Nguyễn Thu Hoài (Bắc Ninh)
Ở người bình thường, do có sự phối hợp hoạt động của nhóm cơ vùng môi nên khi cười, môi trên sẽ được kéo lên trên và sang hai bên, răng hàm trên lộ ra nhưng lợi vẫn được môi che lấp. Tuy nhiên, ở người cười hở lợi, không chỉ răng lộ hoàn toàn mà lợi cũng bị lộ ra (tùy từng mức độ mà có độ hở từ 1/2 đến 2/3 viền lợi của cung răng hay từ 3-4mm tính từ cổ răng đến vành môi trên).
Có nhiều nguyên nhân gây cười hở lợi, có thể do lợi quá phát bẩm sinh hay do tác động của một số thuốc; do xương ổ răng quá dày; do trương lực cơ vòng môi quá lớn, môi nâng lên quá nhiều khi cười gây hở lợi. Xét về quan niệm thẩm mỹ thì cười hở lợi thường gây cảm giác mặc cảm, thiếu tự tin, ngại giao tiếp. Tốt nhất bạn nên đến khám tại chuyên khoa răng hàm mặt. Nha sĩ sẽ kiểm tra răng, nướu để xác định mức độ hở lợi và các nguyên nhân có thể. Bên cạnh đó, chụp Xquang để xem xét kỹ chân răng và xương hàm có thể được chỉ định để có hướng điều trị cụ thể.
Chẳng hạn nếu cười hở lợi do sự quá phát của lợi sẽ được chỉ định cắt lợi đơn thuần, nếu do xương ổ răng quá dày sẽ được tiến hành cắt lợi kết hợp mài ít bờ viền xương ổ và mặt ngoài xương ổ răng… Ngoài ra, cười hở lợi còn có thể được khắc phục bằng phẫu thuật cắt một phần nhóm cơ nâng môi trên hay dùng mắc cài tự tiêu kết hợp giải phóng bó cơ nâng môi trên.
Theo BS.Nguyễn Đức Nam