Đâu đó có thể thiếu nước, Qatar thì không. Mức độ tiêu thụ nước ngọt ở quốc gia này cực kỳ lớn. Bởi nó rất sẵn. Họ tạo ra bằng cách khử mặn nước biển. Và nước chính là nguyên liệu chính của công nghệ làm mát.
Công nghệ làm mát được Qatar giới thiệu lần đầu vào năm 2017, khi hoàn thành nâng cấp sân vận động quốc tế Khalifa. Và đây là cơ chế hoạt động:
Trang trại điện mặt trời khổng lồ trên sa mạc bên ngoài thủ đô Doha sẽ cung cấp năng lượng để vận hành hệ thống làm lạnh nước xuống còn 7 độ C. Nước lạnh sẽ được đưa tới các sân vận động, chuyển hóa thành luồng khí lạnh thông qua các lỗ thông hơi lắp đặt dưới ghế ngồi và các cửa gió trên mái. Không khí sau đó được hút trở lại, lọc, tiếp tục được làm mát và đẩy ra ngoài. Việc tái chế khí lạnh này tạo nên một chu trình tuần hoàn khép kín.
Vậy ở dưới sân thì sao? Ở những bức tường bao quanh sân được bố trí 170 ống thông gió đẩy khí lạnh vào khu vực sân cỏ, giữ cho các cầu thủ chơi bóng ở nhiệt độ lý tưởng bất chấp nhiệt độ bên ngoài. Bên cạnh đó, dựa trên nghiên cứu về khí động học, các nhà khoa học Qatar cũng phối hợp với kiến trúc sư khi xây dựng sân vận động nhằm tối ưu hóa hệ thống làm mát, bảo đảm không khí nóng không xâm nhập vào bên trong.
Chưa hết, hơn 300 cảm biến nhỏ được gắn xung quanh sân vận động sẽ thu thập thông tin về nhiệt độ, độ ẩm, tốc độ gió và thậm chí cả loại quần áo mà người hâm mộ đang mặc ở một khu vực nhất định. Sau khi tổng hợp và phân tích dữ liệu, những kỹ sư trong phòng điều hành sẽ quyết định nhiệt độ cũng như mức độ làm mát cần thiết cho từng khu vực.
Saud Abdulaziz Abdul Ghani, người được mệnh danh là Tiến sĩ Cool, vốn là Giáo sư tại Trường Đại học Kỹ thuật Qatar, được giao nhiệm vụ tìm giải pháp cho cái nóng Ả Rập từ năm 2009, thời điểm Qatar vận động đăng cai World Cup 2022. Sau 13 năm, đã đến lúc Tiến sĩ Cool tận hưởng thành quả. “Các cầu thủ sẽ có trải nghiệm tuyệt nhất trong đời họ”, ông nói đầy mãn nguyện.
Cơ chế làm mát ở sân vận động Lusail. (Việt hóa: Thanh Hải) |