Các vị lão thành cách mạng. Các vị nguyên là tổng bí thư, chủ tịch nước, phó chủ tịch nước, thủ tướng Chính phủ, chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội. Các ủy viên Bộ chính trị, Phó thủ tướng đương chức (không phải là đại biểu Quốc hội), cựu ủy viên Bộ chính trị, cựu bí thư T.Ư Đảng.
Kỳ I: Cao lão nhất hội trường
Tại nhà họp tạm của Quốc hội (Hội trường Bộ Quốc phòng), do không đủ ghế để bố trí chỗ ngồi đối các vị nguyên là trưởng ban Đảng, nguyên bộ trưởng nên Văn phòng Quốc hội có sáng kiến và khá công phu là cho ý kiến mời từng trường hợp nếu các vị ấy có yêu cầu dự kỳ họp.
Từ đận Tướng Giáp yếu (tôi để ý Cụ chưa bỏ phiên khai mạc hoặc chương trình thảo luận về kinh tế xã hội lẫn các buổi chất vấn nào) không lên hội trường tại một số kỳ họp cuối diễn ra ở Hội trường Ba Đình lẫn những kỳ Quốc hội họp nhờ ở Hội trường Bộ Quốc phòng, thì cụ Nguyễn Văn Trân là vị khách mời cao niên nhất, 94 tuổi.
Trong khoang dành cho số khách mời thường xuyên, mái tóc cắt ngắn bạc phơ của cụ Nguyễn Văn Trân luôn thấp thoáng đây đó. Có lẽ, trong số khách mời, cụ là chăm nhất, chưa hề bỏ phiên khai mạc phiên chất vấn hoặc thảo luận kinh tế xã hội tại hội trường thì phải?
Giờ giải lao, cụ thong thả rời ghế và cũng dáng nhẩn nha như thế, cụ tản bộ dọc hành lang hội trường bằng những sải chân chưa hề lập cập tẹo nào. Cụ lướt qua đám đông, qua các tốp đại biểu, khi chăm chú, lúc thoảng qua, na ná kiểu đi dạo của các bậc cao lão giữa những hoa với nụ trong vườn nhà mà mình bao năm cần mẫn, chăm tỉa tưới tắm.
Kỳ họp trước, nhớ bữa gặp cụ ở hành lang, cụ chìa bàn tay hãy còn cứng cáp, chưa có vẻ gì run rẩy: “Thế nào, nhà báo ghi được nhiều chưa?” Chà, cụ không dùng chữ “viết’’ mà “ghi’’ bởi bữa đó Quốc hội chất vấn, các đại biểu và hết thảy mọi người đều nghe là chính.
Tôi hỏi cụ có cảm tưởng, nhận xét gì qua hơn một ngày nghe chất vấn. Không hiểu sao tôi chuẩn bị đón đợi những thông tin đại loại như ông bộ trưởng này nói được, ông bộ trưởng kia giải trình còn vòng vo hoặc có ý định đá quả bóng sang người khác, ngành khác như tôi vẫn thường nghe được khi làm cái việc phỏng vấn ai đó.
Nhưng, cụ vỗ nhẹ vào cánh tay tôi thế này: “Có lẽ các bộ trưởng, những người đứng đầu ngành phải sâu và sát hơn trong phận sự, chức trách điều hành của mình. Cứ thoáng qua cung cách giải trình là nhiều chỗ hở hơn là kín”.
Có lẽ, cái nhận xét của bậc cao niên hơn chín chục tuổi và có dư một hoa giáp (hơn 60 năm) tuổi Đảng, 11 cháu nội ngoại và một chắt, thường thận trọng vị tha, không có hơi hướng của sự sát sạt, riết róng như không ít đại biểu vẫn thường sốt mến với việc nước mà tôi từng gặp?
Và nữa, nhận xét ấy dung chứa cái tầm khoát hoạt, rộng và xa của vị lương đống năm 1946 được Bác Hồ trực tiếp giao việc tổ chức bảo vệ Thành Hà Nội. Khi Trung ương tổ chức thành lập 12 chiến khu quân sự, cụ được cử trọng trách chủ tịch ủy ban kháng chiến khu 11 (tức Hà Nội), kiêm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Cụ tham gia Ban chấp hành T.Ư Đảng suốt từ năm 1951 (Đại hội Đảng lần II) cho đến năm 1976 (Đại hội Đảng lần IV). Cụ cũng là bộ trưởng tiền khởi của ngành giao thông và bưu điện và Bộ Công nghiệp nặng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Cũng đã lâu lâu mới gặp lại thì, ngạc nhiên chưa, cụ vẫn thường trực một kiểu bước thư thả như thế! Dường như, những biến động quay quắt của thời tiết, sự đỏng đảnh của tuổi tác cùng xáo trộn lạm phát này khác, con người từng gắn cả đời mình với Hà Nội mến yêu cũng vẫn vững như là Hà Nội vậy? Hà Nội vẫn yên hàn qua trận lụt lịch sử và, hơn thế, đang chững chạc là một trong những thủ đô lớn nhất thế giới.
Trong không khí cởi mở lại có phần nhộn nhịp của giờ giải lao phiên khai mạc, anh bạn đồng nghiệp, sau khi vấn an sức khỏe của cụ đã thực thà theo khẩu khí của bậc con cháu thế này: “Cụ ơi, tất nhiên chả ai dám bảo là cụ yếu. Nhưng nếu như cụ còn đương chức bí thư thì việc đầu tiên cụ lo cho Hà Nội là những thứ gì?”.
Cụ cười khà khà, cặp mày bạc nhướng lên, bên dưới là những tia nhìn hẵng còn hóm hỉnh, lấp lánh... Xin cảm ơn! Này, các anh nói không cần to nhưng chậm thôi cho nghe với. Chả là tai dạo này có vấn đề.
