Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á

Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á
Sáng 6/6, lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á diễn ra tại TPHCM với sự tham dự của 450 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ cấp cao trong khu vực, lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới, các học giả và báo giới quốc tế.

Khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á

>> Toàn văn bài phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng

Sáng 6/6, lễ khai mạc Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á diễn ra tại TPHCM với sự tham dự của 450 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ cấp cao trong khu vực, lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu thế giới, các học giả và báo giới quốc tế.   

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc diễn đàn. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu khai mạc diễn đàn. (Ảnh: Đức Tám/TTXVN).
Phát biểu tại phiên họp toàn thể “Châu Á sẽ lãnh đạo như thế nào”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng cho rằng hướng về xuất khẩu là một đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế thế giới.

Chẳng hạn như Việt Nam là nước xuất khẩu gạo thứ hai thế giới và đây vừa là lợi thế của Việt Nam vừa đóng góp vào an ninh lương thực của thế giới, Thủ tướng dẫn chứng.

Theo Thủ tướng, thế giới đang thừa nhận châu Á là một trụ cột của kinh tế toàn cầu, việc đứng vững, nhanh chóng hồi phục sẽ đóng góp rất lớn vào bài toán chống khủng hoảng của toàn cầu.

Liên quan đến câu hỏi về vai trò của Chính phủ trong đầu tư hạ tầng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nêu rõ hạ tầng đóng vai trò tiền đề trong sự phát triển của quốc gia và khu vực. Vấn đề là phải giải quyết hai “nút thắt” là nguồn lực từ đâu (ngân sách quốc gia, tư nhân, vay nước ngoài…) và các Chính phủ phải có những cơ chế để đảm bảo sự hài hòa này (phát triển nhiều mô hình PPP, BOT, BT…).

Riêng ở Việt Nam với thu nhập GDP đầu người có hơn 1.000 USD, Việt Nam càng cần phải tính kỹ bài toán này, đa dạng hóa nguồn vốn phát triển là chủ trương từ lâu, Thủ tướng nói. 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Lào Bouasone Bouphavanh, Thủ tướng Campuchia Samdech Hun Sen, Thủ tướng Myanmar Thein Sein, Phó Chủ tịch Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc Vương Chí Trân… đã tham dự và phát biểu khai mạc diễn đàn.

Sau lời giới thiệu của giáo sư Klaus Schwab, Chủ tịch Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có bài phát biểu khai mạc diễn đàn.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á 2010 diễn ra tại Việt Nam đúng vào dịp Việt Nam đảm nhận vai trò 

Chủ tịch ASEAN là sự kiện có ý nghĩa quan trọng và chắc chắn sẽ đóng góp thiết thực cho quá trình hoạch định chính sách, phương hướng hợp tác ở khu vực trong những năm tới.

Thủ tướng cho rằng, chủ đề của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á năm nay - “Nâng cao vai trò của châu Á,” là rất phù hợp với bối cảnh hiện tại của khu vực.

Từ năm 2008, cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu đã gây ra những tổn thất to lớn, tác động sâu sắc tới mọi mặt của đời sống thế giới, nhưng cũng làm bộc lộ rõ những khiếm khuyết của hệ thống kinh tế-tài chính toàn cầu cũng như của từng nền kinh tế, đồng thời thúc đẩy quá trình cải cách thể chế và mô hình kinh tế nhằm bảo đảm cho sự phát triển nhanh, cân bằng và bền vững hơn.

Ở Đông Á, các nền kinh tế cũng gặp không ít khó khăn, nhưng đã đối phó khá hiệu quả với cuộc khủng hoảng, có tốc độ phục hồi nhanh nhất và đang trở thành một đầu tàu tăng trưởng của kinh tế thế giới.

Sự phục hồi nhanh đã chứng tỏ sức sống và tính năng động của các nền kinh tế Đông Á, chứng tỏ ý chí và bản lĩnh vượt qua khó khăn của chính phủ, nhân dân và doanh nghiệp các nước trong khu vực. Điều đó càng củng cố niềm tin của chúng ta rằng, trong những năm tới, Đông Á sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, năng động và đóng vai trò đầu tàu tăng trưởng của nền kinh tế thế giới.

Với quy mô kinh tế tăng nhanh, Đông Á sẽ ngày càng có ảnh hưởng lớn hơn và do đó có điều kiện để tham gia ngày càng tích cực hơn vào các cơ chế hợp tác quốc tế. Vai trò toàn cầu của Đông Á đã được thể hiện qua các nước thành viên tại các cơ chế hiện nay như Liên hợp quốc, G-20, WTO... Đặc biệt, với 4 thành viên và đại diện ASEAN tại G-20, Đông Á có khả năng đóng góp tích cực và đáng kể cho việc kiến tạo một cấu trúc mới hiệu quả hơn, dân chủ hơn cho nền quản trị toàn cầu.

