Kết quả xét nghiệm của cô gái ở Hà Tĩnh tiếp xúc với bệnh nhân 1553

Kết quả xét nghiệm của cô gái ở Hà Tĩnh tiếp xúc với bệnh nhân 1553
TPO - Một cô gái ở Hà Tĩnh làm việc tại Cảng vụ Vân Đồn (Quảng Ninh) từng tiếp xúc với bệnh nhân 1553 trước khi về quê đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 với SARS-CoV-2

Ông Nguyễn Lương Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Tĩnh (CDC Hà Tĩnh) cho biết, chị Lê Thị Bích N. (1993, quê ở xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) tiếp xúc với bệnh nhân 1553 trước khi về quê ở Hà Tĩnh đã có kết quả xét nghiệm âm tính lần 1. Chị N. hiện đang được cách ly theo dõi tại khu cách ly ở xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn.

Theo lịch trình di chuyển, chị N. làm việc tại Cảng vụ Hàng không Vân Đồn, Quảng Ninh. Vào ngày 21/1, chị N. ăn sáng cùng BN1553 tại nhà hàng Dê Trung Sún (Quảng Ninh). Ngày 22/1, nghỉ ở SunHomes. Ngày 23/1, đi làm Văn phòng nhà điều hành Sân bay Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn và về khu nghỉ SunHomes.

Kết quả xét nghiệm của cô gái ở Hà Tĩnh tiếp xúc với bệnh nhân 1553 ảnh 1

CDC Hà Tĩnh kiểm tra mẫu xét nghiệm của F1 ở huyện Hương Sơn. Ảnh: T.D

Sáng ngày 24/1, chị N. làm Văn phòng nhà điều hành Sân bay Cảng Hàng không Quốc tế Vân Đồn. Trưa tới chiều cùng ngày, ở SunHomes; đến tối thì lên xe khách Hải Huyền tuyến Vân Đồn- Hà Tĩnh để về quê.

Đến 5h30 sáng 25/ 1, chị N. lên xe buýt tuyến Hà Tĩnh - Trung tâm. Đến 6h50 về đến nhà ở xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn. 10h30, chị đi mua thức ăn tại quán ăn gần nhà và sau đó ở tại nhà.

Sáng 26/1, chị N. ở nhà. Đến khoảng 12h30 cùng anh trai đi công việc tại xã Sơn Thủy. Đến 16h vào chợ Phố, ghé một cửa hàng đồ chơi mua đồ chơi cho cháu trai. 17h30, đi qua một gia đình tại xã Sơn Giang, sau đó về nhà. 8h ngày 27/1, chị N. đi xe buýt Thọ Lam tuyến Trung Tâm-TP Vinh. Đến khoảng 10h gặp cháu gái học tại Đại học Vinh, sau đó cùng cháu qua làm tóc tại một tiệm trên đường Lê Lợi, TP Vinh. 17h chiều, chị N. lên xe buýt Thọ Lam về nhà ăn uống cùng gia đình.

Hiện Trung tâm Y tế huyện Hương Sơn phối hợp với chính quyền địa phương khẩn trương điều tra, truy vết các trường hợp tiếp xúc với F1 này. Theo đó, đã điều tra xác định 19 trường hợp F2 tiếp xúc với F1. Tất cả các trường hợp đã được giám sát, cách ly tại nhà.

Hiện sức khỏe của chị N. ổn định, không có biểu hiện ho, sốt và đang được cách ly tại khu cách ly xã Kim Hoa, huyện Hương Sơn.

Dịch COVID-19 'nóng' ở Hải Dương: Những lưu ý đặc biệt khi truy vết ca bệnh

Tại cuộc họp trực tuyến giữa Bộ Y tế và lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương về công tác phòng chống dịch COVID-19, ông Bùi Thế Duy, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Tổ trưởng Tổ truy vết cho hay, việc truy vết ca bệnh tại Hải Dương có 3 điểm lưu ý.

Thứ nhất, trong các ca dương tính ở Hải Dương, rất nhiều người là công nhân nữ, trong độ tuổi có con còn bé, đang đi học. Khi phỏng vấn, họ đều khai có đưa con đi học. Do đó, tỉnh cần tính toán phòng từ xa, liên quan trường học của con các công nhân này.

Thứ 2, nhiều người đi khám bệnh từ ngày 18 đến 25/1 do có triệu chứng viêm phổi, viêm họng, đau họng và mua thuốc.

Thứ 3, nhiều người đi dự đám cưới. Do vậy, cơ quan chức năng cần truy vết và làm rõ thông tin và công khai để người dân biết.

Về năng lực xét nghiệm của Hải Dương và Quảng Ninh, thông tin tại cuộc họp cho thấy Hải Dương hiện có 3 phòng xét nghiệm được làm xét nghiệm, có 1 phòng của CDC Hải Dương được phép khẳng định.

