Hành khách xếp hàng chờ đến lượt đi tàu metro TPHCM trong dịp cuối tuần. Ảnh: Hữu Huy |
Ngày 6/1, Công ty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 TPHCM (HURC1, đơn vị vận hành) đã thông tin về 2 tuần đầu vận hành thương mại tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).
Hành khách tăng 300% so với kế hoạch
Theo đơn vị vận hành, tàu điện tuyến đường sắt đô thị số 1 TPHCM (metro số 1: Bến Thành - Suối Tiên) vừa vượt qua mốc 2 tuần từ khi chính thức vận hành thương mại vào ngày 22/12/2024. Được sự ủng hộ nhiệt tình từ người dân và khách du lịch, với chính sách của TPHCM giảm giá vé 100% trong tháng đầu tiên, số lượng hành khách di chuyển trong hai tuần đầu tăng 300% so với kế hoạch đề ra.
Hàng trăm ngàn lượt hành khách đã sử dụng metro hàng ngày, chứng tỏ rằng hệ thống giao thông công cộng mới này đáp ứng được nhu cầu và mong đợi của cộng đồng. Cao điểm vào ngày Tết Dương lịch 1/1/2025, số lượng hành khách tăng đột biến với 275.144 lượt hành khách.
Đội ngũ vận hành metro số 1 đã nỗ lực phục vụ khách trên toàn tuyến và tại 14 nhà ga với 200 chuyến tàu mỗi ngày. Riêng vào ngày 31/12/2024 là 220 chuyến tàu với thời gian từ 5 giờ sáng đến 23 giờ đêm (tăng thêm 1 giờ so với lịch trình hoạt động hàng ngày) và vào ngày 1/1/2025 là 246 chuyến tàu, tăng cường thời gian hoạt động đến 2 giờ sáng.
Số lượng hành khách di chuyển bằng metro số 1 TPHCM trong hai tuần đầu tăng 300% so với kế hoạch đề ra. Ảnh: Hữu Huy |
Nhiều lỗi vi phạm gây mất an toàn
Đại diện HURC1 cho biết, bên cạnh những tín hiệu tích cực, đội ngũ vận hành đã phát hiện nhiều trường hợp vi phạm, làm ảnh hưởng đến trải nghiệm chung của tất cả hành khách.
Các trường hợp thường xuyên vi phạm, bao gồm: vi phạm quy định về cửa và vạch cảnh báo an toàn. Một số hành khách đứng chặn cửa chắn ke ga (Platform Screen Door - gọi tắt là PSD) và cửa tàu để chờ người thân lên xuống, gây nguy hiểm.
“Thời gian mở và đóng cửa tàu chỉ trong 30 giây nhưng có hành khách vẫn cố gắng lao ra/lên tàu khi cửa đang đóng. Nhiều hành khách bước qua vạch cảnh báo an toàn dù đã được nhắc nhở khiến nhân viên nhà ga phải can thiệp và nhắc nhở liên tục”- đại diện HURC1 thông tin.
Bên cạnh đó, nhiều hành khách không xếp hàng tại lối vào, thang cuốn và tàu, gây mất trật tự và ảnh hưởng đến hành khách khác. Có trường hợp chen lấn, xô đẩy để nhanh chóng lên/xuống tàu, gây nguy cơ mất an toàn. Nhiều hành khách không hợp tác làm thẻ lên tàu hay quét QR code khi ra/vào cổng kiểm soát với lý do trải nghiệm miễn phí không cần thực hiện.
Cùng với đó là các hành vi khác như: sử dụng thang máy của đối tượng ưu tiên không đúng mục đích; mang đồ ăn, thức uống và thú cưng vào ga; sử dụng thiết bị chụp ảnh, chụp ảnh không an toàn và chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh chung.
Lực lượng bảo vệ hỗ trợ hành khách tại nhà ga Bến Thành, quận 1. Ảnh: Hữu Huy |
“Hành khách sử dụng tripod (chân máy ảnh/máy quay/điện thoại) trong nhà ga và trên tàu, gây cản trở cho hành khách khác. Nhiều trường hợp hành khách rướn người ra ngoài cửa EWD (cửa chỉ để nhân viên nhà ga sử dụng trong tình huống khẩn cấp) để chụp hình, không tuân thủ nhắc nhở của nhân viên và tiếp tục di chuyển đến các vị trí khác để chụp ảnh. Có trường hợp cởi bỏ trang phục, thiếu thuần phong mỹ tục khi chụp ảnh. Số lượng nhân viên của nhà ga quá tải tập trung phục vụ hành khách, không đủ để nhanh chóng ngăn cản khi có tình huống này”- đại diện đơn vị vận hành thông tin.
Theo HURC1, với nhiều trường hợp không tuân thủ văn hóa sử dụng metro, nhân viên tại nhà ga tăng cường nhắc nhở, giải quyết tình huống khó khăn phát sinh ngoài nhiệm vụ chính, làm tăng khối lượng công việc. Nhân viên vận hành cũng gặp nguy cơ phải đối mặt với các xung đột và tranh cãi khi ngăn cản hành vi không đúng quy định của hành khách, tạo ra áp lực lớn khi làm việc.
“Sự không tuân thủ quy tắc lên xuống tàu của hành khách, cố gắng vượt lằn ranh an toàn khi cửa tàu sắp đóng đôi khi có thể gây mất an toàn, hư hỏng thiết bị vận hành và ảnh hưởng quy trình vận hành”- đại diện đơn vị vận hành cảnh báo.
Hơn 11.000 hành khách được hỗ trợ
Theo đơn vị vận hành, có hơn 11.000 trường hợp hành khách được hỗ trợ trong 2 tuần vận hành, bao gồm: hành khách là người khuyết tật (khiếm thị, đi xe lăn), hành khách lớn tuổi (> 60 tuổi), trẻ em bị lạc, thất lạc hành lý - tài sản, các trường hợp đặc biệt (nôn, ói, xỉu)...