Thủ tướng cũng cho rằng, các nền kinh tế Đông Á đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn bao gồm các vấn đề toàn cầu cấp bách hiện nay như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên...

Với đặc điểm nổi bật là hướng ngoại, kinh tế Đông Á cũng dễ bị tổn thương trước các rủi ro kinh tế toàn cầu. Điều đó, đòi hỏi từng nền kinh tế Đông Á cần tăng cường chất lượng quản trị, đổi mới mô hình phát triển để tăng trưởng nhanh, cân bằng và bền vững, mặt khác phải dành nhiều ưu tiên hơn và tham gia nhiều hơn nữa trong hợp tác quốc tế để đối phó với các vấn đề toàn cầu. Nói cách khác, Đông Á cần phải có một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế-chính trị toàn cầu trong giai đoạn hậu khủng hoảng.

Thủ tướng nêu rõ, những câu hỏi lớn mà các nền kinh tế Đông Á phải nhìn nhận lại các mục tiêu và ưu tiên cho giai đoạn sắp tới ở cấp độ quốc gia, khu vực và toàn cầu đó là những điều chỉnh gì đối với mô hình phát triển hiện tại, liên kết khu vực cần được thúc đẩy như thế nào để hỗ trợ đắc lực cho phát triển kinh tế, Đông Á cần có vai trò và trách nhiệm như thế nào đối với các vấn đề chung của thế giới.

Giới thiệu những thành tựu quan trọng sau 25 năm đổi mới của Việt Nam cũng như những mục tiêu phấn đấu của Việt Nam đến năm 2020, theo Thủ tướng bước vào thập niên thứ hai của Thế kỷ 21, vận hội mới thực sự đã tới với Đông Á và đây là lúc Đông Á có thể tự tin gánh vác những trọng trách to lớn hơn trong quản trị toàn cầu. Do vậy, mỗi thành viên của cộng đồng Đông Á cần nâng cao vai trò và năng lực lãnh đạo của mình, với tầm nhìn xa trông rộng và hành động nhạy bén, trước hết là ở tầm quốc gia và khu vực.

Đồng tình với phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, bài phát biểu của Thủ tướng các nước Campuchia, Lào và Myanmar, Phó Chủ tịch Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc đều nhấn mạnh sự hợp tác trong khu vực để nâng cao tính cạnh tranh của mỗi quốc gia nhằm đưa Đông Á phát triển mạnh mẽ và năng động.    

Theo TTXVN/Vietnam+

Châu Á có tiềm năng to lớn của thương mại nội khối

Theo người dẫn chương trình, phóng viên hãng truyền hình quốc tế CNN Andrew Stevens, tiềm năng to lớn của thương mại nội khối là lý do châu Á tập trung nhiều sự chú ý của thế giới; cấu trúc nền kinh tế châu Á hướng vào trong nước thay vì quá phụ thuộc vào nước ngoài. 

Tuy nhiên, với vị thế ngày càng lớn về kinh tế, châu Á đang không ngừng tìm kiếm vai trò lớn hơn trong giải quyết các vấn đề toàn cầu. Vậy câu hỏi đặt ra là làm thế nào để lãnh đạo các nước châu Á cân bằng được giữa các mối quan ngại, lợi ích trong khu vực và trách nhiệm ngày càng tăng trên trường quốc tế. 

Liên quan tới vấn đề này Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan cho rằng vấn đề chuyển dịch trung tâm kinh tế đã được đặt ra từ nhiều năm trước. Vai trò lãnh đạo châu Á phụ thuộc vào việc giải quyết cơ chế cải cách nhiều mặt, điều hành các gói kích thích kinh tế, hài hòa sự đóng góp của từng quốc gia châu Á ở các vấn đề chung của quốc tế. 

Chủ tịch VTB Bank (Nga) Andrei L. Konstin cũng cho rằng còn quá nhiều việc phải làm để châu Á trở thành vị trí châu Âu của thế kỷ trước. Châu Á làm thế nào để trở thành EU, vừa tránh được những vấn đề như Hy Lạp…

Còn theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Tata (Ấn Độ) Hemant Nerukar, có bốn vấn đề cần tập trung là kiểm soát về tài chính, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, quản lý tài năng và môi trường.

Cũng tại phiên họp này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cùng Tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan và Chủ tịch VTB Bank (Nga), Tổng giám đốc Tập đoàn Tata (Ấn Độ) đã giải đáp các vấn đề liên quan tới phát triển kinh tế tư nhân, cán cân thương mại, vị thế của ASEAN tham dự G20…

MỚI - NÓNG