Khắc phục 'nhạt Đảng, khô Đoàn'

Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong trả lời phóng viên tại cuộc họp báo. Ảnh: Như Ý.
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong trả lời phóng viên tại cuộc họp báo. Ảnh: Như Ý.
TP - “Phải hiểu về thực trạng đất nước, hiểu về thế mạnh, những cơ hội, thách thức, khó khăn, điểm yếu, trên cơ sở đó phát huy những gì là thế mạnh, hạn chế tối đa những điểm chưa tốt, thúc đẩy thanh niên đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Đồng thời trang bị cho thanh niên đủ hành trang như giúp thanh niên có kiến thức lịch sử văn hóa dân tộc, nền tảng hiểu biết về chính trị đất nước, về văn hóa, kỹ năng xã hội, hiểu biết về thế giới...”- Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Lê Quốc Phong nói tại cuộc họp báo thông tin kết quả Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 - 2022.

Giúp thanh niên tự tin, làm chủ

Trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có lưu ý đến tình trạng “nhạt Đảng, khô Đoàn”. Tổng Bí thư cũng nhấn mạnh, thanh niên phải có bản lĩnh, làm chủ nước nhà một cách xứng đáng nhất. Trong nhiệm kỳ 2017 – 2022, T.Ư Đoàn có những giải pháp gì để thực hiện những ý kiến chỉ đạo trên?

Anh Nguyễn Ngọc Lương: Trong bài phát biểu đánh giá của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ghi nhận rất nhiều mặt công tác, trong đó nhấn mạnh đến kết quả đã xây dựng hình tượng thanh niên giai đoạn mới có lý tưởng cách mạng...Tuy nhiên, trong phát biểu, Tổng Bí thư cũng có nói về biểu hiện “nhạt Đảng, khô Đoàn”. Chúng tôi ý thức được việc này, trong dự thảo báo cáo chính trị cũng xác định rõ nhiệm kỳ tới T.Ư Đoàn, các cấp bộ Đoàn phải tập trung thực hiện tốt một số việc. Thứ nhất, tiếp tục tăng cường học tập, tuyên truyền chủ nghĩa Mác- Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh; các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình, kế hoạch của Đoàn đến đông đảo đoàn viên, thanh niên. Thứ hai, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền bằng nhiều biện pháp, chú trọng đến bộ công cụ mới, tuyên truyền qua mạng xã hội. Thứ ba, thực hiện gương mẫu, nêu gương của đảng viên trẻ. Thứ 4, cung cấp kịp thời các thông tin chính thống để ĐVTN nắm vững quan điểm, phản bác luận điệu xuyên tạc, kích động...

Công tác Đoàn phải tiếp tục đổi mới. Thứ nhất, cần phải tiếp tục tuyên truyền cho thanh niên hiểu rõ hơn vai trò, vị trí của Đoàn, lịch sử hào hùng của Đoàn, những đóng góp của Đoàn, của lớp lớp thanh niên trong các giai đoạn đối với đất nước, quê hương. Thứ hai, cần phải đổi mới các nội dung, phong trào hành động cách mạng của Đoàn, xem đây là yếu tố có vai trò hết sức quan trọng tạo điều kiện cho thanh niên rèn luyện, cống hiến, trưởng thành qua đó tự trải nghiệm, tự hoàn thiện mình. Thứ ba, tăng cường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, xu hướng của giới trẻ, của thanh niên. Có hiểu được tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của thanh niên thì mới thiết kế được nội dung, hoạt động đúng. Thứ tư, chất lượng đội ngũ cán bộ Đoàn quan trọng, phải đóng vai trò nêu gương, tiên phong, gương mẫu, có lý tưởng, có trình độ...

Trong bối cảnh tình hình mới, đặc biệt trong thời hội nhập, có nhiều luồng tư tưởng đan xen, nhiều vấn đề, hơn ai hết yếu tố bản lĩnh hết sức quan trọng. Dự thảo nghị quyết cũng có nêu, việc giáo dục lý tưởng, đạo đức cách mạng cho thanh niên là trọng tâm, cung cấp những nội dung chính thống, quan điểm để thanh niên cán bộ Đoàn nắm kỹ. Đổi mới các phong trào hành động cách mạng của Đoàn, đặc biệt những vấn đề mới, những vấn đề gắn bó với thanh niên.

