Khai hội Tây Thiên - Hành trình 'Đến với Phật, về với Mẫu'

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên được người dân thực hành thông qua các nghi lễ, lễ hội tại các di tích thờ Quốc Mẫu Tây Thiên (thị trấn Đại Đình, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc) hằng năm. Năm nay, do diễn biến tình hình dịch bệnh COVID-19, lễ hội Tây Thiên chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội.

Hôm nay 17/3 (tức ngày 15/2 Âm lịch), tại sân Đền Thõng (thuộc quần thể danh thắng Tây Thiên), Ban tổ chức lễ hội Tây Thiên thực hiện phần nghi lễ.

Theo Ban tổ chức, buổi sáng là nghi thức chồng kiệu; chủ lễ dâng hương và tuyên chúc văn; các đại biểu dâng hương tại Đền, Chùa Thượng. Buổi chiều tổ chức lễ tại tại Đền Thõng.

Trước đó, ngày 14/3/2022 (tức ngày 12/2 âm lịch), tại Đền Thượng - Chùa Thượng Tây Thiên, Ban tổ chức lễ hội Tây Thiên tổ chức lễ cáo.

Ông Dương Quang Ứng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc, cho biết, lễ hội Tây Thiên được tổ chức từ ngày 14 đến 17/2 Âm lịch hằng năm, bao gồm phần lễ và phần hội với các trò chơi, trò diễn, diễn xướng của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước từ buổi đầu sơ khai thời các Vua Hùng dựng nước, gắn với tín ngưỡng phồn thực và các làn điệu dân ca, dân vũ của người Việt, của dân tộc thiểu số Sán Dìu định cư chân núi Tam Đảo.

Trong đó, ngày lễ chính (15/2 Âm lịch) thực hiện các nghi lễ: lễ tế - lễ rước - lễ dâng hương để nhân dân đến với Tây Thiên lễ Phật, lễ Mẫu không những cảm nhận được công đức của Quốc Mẫu đối với quê hương đất nước. Trong tâm thức bao dung, thánh thiện được hành hương về với mẹ - Quốc Mẫu không chỉ được thể hiện qua giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể mà còn với ý nghĩa trở về cội nguồn.

Khai hội Tây Thiên - Hành trình 'Đến với Phật, về với Mẫu' ảnh 1

Tên gọi Tây Thiên mang ý nghĩa là “Nơi các nhà sư Tây Thiên (Ấn Độ) tu hành”, được đặt để ghi nhớ giáo đoàn đầu tiên tới từ Ấn Độ vào Việt Nam truyền đạo. Vào thế kỷ III trước công nguyên, phái bộ thứ tám của vua A Dục đã tới nơi đây hoằng dương Phật pháp.

Khai hội Tây Thiên - Hành trình 'Đến với Phật, về với Mẫu' ảnh 2

Bị thu hút bởi cảnh sắc núi non liên hoàn hùng vĩ, có suối chảy, nước trong, thác ghềnh, non cao, rừng rậm, giáo đoàn đã dừng chân, xây dựng thành Nê Lê và chùa Địa Ngục để tu hành. Tới thời Trần, nơi đây trở thành trung tâm Phật giáo thâm uy giống như Yên Tử và Đông Triều. Các địa danh khác như suối Giải Oan, suối Trường Sinh, chùa Đồng Cổ, rừng thông già đại thụ là nơi nhiều đời cao tăng tu tập, hành trì và viên tịch. Người ta cũng đã tìm được 3 bia mộ đá và di cốt của Giác Linh Ngã Thiền Sư, Võng Sơn Thiền Sư, Cúc Khê Thiền Sư.

Khai hội Tây Thiên - Hành trình 'Đến với Phật, về với Mẫu' ảnh 3

Lễ hội Tây Thiên thực hành phần nghi lễ

Khai hội Tây Thiên - Hành trình 'Đến với Phật, về với Mẫu' ảnh 4

Theo một số tư liệu nghiên cứu, Tây Thiên còn là chốn tổ Phật giáo Việt Nam.

Khai hội Tây Thiên - Hành trình 'Đến với Phật, về với Mẫu' ảnh 5
Khai hội Tây Thiên - Hành trình 'Đến với Phật, về với Mẫu' ảnh 6

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên gắn với truyền thuyết về Quốc Mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu, là nữ nhi người trang Đông Lộ, xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Khai hội Tây Thiên - Hành trình 'Đến với Phật, về với Mẫu' ảnh 7

Tương truyền khi còn sống, trong nước có loạn, Quốc mẫu Tây Thiên có công chiêu mộ binh sĩ, phò vương cứu nước, cứu dân. Sau khi mất, bà thường hiển linh, âm phù giúp các đời vua đánh giặc, giữ nước. Với những công lao đó, Hoàng phi được sắc phong là Quốc Mẫu Tây Thiên và được thờ tự chính tại đền Thượng trên đỉnh núi Thạch Bàn. Bà còn được suy tôn danh hiệu Tam Đảo sơn trụ Quốc Mẫu tối linh Đại vương - Đệ nhất thượng đẳng Phúc Thần (vị thần tối cao bảo trợ cho dãy Tam Đảo), là hiện thân của Mẫu Thượng Ngàn (một trong Thánh Mẫu Tứ Phủ chuyên trách cai quản, sáng tạo vũ trụ).

Khai hội Tây Thiên - Hành trình 'Đến với Phật, về với Mẫu' ảnh 8

Để tưởng nhớ Quốc Mẫu Tây Thiên, hằng năm vào ngày 15/2 âm lịch, dân trong vùng lại mở hội để cùng khách thập phương tưởng nhớ công đức, tỏ lòng biết ơn và cầu xin Quốc Mẫu phù hộ cho bình an, may mắn. Trẩy hội Tây Thiên mỗi năm có hàng ngàn du khách thập phương không ngại đường xa, vượt núi, trèo đèo lên dâng hương kính Mẫu để mong được hưởng sự chở che của Quốc Mẫu Tây Thiên.

Khai hội Tây Thiên - Hành trình 'Đến với Phật, về với Mẫu' ảnh 9

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên được người dân thực hành thông qua các nghi lễ, lễ hội tại các di tích thờ Quốc Mẫu Tây Thiên. Các nghi lễ, lễ hội tại mỗi điểm di tích mang nét độc đáo và đặc sắc riêng nhưng tựu chung đều hướng về và thể hiện sự tôn thờ đối với Quốc Mẫu và cầu mong được Quốc Mẫu che chở, độ trì.

Khai hội Tây Thiên - Hành trình 'Đến với Phật, về với Mẫu' ảnh 10
Khai hội Tây Thiên - Hành trình 'Đến với Phật, về với Mẫu' ảnh 11

Lãnh đạo cơ quan Trung ương, tỉnh Vĩnh Phúc dâng hương tại Đền, Chùa Thượng

Khai hội Tây Thiên - Hành trình 'Đến với Phật, về với Mẫu' ảnh 12
MỚI - NÓNG