Khách mời của Quốc hội

Khách mời của Quốc hội
TP - Vòng quanh Hồ Đống Đa khoảng hơn một cây số. Bửng tưng hoặc chiều muộn, luôn rậm rịch những nhịp chân tản bộ của nam phụ lão ấu. Guồng quanh vòng hồ hẹp, tôi  thoáng thấy một nhịp chân của nguyên Phó chủ tịch QH Mai Thúc Lân.

>> Kỳ trước

Kỳ II. Mai Thúc Lân chuyện đời ấm lạnh...

Năm 2004, cơn bạo bệnh ập đến. Tưởng nguy, may mà qua được. Thuốc thang hoặc cách chữa trị sao đó cộng với việc tập luyện chăm chỉ khiến ông sáng nào cũng góp được một vòng hồ, và vẫn sải những bước đều đều dọc hành lang hội trường giờ giải lao phiên khai mạc QH với tư cách là khách mời. Có lẽ cái tướng lẫn cơ địa rom rom mảnh khảnh khiến ông chống chọi được với cơn bệnh trọng chứ to béo thì dễ đứt? Đứt, việc ấy với ông chả dễ...

Xem nào, nếu có mệnh hệ chi thì đận ông đang là phó chủ tịch Hà Bắc, năm 1982, đi chuyên gia ở Batambang (Campuchia) hơn hai năm đã dính đạn của Polpot. Hoặc sau đó là tiếng nổ của quả lựu đạn ở sân nhà ông Chủ tịch tỉnh Hà Bắc Mai Thúc Lân làm kinh động cả thị xã Bắc Giang và dư luận cả nước năm 1986. May mà chỉ là tiếng nổ suông bởi lựu đạn nổ nhưng không phạm phải một người nào trong gia đình ông lẫn người qua đường.

May mà cơn mê bóng đá đã cứu ông. Đêm ấy, ông ở lại  cùng coi bóng đá với anh em vì cơ quan có ti vi màu. Cơ quan điều tra nhanh chóng vào cuộc. Thủ phạm chính là giám đốc một công ty xuất nhập khẩu của huyện Lạng Giang, có lẽ cũng do ngu dại mà ra.

Thay vì nhận tội, khung hình phạt tương ứng với tội, thì cũng chỉ năm hơn năm kém nhưng hắn và đồng bọn dùng lựu đạn tương thẳng vào nhà chủ tịch tỉnh để trả thù! Mà duyên do tiếng nổ của quả lựu đạn đó cũng là từ cái tính ngay thẳng của ông chủ tịch mà ra, bởi ông kiên quyết chỉ đạo cơ quan chức năng làm rõ vụ việc nhập nhèm mặc dù đương sự từ hồi ấy đã biết chạy chọt.

... Ngó cái dáng mảnh khảnh cùng chất giọng Quảng Nam đặc nặng lại hơi gấp gấp, cứ nghĩ với tính ngang thẳng ngỡ ông khó mà bền được với quãng đời quan lộ cũng khá là dài. Dưng ngược lại, cũng khá là hanh thông?

Tôi lẩn thẩn nghĩ thêm, hay là đất Hà Bắc đãi ngoại? Hay là xứ sở Kinh Bắc với những giai điệu quan họ mượt mà, hoán cải thì không nhưng đã góp phần cân bằng lại tính khí hơi bị hổ lửa của chàng trai xứ Quảng (chắc giới viết lách nhiều người từng biết GS Mai Quốc Liên là em kế của ông, tính khí cũng khá độc đáo).

Khách mời của Quốc hội ảnh 1
Nhà văn Nguyên Hồng (trái) với ông Mai Thúc Lân năm 1980

Khi đó, ông là cán bộ kỹ thuật trồng trọt tốt nghiệp trường Nông Lâm về Bắc Ninh công tác. Cũng chỉ tưởng một vài năm  nhưng liền một mạch gần 40 năm. Từ anh phó phòng, trưởng phòng, từng nấc, từng thang, từ anh thành ông phó giám đốc Ty Nông nghiệp rồi Phó Chủ tịch Tỉnh kiêm giám đốc Ty Nông nghiệp.