Anh Lê Quốc Phong: Có một yêu cầu đặt ra với thanh niên, với Đoàn trong nhiệm kỳ sắp tới là làm sao để có thể giữ vai trò là người làm chủ, người giữ trọng trách lớn trong sự phát triển của đất nước, tiên phong, xung kích đi đầu. Theo tôi, Đoàn giúp thanh niên trang bị tốt về tâm thế, trách nhiệm trong vị thế của người làm chủ nước nhà một cách xứng đáng. Có nghĩa phải hiểu về thực trạng đất nước, hiểu về thế mạnh, những cơ hội, thách thức, khó khăn, điểm yếu, trên cơ sở đó phát huy những gì là thế mạnh, hạn chế tối đa những điểm chưa tốt, thúc đẩy thanh niên đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Đồng thời trang bị cho thanh niên đủ hành trang như giúp thanh niên có kiến thức lịch sử văn hóa dân tộc, nền tảng hiểu biết về chính trị đất nước, về văn hóa, kỹ năng xã hội, hiểu biết về thế giới... Những điều đó giúp cho các bạn tự tin hơn trong phát huy vai trò làm chủ của mình. Cuối cùng đó chính là hành động. Hiểu đúng, hành trang đầy đủ thì hành động cũng phải có môi trường hợp lý và là điều kiện để thể thể hiện vai trò của thanh niên.

Trong đại hội, chúng tôi thiết kế các diễn đàn để các đại biểu gặp các bộ trưởng là những người trực tiếp tham mưu với Chính phủ về công tác quản lý nhà nước những ngành, lĩnh vực mà thanh niên đang rất quan tâm. Điều này giúp thanh niên có thể nắm đầy đủ về cơ chế chính sách và có thể đóng góp giải pháp với các bộ ngành, với Chính phủ. Đó cũng chính là lời giải, thôi thúc để thanh niên tham gia vào quá trình phát triển đất nước, đóng góp ý tưởng, sáng kiến của mình. Đại hội lần này đề cao tinh thần sáng tạo, chủ động của ĐVTN trong quá trình hành động, trong thực hiện công việc của mình ở từng góc độ, từng vị trí khác nhau. Hội tụ đủ những yếu tố đó, thanh niên sẽ đáp ứng được kỳ vọng của Tổng Bí thư về làm chủ đất nước một cách xứng đáng nhất. Trong quá trình đó, việc tự rèn luyện của thanh niên là cần thiết. Đoàn sẽ làm nòng cốt tạo môi trường thúc đẩy thanh niên.

Hỗ trợ các “chiến binh khởi nghiệp”

Trong bài phát biểu tại đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng, mỗi thanh niên sẽ là một chiến binh khởi nghiệp. Vậy, Đoàn sẽ làm gì để hỗ trợ thanh niên?

Anh Nguyễn Anh Tuấn: Thủ tướng rất quan tâm đến khởi nghiệp, đặc biệt là khởi nghiệp trong thanh niên. Chính Thủ tướng là người dự và phát động chương trình Thanh niên khởi nghiệp tháng 10/2016 do T.Ư Đoàn tổ chức. Vấn đề để mỗi thanh niên là một chiến binh khởi nghiệp cũng được đề cập trong các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp, đề án trong dự thảo nghị quyết đại hội. Trong 11 chỉ tiêu, có tới 3 chỉ tiêu liên quan đến khởi nghiệp, lập nghiệp cho thanh niên. Thứ nhất là hỗ trợ 1.000 dự án khởi nghiệp sáng tạo; thứ hai là 10.000 tỷ vốn vay hỗ trợ cho thanh niên phát triển kinh tế; thứ ba là tư vấn hướng nghiệp cho 10 triệu lượt thanh thiếu niên, giới thiệu việc làm cho 1,5 triệu thanh niên. Trong giải pháp, đại hội cũng phát động 3 phong trào, 3 chương trình lớn, trong đó có 1 chương trình hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp, lập nghiệp. Trong 10 đề án đại hội đã biểu quyết thông qua, sẽ tiếp tục thực hiện đề án thanh niên khởi nghiệp.

Chúng tôi cho rằng, khởi nghiệp là nhu cầu của thanh niên, cũng là một đòi hỏi đất nước đặt ra với thanh niên. Tổ chức Đoàn phải làm thế nào để có công cụ, mô hình, phương thức hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp tốt nhất. Hiện tại, đã thành lập Trung tâm hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Rất nhiều tỉnh, thành đoàn trên cả nước cũng đã có những mô hình, phương thức hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Chúng ta đang tích cực hoàn thiện các thủ tục pháp lý để hình thành Quỹ Hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp. Các giải pháp khác liên quan đến truyền thông, tuyên truyền, đẩy khát vọng khởi nghiệp vươn lên, đặc biệt là các giải pháp về quản trị, điều hành, lập dự án, vốn, kết nối thị trường. Tôi cho rằng đây là công việc mà T.Ư Đoàn, các cấp bộ Đoàn sẽ cố gắng trong thời gian tới để thực hiện tốt nghị quyết của đại hội và tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng mỗi thanh niên là một chiến binh khởi nghiệp.