Hiện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (NIHE) đã có sinh phẩm để hỗ trợ Hải Dương và Quảng Ninh để xét nghiệm.

Hải Dương hiện có 3 phòng xét nghiệm, trong đó có 1 phòng xét nghiệm khẳng định. Lãnh đạo Sở Y tế Hải Dương thông tin, toàn bộ Trung tâm Y tế TP. Chí Linh đã được phong toả, lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ nhân viên, người nhà, bệnh nhân, người phục vụ song hiện chưa có kết quả.

Ngành y tế tỉnh cũng đang chuyển 104 bệnh nhân điều trị nội trú tại Trung tâm Y tế TP. Chí Linh đến TTYT huyện Nam Sách (101 bệnh nhân) và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương (3 bệnh nhân nặng) để biến nơi đây thành bệnh viện dã chiến.

Tuy nhiên trung tâm này chỉ có 210 giường, Bộ Y tế cho rằng ngay giai đoạn đầu đã có 84 bệnh nhân nên cần phải chuẩn bị thêm cơ sở mới khi dịch lan rộng. Để tránh lặp lại vết xe đổ của Đà Nẵng, Bộ trưởng Y tế yêu cầu, phải có kết quả xét nghiệm toàn bộ bệnh nhân, người nhà tại Trung tâm Y tế Chí Linh trước khi chuyển đi. Nơi chuyển đến cũng phải có kết quả xét nghiệm âm tính toàn bộ, tránh lây dịch từ bệnh viện này sang bệnh viện khác.

Với sự chi viện của các đơn vị y tế thuộc Bộ Y tế và sự vào cuộc của hàng nghìn giảng viên, sinh viên các trường Đại học, Cao đẳng Y - dược ở Hải Dương trong phòng chống dịch, hiện công suất lấy mẫu, xét nghiệm trong một ngày ở Hải Dương có thể lên tới 5.000-7.000 mẫu.

Chuyên gia y tế nói về việc mở rộng đối tượng xét nghiệm để phát hiện ca bệnh

PGS.TS Trần Đắc Phu- nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam (Bộ Y tế) cho hay, tình hình dịch trên thế giới phức tạp, Việt Nam và một số nước chống dịch tốt như Trung Quốc, Hàn Quốc... đến thời điểm này cũng đã ghi nhận ca bệnh tại cộng đồng.

Tuy nhiên PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng, trong bối cảnh xuất hiện các ca lây nhiễm trong cộng đồng như hiện nay, khi chưa xác định chắc chắn được nguồn lây (F0) thì việc giám sát trong cộng đồng, tăng cường xét nghiệm, mở rộng đối tượng xét nghiệm nhằm phát hiện những trường hợp dương tính là việc cấp bách.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, chủng mới có tính chất lây lan mạnh, tuy nhiên để xác định được có nhiễm chủng mới hay không thì cần phải giải trình tự gen.

“Với ca đi Nhật đã xác định được chính xác (do phía Nhật đã giải trình tự) nhiễm SARS-CoV-2 chủng mới, còn với ca ở Quảng Ninh thì chưa”-  PGS.TS Trần Đắc Phu thông tin.

Chuyên gia Trần Đắc Phu cũng phân tích, Việt Nam có kinh nghiệm chống dịch, thời gian qua, các ổ dịch như Sơn Lôi, Hạ Lôi, BV Bạch Mai, Đà Nẵng, Bình Thuận đều đã được khống chế thành công.

PGS.TS Trần Đắc Phu cũng nhấn mạnh: Đến nay kinh nghiệm chống dịch của ta nâng lên so với giai đoạn đầu nên người dân không nên hoang mang lo lắng quá, nhưng cũng không được chủ quan vì hiện đang là thời điểm cuối năm nên người dân đi lại nhiều, giao lưu lớn, trong khi đó COVID-19 có những trường hợp không có triệu chứng tiềm ẩn nguy cơ lây lan.

Do đó, PGS.TS Trần Đắc Phu khuyến cáo người dân cần hết sức đề phòng, tuân thủ thực hiện biện pháp 5K trong chống dịch.

Quảng Nam: Xét nghiệm, cách ly 48 người về từ Quảng Ninh và Hải Dương

Trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, sáng 29/1, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức họp trực tuyến với các địa phương về công tác phòng chống dịch.

Sở Y tế Quảng Nam cho hiện địa phương chưa ghi nhận trường hợp F1, và các trường hợp đã đi đến các địa điểm và mốc thời gian theo thông báo khẩn của Bộ Y tế. Các trường hợp trở về từ hai địa phương Quảng Ninh và Hải Dương hiện đã thực hiện cách ly tại nhà và thực hiến lấy mẫu xét nghiệm COVID-19.

