Khaisilk bán hàng Trung Quốc: Người tiêu dùng bị lừa suốt nhiều năm

Cửa hàng Khaisilk tại Hàng Gai bị liên ngành vào kiểm tra.
Cửa hàng Khaisilk tại Hàng Gai bị liên ngành vào kiểm tra.
TP - Thông tin lãnh đạo Tập đoàn Khaisilk thừa nhận bán hàng lụa nhập từ Trung Quốc hàng chục năm nay khiến dư luận ồn ào, phẫn nộ. Tại sao họ lại có thể ngang nghiên giả nhãn mác hàng Việt để phản bội niềm tin người tiêu dùng?

Dấu hiệu gian lận thương mại

Sự việc bắt đầu trên trang Facebook cá nhân Đặng Như Quỳnh đã phản ánh sự việc mua phải khăn lụa Khaisilk có gắn mác “Made in China”. Công ty gia đình anh đã đặt mua 60 chiếc khăn lụa với giá 644.000 đồng/chiếc tại cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai (Hà Nội) với tổng giá trị đơn hàng là 38.640.000 đồng. Tuy nhiên, sau khi nhận hàng, công ty phát hiện trong lô hàng có một chiếc khăn vừa có mác “KHAISILK - Made in Vietnam”, vừa có mác “Made in China”. Công ty cho kiểm tra toàn bộ lô hàng và phát hiện trong số còn lại có nhiều khăn có dấu hiệu cắt mác tại viền khăn. Trả lời báo chí ngày 25/10, ông Hoàng Khải, Chủ tịch Tập đoàn Khaisilk thừa nhận 50% mặt hàng lụa thương hiệu Khaisilk là hàng Trung Quốc.

Trao đổi với PV Tiền Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, ông Trần Hùng cho biết, việc Khaisilk nhập hàng Trung Quốc về làm nhãn mác “Made in Vietnam” là giả xuất xứ nguồn gốc. Nếu đúng sai phạm nghiêm trọng phải khởi tố điều tra. Việc này vi phạm Nghị định 185 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Điều quan trọng nhất, theo ông Hùng, qua vụ việc này, niềm tin của người tiêu dùng về một biểu tượng thương hiệu quốc gia đã mất đi. “Bao năm ông Khải đã xây dựng hình ảnh Khaisilk, như một biểu tượng thương hiệu quốc gia, hàng Việt Nam chất lượng thế giới. Nói đến lụa tơ tằm là Khaisilk, được bán trong các khách sạn 5 sao, làm qùa tặng các nguyên thủ quốc gia cũng hầu như dùng Khaisilk. Với thực trạng thật giả lẫn lộn, người tiêu dùng biết tin vào đâu”, ông Hùng nói.

Ông Hùng cũng cho rằng, các cơ quan quản lý nhà nước phải khẩn trương vào cuộc làm rõ. Nếu đúng sai phạm nghiêm trọng thì phải khởi tố điều tra. “Việc gian lận thương mại, chênh lệch giá, lợi nhuận quá lớn. Đã kinh doanh bao năm khi có uy tín, chuyển sang các lĩnh vực khác thì liệu có gian dối gì nữa không. Tôi rất buồn khi thương hiệu Khaisilk tự xoá bỏ sau bao năm gây dựng”, ông Hùng cho hay.

Sản phẩm lụa Trung Quốc bày bán trong làng Vạn Phúc

Trước những lùm xùm việc bán hàng Trung Quốc của thương hiệu này, theo khảo sát của PV Tiền Phong ngày 26/10, nhiều khách hàng muốn đem khăn đổi trả nhưng nhân viên hẹn hôm khác quay lại.

Để tham khảo giá lụa trên thị trường, PV Tiền Phong đã khảo sát ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội). Giá bán khăn lụa từ 180.000 - 350.000 đồng/chiếc tùy theo kích thước và mẫu mã. Váy, quần áo có giá từ 450.000 - 600.000 đồng/bộ tùy theo kiểu dáng. Vải lụa từ 150.000- 450.000 đồng/m2 vai tùy theo chất lượng, mẫu mã. Chị Nguyễn Lan, tiểu thương bán lụa tại chợ Đồng Xuân cho biết, đa số hàng đều nhập từ Trung Quốc bởi lụa trong nước giá rất cao, mầu sắc, kiểu dáng đơn điệu..

Phóng viên tìm về làng lụa Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội), nơi nổi tiếng làm lụa trên cả nước. Tuy nhiên, hình ảnh những sản phẩm lụa từ Trung Quốc được bán tràn lan, giá cả dao động từ vài chục nghìn đồng cho đến vài trăm nghìn một sản phẩm làm từ lụa. Người bán hàng cũng vô tư khẳng định lụa Vạn Phúc.

Tuy nhiên, có mặt tại một Cty ở Vạn Phúc, người đứng đầu công ty là một phụ nữ trung niên không muốn nêu tên bày tỏ, nghề truyền thống làm lụa của gia đình tồn tại nhiều năm. Tại Cty, một công nhân hằng ngày chỉ dệt được 6-8m2 vải, có những ngày máy hỏng không được mét nào. Do đó, sản lượng của Cty không lớn nên chỉ bán cho khách du lịch và khách nước ngoài đặt làm qua. Vì trong làng không còn đất làm tơ nên tơ nhập tại Lâm Đồng.

Tuy nhiên, có những năm Trung Quốc sang mua tơ nhiều khiến tơ tăng giá gây khó khăn cho doanh nghiệp trong nước. Cũng vì sản lượng ít nên một số cửa hàng bán thêm lụa hoặc mặt hàng dệt của những làng nghề khác nữa.

Đầu giờ chiều ngày 26/10, đoàn kiểm tra gồm các thành viên liên ngành Ban Chỉ đạo Quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (gọi tắt là Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia), Bộ Công Thương, công an bất ngờ kiểm tra cửa hàng Khaisilk 113 Hàng Gai, tạm thu giữ hơn 50 sản phẩm đang bán trong cửa hàng. Sau khi đoàn kiểm tra rời đi, đại lý Khaisilk tại 113 Hàng Gai đã đóng cửa. Tại thời điểm kiểm tra, cửa hàng Khaisilk ở 113 Hàng Gai đóng cửa. Đoàn kiểm tra đã thu giữ 52 mẫu sản phẩm khác nhau gồm: khăn, quần áo, caravat... 

MỚI - NÓNG