Vì sao Ban Bí thư T.Ư Đoàn có 4 thành viên?

Sau đại hội, Ban Bí thư T.Ư Đoàn khóa XI mới có 4 thành viên. Xin cho biết lộ trình kiện toàn Ban Bí thư?

Anh Bùi Quang Huy: Công tác nhân sự của đại hội là vấn đề rất quan trọng. Theo đề án Ban Bí thư T.Ư Đoàn xây dựng, Ban Bí thư T.Ư Đoàn gồm tối đa 7 đồng chí. Đề án Ban Bí thư T.Ư Đoàn gồm 7 đồng chí là đề án của nhiệm kỳ, thực hiện trong suốt nhiệm kỳ, đã được Ban Tổ chức T.Ư, Ban Bí thư T.Ư Đảng thống nhất. Khi thống nhất, làm quy trình nhân sự cụ thể, Ban Bí thư T.Ư Đoàn khóa X, Ban Chấp hành T.Ư Đoàn khóa X không có chủ trương hạn chế số lượng, mà trong quá trình thực hiện phải theo quy định, quy trình nhân sự gồm 9 bước. Trong quá trình đó, đòi hỏi sự tín nhiệm đạt đến mức độ nhất định mới được giới thiệu các bước tiếp theo. Qua quy trình đó, chỉ có 4 đồng chí đạt tín nhiệm để giới thiệu. Ban Bí thư T.Ư Đoàn sẽ báo cáo với Ban Tổ chức T.Ư, Ban Bí thư T.Ư khi có nhân sự đủ điều kiện tiêu chuẩn và tín nhiệm sẽ kiện toàn. Đảm bảo trong nhiệm kỳ này, Ban Bí thư sẽ có cơ cấu nữ và phấn đấu có một bí thư là người dân tộc thiểu số.

Anh Lê Quốc Phong: Quy trình bầu Bí thư T.Ư Đoàn là rất chặt chẽ và qua nhiều bước, đòi hỏi đồng chí nào được tín nhiệm, giới thiệu phải hội tụ đầy đủ tiêu chuẩn cần có của Bí thư T.Ư Đoàn, các yếu tố mà Đảng quy định, nhưng trong đó đòi hỏi cả sự trưởng thành về thực tiễn, về năng lực điều hành thực tế để đủ sức đảm đương vị trí Bí thư T.Ư Đoàn, để thực hiện những nhiệm vụ, trọng trách mà Ban chấp hành, Ban thường vụ giao cho Bí thư T.Ư Đoàn. Do đó, việc khuyết Bí thư T.Ư Đoàn trong quá trình hoạt động của Đoàn là hết sức bình thường. Đó là một đòi hỏi rất cao của các đồng chí trong Ban chấp hành, tổ chức Đoàn cũng như đoàn viên ở các cấp đối với người thủ lĩnh của mình.

Việc chuẩn bị để có được nhân tố hội tụ đủ những tiêu chuẩn của Đảng, đáp ứng được đòi hỏi của thanh niên và các cấp bộ Đoàn, tổ chức Đoàn là trách nhiệm của Ban Bí thư T.Ư Đoàn. Tất nhiên thời điểm nào hội tụ đủ và có người xứng đáng thì sẽ giới thiệu. Mặc dù có khung tối đa là 7 nhưng không vì số lượng mà dẫn đến ảnh hưởng đến chất lượng. Quan điểm của chúng tôi là đáp ứng đúng tiêu chuẩn và đủ chất lượng để bổ sung.

Trưa 13/12, ngay sau lễ bế mạc Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XI, anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn khóa XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022, chủ trì cuộc họp báo thông tin kết quả đại hội. Cùng tham dự cuộc họp và trả lời các câu hỏi của báo chí có các Bí thư T.Ư Đoàn khóa XI: Nguyễn Anh Tuấn, Bùi Quang Huy, Nguyễn Ngọc Lương và đông đảo phóng viên các đơn vị báo chí.

MỚI - NÓNG