Và sau đó nhiều năm là chủ tịch một tỉnh Hà Bắc rộng thênh  mà sau đó phải chia ra làm hai tỉnh. Cái ngày với cương vị là trưởng phòng của Ty Nông nghiệp được cử đi học Trường Cao trung Nguyễn Ái Quốc cùng một tổ với anh trưởng phòng Lê Huy Ngọ của Ty Nông nghiệp Vĩnh Phú, khó ai ngờ rồi sẽ có một ngày một thời khắc, một người là Bộ trưởng Bộ NN& PTNT trả lời chất vấn trong nhiều phiên họp của QH còn một người là Phó Chủ tịch QH điều khiển những phiên chất vấn ấy.

Ông Phó Chủ tịch QH có thơ trêu ông bạn là thành viên Chính phủ Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Huy Ngọ/ Nét mặt lúc nào cũng nhăn nhó/ Thuyết trình điểm nào nghe cũng thông/ Sao nông nghiệp ta khó vẫn khó?

Lại nói đất Hà Bắc đãi ngoại hay ông thuộc cung thân cư thê? Cứ soát một lượt các cung bậc quan lộ của ông hoặc thử trích ngang ra vài đoạn hoạn lộ, tôi cứ ngờ ngợ, nếu như ngày ấy ông không gặp được cô công nhân áo gụ quần thâm tóc tết đuôi sam, da trắng hồng ở Trại thí nghiệm lúa Hà Bắc, có lẽ đời ông sẽ ngoặt sang một hướng khác cũng chưa biết chừng.

Thì đã đành bà có công sinh hạ chăm chút cho ông bốn con, rồi phải bươn chải chịu đựng này khác thời gian ông đi chuyên gia hai năm ở Campuchia. Nhưng cái việc từ chối chức trưởng phòng của một sở lớn và từ bỏ mọi công việc của một cán bộ nhà nước ở tuổi hơn 40 để chăm bẵm việc nhà cho ông yên tâm công tác thì cũng không phải là nhiều người làm được.

Tài năng? Thì đã đành trời cho ai tí nào hay tí ấy cộng với sự gắng gỏi của bản thân. Có thể nói cái may nữa của ông là gặp nhiều người tốt như ông từng bộc bạch, là lòng tốt mới khiến mình ngại và sợ.

Chả hạn như nhà văn Nguyên Hồng mà ông rất kính trọng ( có lẽ cũng may nữa, ông thuộc dạng ham đọc lẫn ham viết. Từng được giải của cuộc thi bút ký Đài TNVN những năm 60), những lần đến chơi với nhà văn, ngồi hầu chuyện nhà văn trên mảnh đất xơ xác của Ấp Cầu Đen trong lãnh địa mình phụ trách, ông chủ tịch tỉnh dường như cũng ngộ ra lắm điều về lòng người thói đời.

Rồi nhà thơ Khương Hữu Dụng đồng hương, lại cùng nhà với ông ở khu TT Kim Liên từng chép (lẫn khuyên?) ông bằng hai câu thơ Thiền của mình Bàn cờ thế sự quân không động/ Mà thấy quanh mình nổi bão giông.

Đó là thời điểm ông được điều về làm Phó Chủ nhiệm UB Kinh tế Ngân sách của QH. Sau đó ĐH Đảng VII, ông vào Ban Chấp hành T.Ư, QH khóa IX, ông là Chủ nhiệm UB Kinh tế Ngân sách của QH. Ngân sách nhà nước là một cái chăn quá hẹp mà ngành nào địa phương nào cũng muốn kéo về phía mình. Cần phải tăng thu và chống thất thu. Đã đành! Nhưng QH đóng được vai trò gì, góp được gì trong cuộc kéo co lẫn tình trạng vá víu ấy?

Kể ra đây sợ rườm nhưng có lẽ QH Việt Nam từ những năm đầu 90 ấy dường như đã khai thông, đã manh nha một lộ trình cho những sự điều tiết hữu hiệu sau này trong việc điều hành của Chính phủ.

Mà những ý kiến (tạm coi là phản biện đi) của khóa IX của những ĐBQH như Nguyễn Quốc Thước, Đàm Văn Ngụy, Lương Ngọc Toản, Mùa Thị Mỷ... và sau này những Nguyễn Ngọc Trân, Đỗ Văn Ngoạn, Nguyễn Lân Dũng, Dương Trung Quốc, v.v... lần lượt tiếp thêm năng lượng cho ngọn đuốc soi  cho lộ trình QH phải quyết định ngân sách ấy.