Việc đầu tiên ấy là xin sẻ chia đồng cảm với những khó khăn mà một Hà Nội lớn, Hà Nội to rộng đang phải đương đầu với những thử thách mà thời chúng tôi không có và không thể gặp được!
Giờ giải lao qua mau. Hôm Quốc hội diễn ra phiên thảo luận tình hình kinh tế, xã hội và ngân sách, thoáng thấy cụ xuất hiện ở chỗ khách mời, giờ giải lao đã chẳng thấy đâu. Hỏi lão tướng Đồng Sĩ Nguyên ngồi bên thì được biết cụ về rồi.
Cụ Nguyễn Văn Trân tại nhà riêng. Ảnh: PV |
Theo chân anh bạn đồng nghiệp đang có nguyện vọng ghi lại một series ảnh các cụ lão thành lại biết nhà riêng của cụ, chúng tôi đến phố Hàng Chuối. Đến nơi đều ngẩn tò te khi biết cụ đã chuyển nhà mấy năm nay mà chúng tôi không biết.
Khu đô thị Nam Thăng Long, tuy xa trung tâm, nhưng thoáng không khí trong lành, nom cụ đang thả bước trong hàng hiên rộng quả thấy cụ đã có lý khi làm cái việc đổi nhà.
Trước ống kính máy ảnh, cụ kín đáo thay tấm áo khác nhưng tòn ten bên ngực trái là tấm biển con con Khách mời của Quốc hội. Mặc cho chúng tôi hết chụp ảnh lại ngó lâu lâu tấm ảnh cụ chụp với Bác Hồ ở chiến khu Việt Bắc, cụ ngồi vào bàn và hí hoáy viết gì đó.
Trên bàn tôi nhác thấy chồng báo có Nhân Dân, Tuổi Trẻ, Thanh niên, Tiền Phong, Hà Nội mới... mà cụ đương đọc dở. Có một tấm ảnh đen trắng khổ lớn chắc mới được phục chế lồng khung treo trang trọng trên tường. Bên dưới là dòng chữ Đại hội Đảng lần thứ II.
Trên ảnh có Hồ Chủ tịch, Trường Chinh, Hoàng Quốc Việt, Nguyễn Lương Bằng, Chu Văn Tấn, Hồ Tùng Mậu, Nguyễn Chánh, Phạm Văn Đồng, Lê Văn Lương, Hồ Viết Thắng, Nguyễn Văn Trân, Nguyễn Khang, Hà Huy Giáp, Tố Hữu, Ung Văn Khiêm...
Chúng tôi lặng đi trong một cảm giác bồi hồi! Chứ sao, bây giờ người còn sót lại duy nhất trong tấm ảnh cũ kia trích ra từ một sự kiện lịch sử lớn của đất nước, Đảng Cộng sản đổi tên thành Đảng Lao Động, chính là cụ đây!
Khi chúng tôi trở lại thì cụ tươi cười chìa ra cuốn sách mỏng của NXB Hà Nội Nhà tù Sơn La thời thực dân Pháp. Bên trong là những dòng cụ vừa viết Kính tặng Báo Tiền Phong. Hà Nội ngày 28-5-2009. Nguyễn Văn Trân, nguyên Bí thư Hà Nội năm 1946-1948. Năm 1966- 1974. |
Câu chuyện dường như tiếp nối một cách tự nhiên từ bữa giải lao phiên khai mạc bên những chén trà tươi chuyền ra từ cái ấm tích đựng trong giỏ tre. Cụ chỉ cười khi anh bạn tôi cứ khơi khơi, cụ ơi sao hôm Quốc hội thảo luận cụ lại về nửa chừng cụ mệt hay không muốn nghe.
Nhưng có một thoáng, tôi thấy cụ nghiêm sắc mặt mà rằng không nên nhắc lại sự đã rồi về một Hà Nội to nhất to nhì mà, như cụ đã nói hôm trước là, phải vượt qua thử thách. Thử thách ấy là bao giờ Hà Nội rút ngắn thời gian để đàng hoàng to đẹp như một số thủ đô và thành phố lớn trên thế giới có tầm vóc quy mô và diện tích như Hà Nội.
Một hàm lượng một tiêu chí thủ đô về kinh tế văn hóa phải dẫn đầu và làm gương cho cả nước. Tại đó khu công nghiệp được triển khai thế nào, chất lượng các trường đại học các cơ sở nghiên cứu khoa học ra sao, có bước gì đột phá trong việc quản trị một thành phố, một thủ đô?
Những bước tiến của Hà Nội nói riêng và cả nước không thể để cho những thứ quẩn chân ngáng chân như nạn tham nhũng mua quan bán tước. Thường xuyên sinh hoạt tiếp xúc với các cán bộ lão thành, cụ cho biết phổ biến là tâm trạng ấy.
Việc thời sự bauxite tự dưng chen ngang câu chuyện... Cụ thẳng thắn, chúng ta có tài nguyên thì khai thác. Nhưng khai thác như thế nào, lúc nào và công nghệ ra sao là việc lớn và khó! Khó và lớn thế cho nên phải đưa ra Quốc hội. Mà đưa ra Quốc hội tức là đưa ra dân. Cụ thở dài, hy vọng Quốc hội sẽ tìm ra cách làm hữu hiệu không những với hiện tại mà còn muôn đời con cháu mai sau!
Cuối buổi gặp, chất giọng khẽ khàng và có chút chi luyến tiếc khi cụ nhắc lại kỷ niệm với người cộng sự thân thương một thuở một thời, Chủ tịch UBHC Thành phố Hà Nội Trần Duy Hưng mà cụ là Bí thư Thành phố suốt tám năm.