻ đồng thời cho biết, giun điên thậm chí có thể phóng lên không trung nhờ sự vặn vẹo dữ dội của nó.

Ngoài ra, giun điên còn có khả năng tự đứt đuôi để như kỳ nhông để tự vệ. Những con giun điên khi đã tự đứt đuôi thì không thể tái tạo một cái đuôi mới. Đây giống như cách "thoát hiểm" chỉ có thể sử dụng một lần của "giun điên".

"Khi bạn chứng kiến khoảnh khắc đó, nó cũng khá điên rồ. Đó là cách tự vệ một lần để đánh lừa kẻ săn mồi chẳng hạn như một con chim. Khi cảm thấy nguy hiểm, giun điên sẽ tự đứt đuôi. Cái đuôi cứ quẫy thật mạnh như muốn nói "Tôi là con giun đây, hãy quắp lấy tôi", ông Görres mô tả.

Hiểm họa từ giun điên

Mặc dù một số loài giun đất có thể có ích cho đất, hay những người làm vườn nhưng một số loài lại gây ra các vấn đề cho rừng. Và điều đó đặc biệt đúng đối với giun đất châu Á được xếp vào chi Amynthas.

Điều khiến giun điên trở thành mối đe dọa nguy hiểm đối với các khu rừng ở vùng Đông Bắc nước Mỹ đến từ sự phàm ăn của chúng.

Trong khi hầu hết các loài giun đất thường chui sâu vào trong đất, thì những con giun điên lại thích sống và ăn các lớp lá khô đang phân hủy trên nền rừng.

Nhiều khu rừng ở Mỹ cần một lớp lá khô để giữ độ ẩm cho đát và lớp lá khô này cũng hoạt động giống như 1 lớp da để bảo vệ cây khỏi các mầm bệnh.

Nhưng giun điên lại ăn hết lá khô, khiến lớp bảo vệ rừng bị phá vỡ, làm thay đổi độ ẩm phù hợp giúp các loại hạt giống bản địa nảy mầm.

"Chúng ăn nhanh hơn rất nhiều so với nhiều loài giun khác ở châu Âu và Mỹ vì chúng ở ngay trên bề mặt rừng chứ không chui sâu vào lòng đất. Chúng ở ngay đó và ăn ngấu nghiến", ông Görres chia sẻ.

Do ăn hết lớp lá khô che phủ nền rừng, giun điên cũng làm thay đổi thành phần của đất, tạo nên kết cấu thường được so sánh với bã cà phê. Đất bị biến đổi sẽ giết chết nhiều loài thực vật bản địa, vì đất đã mất đi các chất dinh dưỡng quan trọng để nuôi cây và dễ bị xói mòn.

Đặc biệt, ảnh hưởng của giun điên lên cây phong được đánh giá là có thể rất "nghiêm trọng" vì cây này có rễ nông.

“Nếu không có lớp lá phủ bảo vệ, chúng (cây phong) sẽ trở nên rất dễ tổn thương, dễ bị côn trùng và bệnh tật hơn và phát triển chậm hơn", ông Görres nói.

Theo NPR
MỚI - NÓNG