Ông Nguyễn Hồng Quang – Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết qua rà soát có 48 trường hợp trở về Quảng Nam từ hai địa phương có ổ dịch COVID-19 là Hải Dương và Quảng Ninh (Hải Dương 15, Quảng Ninh 33 trường hợp). Trong đó tại Hội An có 29 trường hợp.

Lãnh đạo tỉnh này yêu cầu kiểm soát chặt chẽ đồng thời lấy mẫu xét nghiệm đối với các trường hợp trên.

Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An thông tin ngoài 29 trường hợp trên đã được lấy mẫu xét nghiệm thì hiện nay theo dự báo có thêm khoảng 10 trường hợp nữa từ hai tỉnh trên cũng đang về Hội An. Địa phương cũng phối hợp với gia đình giám sát chặt chẽ những trường hợp trên.

Kết quả xét nghiệm của 4 người liên quan ca mắc COVID-19 

4 trường hợp ở Hà Nam được xác định là đã tiếp xúc gần (F1) với 2 bệnh nhân COVID-19 ở Quảng Ninh và Hải Dương được lấy mẫu xét nghiệm và cho kết quả âm tính lần 1. Đáng mừng hơn là toàn bộ các trường hợp liên quan đến các ca F1 này và các trường hợp có liên quan về dịch tễ cũng đều có kết quả xét nghiệm âm tính.

Chiều nay, 29/1, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Hà Nam cho biết, ngay sau khi phát sinh ổ dịch COVID-19 tại Hải Dương và Quảng Ninh, CDC Hà Nam đã phối hợp với các đơn vị liên quan điều tra, truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, hướng dẫn cách ly y tế các trường hợp tại Hà Nam có tiền sử tiếp xúc gần với ca bệnh.

Theo đó, tại Hà Nam phát hiện 4 trường hợp tiếp xúc gần với 2 bệnh nhân COVID-19 ở Quảng Ninh và Hải Dương, gồm 1 trường hợp ở xã Thanh Tâm, huyện Thanh Liêm có tiếp xúc với ca dương tính ở Hải Dương.

3 trường hợp F1 còn lại là thành viên một gia đình đang sinh sống ở đường Nguyễn Hữu Tiến, thuộc phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên đã dự hội nghị cùng bệnh nhân COVID-19 của Quảng Ninh ở khách sạn Mường Thanh, tỉnh Quảng Ninh.

Ngay chiều tối qua, CDC Hà Nam và lực lượng chức năng đã có mặt tại nơi cư trú của 4 trường hợp F1, tiến hành đưa các trường hợp này đi cách ly, lấy mẫu xét nghiệm và phun khử khuẩn toàn bộ khu vực.

Quá trình lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm, cả 4 trường hợp này đều âm tính lần 1 với SARS-CoV-2.

Cũng theo CDC Hà Nam, ngay trong chiều tối qua, đơn vị này cũng đã tiến hành điều tra, lấy mẫu và hướng dẫn cách ly y tế đối với 49 người có tiền sử dịch tễ tiếp xúc gần với 4 ca F1. Hiện tại các trường hợp này có sức khỏe ổn định và đang được theo dõi tại nhà. Trong đó, phần lớn các mẫu được xét nghiệm đều có kết quả âm tính lần 1.

CDC Hà Nam cũng đã thông báo, yêu cầu tất cả các trường hợp người dân Hà Nam đến hoặc đi từ Thị xã Chí Linh tỉnh Hải Dương và sân bay Vân Đồn tỉnh Quảng Ninh từ ngày 8/1/2021 về địa phương đề nghị khai báo y tế bằng phần mềm hoặc thông báo cho cơ sở y tế gần nhất hoặc điện thoại cho đường dây nóng phòng chống dịch của Sở Y tế Hà Nam để được tư vấn.

Đến nay, đơn vị này điều tra, tiến hành lấy mẫu các trường hợp có tiền sử đi từ vùng có dịch về là 13 trường hợp. Hiện tại các trường hợp này khỏe mạnh, cách ly y tế tại cơ sở y tế, tại nhà và khu vực lưu trú và đã có kết quả âm tính lần 1 với virus SARS-Cov-2.

Liên quan đến dịch COVID-19, chiều qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng đã họp khẩn với các cơ quan chức năng, yêu cầu kích hoạt lại các cơ chế phòng chống dịchCOVID-19 ở mức độ cao.

UBND tỉnh Hà Nam yêu cầu khi đến nơi công cộng bắt buộc mọi người phải đeo khẩu trang, giữ khoảng cách tại nơi công cộng và trên phương tiện giao thông công cộng, hạn chế tụ tập đông người; các công sở, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên thực hiện đeo khẩu trang, khử khuẩn, đo thân nhiệt, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về phòng dịch.

Dừng các hoạt động, sự kiện tập trung đông người không cần thiết. Các sự kiện, hoạt động cần thiết tổ chức phải tham khảo và tuân thủ yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan y tế về phòng, chống dịch.

MỚI - NÓNG