Cục Công an Hồ Châu, tỉnh Chiết Giang xác nhận thông tin: Lưu Vĩnh Bưu bị bắt và đã thú nhận phạm tội giết người cướp của. Lưu Vĩnh Bưu năm nay 53 tuổi, quê huyện Nam Lăng, tỉnh An Huy, bị bắt tại nhà riêng hôm 11/8. Khi bị bắt, Bưu không phản kháng mà chỉ nói: “Tôi đã đợi các ông mãi đến hôm nay”.
Vụ án rùng rợn
Chức Lý là một thị trấn 300 ngàn dân kinh tế rất phát đạt ở Hồ Châu nằm kề bên Thái Hồ. Tại đây có một tòa nhà 3 tầng nằm ngay ven đường trục chính, hiện là một cửa hàng bán xe đạp điện, 22 năm trước đây là hiện trường của vụ án mạng rùng rợn với 4 người bị giết bằng cách đập vỡ đầu. Khi đó, tòa nhà này mang tên “Khách sạn Mẫn Ký” của ông chủ họ Mẫn. Thảm kịch xảy ra vào đêm 29/11/1995, 4 người bị giết hại trong khách sạn gồm vợ chồng ông chủ Mẫn, một người cháu và một khách trọ họ Vu. Ông Mẫn và ông Vu chết ở phòng 203, còn bà Tiền vợ ông và đứa cháu nhỏ chết ở phòng 202.
Sau khi vụ án xảy ra, cục Công an thành phố Hồ Châu đã tổ chức lực lượng điều tra phá án. Theo lời kể của nhân viên khách sạn trước khi xảy ra án mạng có 2 người khách nói giọng An Huy vào trọ. Cảnh sát đã điều tra theo hướng này nhưng do khách sạn ghi chép không đầy đủ, điều kiện kỹ thuật hạn chế nên suốt 22 năm qua vụ án vẫn dừng chân tại chỗ. Khó khăn lớn nhất là nghi phạm và nạn nhân không có mối liên hệ quen biết nào nên không có manh mối gì. Tuy nhiên, đến đầu tháng 8/2017, sau 22 năm trời kiên trì mò mẫm điều tra, công tác trinh sát vụ án đã có bước đột phá. Qua kỹ thuật giám định gen, so sánh vật chứng và tiếp cận điều tra, cảnh sát đã xác định hung thủ vụ giết người 22 năm trước chính là Lưu Vĩnh Bưu một nhà văn nổi tiếng ở An Huy.
Sáng sớm 11/8, khi tổ chuyên án ập vào nhà Bưu ở thị trấn Qua Giang, huyện Nam Lăng, y không phản kháng gì, chỉ cúi đầu nói: “Tôi đã đợi các ông mãi đến hôm nay”. Khi bị dẫn đi, y đưa cho vợ một bức thư viết sẵn. Nội dung đại khái: “Hơn 20 năm nay, anh vẫn đợi ngày này. Cuối cùng anh cũng thoát ra khỏi sự giày vò về tinh thần bấy nay”. Nhân viên tổ chuyên án Trần Hồng Duyệt nói: “Trước khi bắt, chúng tôi tiến hành rà soát trong thôn, chắc Bưu dự cảm được nên đã viết sẵn thư để lại cho vợ”.
Qua điều tra và thú nhận của Bưu thì vụ thảm sát 4 người 22 năm trước được thực hiện bởi Bưu và Uông Minh, một người cùng làng. Hai nghi phạm khi đó đều rất nghèo, một người làm thuê ở Hồ Châu 2 năm, biết ông chủ cửa hàng quần áo ở đó có nhiều tiền nên Bưu và Minh bàn nhau đi cướp. Hai người thuê chung phòng trọ với một người khách họ Vu quê Sơn Đông; khi phát hiện thấy ông này có nhiều tiền, Minh đã giữ cho Bưu dùng cục sắt đập chết để cướp. Sợ bị lộ, chúng dụ ông chủ Mẫn lên phòng để sát hại và “tiện tay” giết luôn vợ ông cùng đứa cháu cũng bằng cách đập vào đầu, sau đó cướp lấy tài sản rồi bỏ trốn. Uông Minh nhiều hơn Bưu 11 tuổi, cũng đã bị bắt tại Thượng Hải cùng ngày 11/8. Hiện Minh đang là đại diện pháp nhân và người quản lý một xí nghiệp do người anh trai bỏ vốn đầu tư. Lưu Vĩnh Bưu thì “phát đạt” hơn Uông Minh nhiều, y là hội viên nhà văn toàn quốc, có nhiều tác phẩm, từng được giải thưởng, khi bị bắt y đang mở một lớp dạy viết văn.
Chân dung kẻ sát nhân
Lưu Vĩnh Bưu thích viết văn từ khi học xong phổ thông cơ sở (Sơ trung). Theo một chương trình giới thiệu về Bưu trên Đài truyền hình Nam Lăng năm 2015 thì y bắt đầu tập viết văn từ khi đang học Sơ trung, Sau khi thi trượt vào PTTH (Cao trung), Bưu chính thức bước vào nghiệp viết văn. Y mua máy ảnh để chụp kiếm tiền và bắt đầu sáng tác thơ ca, tiểu thuyết. Năm 1985, Bưu đã có tác phẩm đầu tiên đăng trên tạp chí “Nhà văn tương lai” của Hội nhà văn Hợp Phì; năm 1994 y có truyện ngắn “Nhớ mãi thời thanh xuân” đăng trên tạp chí văn học nổi tiếng “Thanh Minh” và trở thành người Nam Lăng đầu tiên có tác phẩm đăng trên tạp chí danh tiếng này. Sau đó, Bưu tự bỏ tiền đi học và đã tốt nghiệp lớp sáng tác tại Học viện văn học Lỗ Tấn. Năm 2005, tập truyện ngắn “Một bộ phim” của Bưu được Nhà xuất bản Tác gia ấn hành. Cuốn sách này đã đem về cho Bưu Giải Ba “Văn học nghệ thuật xã hội” tỉnh An Huy năm 2005-2006 – giải thưởng văn học danh giá nhất tỉnh An Huy, y trở thành nhà văn nông dân đầu tiên của tỉnh được nhận giải thưởng.
Tháng 3/2010, Hội văn nghệ Vu Hồ và Hội nhà văn Nam Lăng đã phối hợp tổ chức hội thảo về tác phẩm của Lưu Vĩnh Bưu, đánh giá rất cao chất lượng và giá trị của tác phẩm này. Sau đó, Bưu lần lượt cho xuất bản tập tản văn “Vũ điệu tâm hồn”, kịch bản điện ảnh “Cửa và cửa sổ” và tiểu thuyết trường thiên “Điều khó nói” dày hơn 500 trang. Ngoài tên Lưu Vĩnh Bưu, y còn sử dụng các bút danh Lưu Lãng, Bưu Tử, Nhất Sa…để đăng bài trên các báo, tạp chí.
Tháng 7/2013, Lưu Vĩnh Bưu có tên trong số 13 nhà văn được kết nạp vào Hội Nhà văn Trung Quốc năm đó. Với việc trở thành hội viên nhà văn, địa vị và danh tiếng của Bưu đã được công nhận trong giới văn học cả nước, y trở nên nổi tiếng ở An Huy, được giới truyền thông hết lời tâng bốc như một nhà văn nông dân tài ba sánh với Mạc Ngôn. Tháng 11/2014, Bưu cho in cuốn tiểu thuyết hơn 500 trang “Hành giả Võ Tòng”, một năm sau, nó được cải biên thành kịch bản bộ phim truyền hình 50 tập cùng tên.