Kẻ sát nhân lương thiện bây giờ

Kẻ sát nhân lương thiện bây giờ
TP - Một cây bút nồng nhiệt thập kỷ 90, thường được gọi đùa là Kẻ sát nhân lương thiện, sau 20 năm im lặng đã trở lại văn đàn. Ngày này 35 năm trước với anh đặc biệt đáng nhớ.
Kẻ sát nhân lương thiện bây giờ ảnh 1
Nhà văn, nhà báo Lại Văn Long (ảnh nhân vật cung cấp)


Tháng 4 - 1975 anh mới 11 tuổi sống ở Đà Lạt. Có kỷ niệm nào “khắc dấu mạn thuyền"?

Chiều 2-4-1975, Đà Lạt bất ngờ có mưa đầu mùa. Mưa tạnh, mẹ bảo tôi lên chợ chiều “số bốn" (đối diện chùa Linh Viên) mua một bó rau. Từ nhà ở đường Hai Bà Trưng, tôi đi theo con hẻm đất đỏ băng qua đường Ngô Quyền. Dọc đường Ngô Quyền lúc này tràn ngập lính, họ đội nón sắt, mặc áo giáp chống đạn và lỉnh kỉnh súng AR15, M79, trung liên… Vừa đốt lửa bên lề đường để nấu ăn. Vừa dùng muỗng inox gõ vào ca sắt hát nghêu ngao "con biết bây giờ mẹ chờ tin con…”

Đêm đó cả nhà tôi đang ngủ thì bị dựng dậy bởi những tiếng nổ rung hết cửa kính. Cả xóm bừng tỉnh, chạy ra xem thì thấy một góc trời đỏ rực và có lẽ cả thành phố Đà Lạt đang rùng rùng chuyển động cùng những tiếng nổ. Kho đạn Cam Ly bị phá trước khi các đơn vị quân đội Sài Gòn mà tôi thấy hồi chiều trên đường Ngô Quyền – “khu số bốn", rút chạy.

Lại Văn Long sinh tại Đà Lạt, tốt nghiệp khoa Triết- Đại học Tổng hợp TP Hồ Chí Minh. Nổi lên ở văn đàn với loạt truyện ngắn dự cuộc thi truyện ngắn báo Văn Nghệ 1990-1991 trong đó giải nhất thuộc về Kẻ sát nhân lương thiện.

Sau gần 20 năm, Lại Văn Long trở lại với tiểu thuyết Thạch đế lấy nhân vật dân gian Thạch Sanh để tải những nội dung và triết lý đương đại. Hiện anh là trưởng ban Chuyên đề, báo Công an thành phố Hồ Chí Minh

Vị sỹ quan cảnh sát ở cạnh nhà tôi đang đốt một đống lửa. Tôi chạy sang xem thì thấy ông tiêu huỷ các bộ quân phục cảnh sát, giấy tờ, tranh ảnh. Thường ngày ông đi làm về trên xe honda dame, mặt vênh vênh. Bây giờ buồn xo, hoảng hốt.

Nghe người ta í ới gọi nhau ra đường, tôi cũng chạy theo. Đám đông xông vào các cửa hàng mà chủ đã bỏ chạy về Sài Gòn. Họ phá cửa sắt, xông vào hôi của. Anh em tôi kiếm được thùng bánh bích quy rất ngon, thêm mấy món đồ chơi sang trọng của con nhà giàu, hí hửng mang về.

Khoảng 10 giờ ngày 3-4-1975, cả khu “số bốn" đổ ra xem “cộng sản". Một đơn vị bộ đội cỡ vài chục người tươi cười bắt tay bà con . Cuộc gặp gỡ công khai đầu tiên giữa “cộng sản" với dân Đà Lạt bị gián đoạn do một chiếc phi cơ bay tầm thấp, ném bom vào dinh Tỉnh trưởng để huỷ hồ sơ. Dân chạy tán loạn sau vụ nổ và dinh Tỉnh trưởng bốc cháy.

Hôm sau, đơn vị bộ đội quay lại với quân số đông hơn. Một xe quân sự Molotova chở theo khẩu pháo lớn để săn máy bay. Bọn trẻ con chúng tôi núp sau một gốc cây khuynh diệp lớn, chờ xem súng lớn bắn máy bay, tiếc rằng máy bay không quay lại. Người chỉ huy đơn vị bộ đội đang diễn thuyết thì khu phố gần đó xảy ra một vụ cướp.