Những tưởng ông sẽ yên ổn với quãng thời gian còn lại với cương vị chuyên trách của QH. Đùng cái, năm 1993 bà lại theo ông vào Quảng Nam - Đà Nẵng (QNĐN). Không hoang mang nhưng ông biết vị thế của mình khi trên đột ngột điều về một địa bàn để chữa trị chứng mất đoàn kết nội bộ!

Có không ít cán bộ sở tại là đồng hương, với tính cách người xứ Quảng, chỉ vào ông Ông là người Quảng nên chúng tôi nhận chứ QNĐN không thiếu cán bộ! Ở mô thiếu cán bộ thì QNĐN điều cho chứ đây chả thiếu. Chưa hết Này, ông về đây chớ có vài tháng tìm cách cắp một mảnh đất rồi chuồn nghe.

Có lẽ những gì ông trụ lại ở địa phương không ít sóng gió với cương vị bí thư Tỉnh ủy ấy một rồi hai năm qua hai lần ĐH Tỉnh Đảng bộ phải dành cho những tay chuyên viết về nhân sự! Nội cái việc tượng đài về biểu tượng QNĐN trung dũng kiên cường trong kháng chiến giữ nước được xây dưới trào của ông,  có một sự cố lún. Khiếm khuyết ấy được khắc phục ngay sau đó nhưng cũng kịp có câu vè Chi (tên đồng chí Bí thư tiền nhiệm) đi Chi để  đêm dài/ Lân về Lân để tượng đài ngả nghiêng.

Có thể nói, quãng thời gian trị nhậm ở QNĐN, qua công tác nhân sự và đại hội, mềm dẻo lẫn quyết liệt, ông đã góp phần tiến cử một số cán bộ có năng lực, trong đó có Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành phố Đà Nẵng sau này. Lại nói quyết định chia tách QNĐN chỉ sau Đại hội Tỉnh Đảng bộ lần thứ XVI của QNĐN có năm tháng.

Ông khi đó ở tuổi 62 cân nặng 42 kg lại phải gồng mình lên trong vai trò chính của việc tổ chức để thành lập một tỉnh mới Quảng Nam. Thôi thì đành phải cười động viên anh em trong cái tất tả chung lo... Thị xã Tam Kỳ bây giờ khang trang nhưng khi đó là khu đất người thưa và những đồi bạch đàn.

Ngồi trên xe từ Đà Nẵng về Tam Kỳ (70 km), vợ ông đã khóc. Những giọt nước mắt hoang mang buồn tủi ấy chưa kịp khô thì, tối hôm đó, tại nơi ở mới mưa rất to có con rắn hổ mang bò vào tận giường làm vợ ông càng hoảng.

Bao gian nan rồi cũng qua. Đại hội tỉnh Đảng bộ mới Quảng Nam, ông lại chững chạc tiếp vị thế Bí thư cho đến cuối năm 1997, ông được trên rút ra làm Phó Chủ tịch QH. Năm 2003 ông nghỉ hưu.

Lâu lắm ( từ thời điểm bài trả lời phỏng vấn ĐB kiêm nhiệm cử tri chuyên trách do PV Hữu Khôi thực hiện, được nhiều báo đăng lại ý kiến ông phê phán tình trạng vẫn còn quá nhiều ĐBQH kiêm nhiệm và cử tri phàn nàn về chất lượng giám sát chưa cao của QH), chúng tôi  mới ngồi lại với ông tại căn hộ trong khu tập thể của QH.

Bên ông, vẫn là người vợ bao năm song hành cùng ông những chuyện đời ấm lạnh. Cô công nhân quần nâu áo gụ ấy nay đã chững chạc ở vị thế bà nội bà ngoại. Bốn người con tất thảy đã dựng vợ gả chồng. Mừng ông đã khá sau thời điểm bị bạo bệnh. Nhưng, tại cuộc gặp lại này, dường như ông vẫn đang có điều chi day dứt?

Câu chuyện thế sự bữa đó của chúng tôi cứ dài mãi ra khi ông bộc bạch rằng cái chuyện giám sát bauxite ở Tây Nguyên phải làm sớm! Chẳng hạn QH phải thông tin sớm cho các ĐB để họ chủ động thực thi phận sự của mình. Tôi hỏi ông có kiến nghị góp ý chi không thì ông cười nhẹ lắc đầu. Với lại mình đã thanh thản về hưu rồi...

MỚI - NÓNG