Bộ đội rầm rập bao vây, chỉ 5 phút đã lôi về năm tên cướp. Tôi biết những người này, họ từ các sắc lính dữ dằn, ngông nghênh ở khu này. Họ không rút chạy theo đơn vị, mà ở lại làm quân cướp bóc. Năm kẻ cướp bị trói tay, bịt mắt quỳ một hàng giữa ngã tư. Bộ đội giương súng AK, định tử hình họ về tội dùng vũ khí phá, cướp nhà người khác. Các bô lão đứng ra xin khoan hồng. Người chỉ huy bộ đội gật đầu. Các tử tội thoát chết trong gang tấc mừng quá chạy thục mạng. Bộ đội được dân mời vào một xưởng cưa ăn trưa. Đám nhóc chúng tôi kinh ngạc thấy các chú bộ đội ăn rất nhanh bằng đũa hai đầu…

Vài ngày sau, chúng tôi lại đến lớp, bài hát đầu tiên được cô giáo tập là Như có Bác trong ngày đại thắng. Với tôi, cậu bé 11 tuổi, ngày Đà Lạt “thay đổi" đọng lại thành ký ức khó phai mờ. Tôi đã kể lại trong bài ký Đà Lạt – tuổi thơ không quên. (NXB Công an nhân dân – 2000) đều mang dấu tích ký ức này.

Có nhà báo nước ngoài mô tả “Sài Gòn giống một cô gái lúc nào cũng cười hết cỡ. Còn Huế vẫn là mình dù qua bao thay đổi". Anh thích nhất điều gì và chưa thích điều gì ở Sài Gòn?

Huế là quê nội của tôi. Mỗi lần về quê, tôi lại thấy Huế thay đổi. Năm 2008, tôi đưa con gái 10 tuổi và con trai 6 tuổi ra thắp nhang nhà thờ họ Lại và mồ mả ông bà. Đó là lúc tôi thấy tự hào với “Huế của mình" nhất.

Tôi sống ở Sài Gòn từ thời sinh viên, đến nay đã hơn phần tư thế kỷ, không hiểu sao vẫn không có được cảm xúc như với Đà Lạt, Huế, Bình Định (quê ngoại) hay Hà Nội. Nhưng tôi biết ơn Sài Gòn- TPHCM, nơi tôi trưởng thành với nghề viết văn, viết báo, được làm thầy giáo giảng triết học và nghiệp vụ báo chí.

TPHCM cũng là nơi tôi có một gia đình nhỏ êm ấm, nơi tôi được kiếm sống tử tế và các con tôi được hưởng thụ nhiều thứ mà trẻ em nơi khác không có được. Tôi ước Sài Gòn có khí hậu mát mẻ như Đà Lạt. Có lẽ hàng triệu người Sài Gòn cũng ước mong như tôi.

Hồi viết loạt truyện ngắn “Kẻ sát nhân lương thiện", “Thế gian biến cải"... đầu thập kỉ 90, anh có vẻ ghét người giàu. Bây giờ thì sao?

Quan điểm mới nhất của tôi về nhà giàu thể hiện qua nhân vật Lý Thông trong tiểu thuyết Thạch đế vừa xuất bản. Cùng với cả xã hội, tôi không còn kiểu suy nghĩ cực đoan, duy ý chí với nhà giàu. Lý Thông trong truyện của tôi vừa có tài kinh doanh để đóng góp cho sự cường thịnh của đất nước, vừa biết làm từ thiện để giúp đỡ người nghèo. Tôi kính trọng “Lý Thông đời mới" này hơn vạn lần những kẻ lãnh lương nhà nước nhưng chỉ nói suông, không làm được điều gì ích nước lợi dân, thậm chí còn hành dân.

Vì sao anh chọn nhân vật trung tâm là Thạch Sanh để biểu tượng hóa, gửi gắm những triết lý của mình (truyện “Thạch đế”),  mà không phải là nhân vật nào khác?

Vì Thạch Sanh là duyên nợ với tôi, với cả dân tộc Rồng trong gần 100 năm đầy biến động, chiến tranh. Xứ Rồng phải chiến đấu, vươn lên trong quan hệ phức tạp với các cường quốc, phải giải quyết những tồn tại, đau thương của chiến tranh; phải hàn gắn những mất mát phân ly và phải đương đầu với những gã khổng lồ nhiều tham vọng, quỷ kế.

Anh viết phóng sự điều tra hoặc chuyện vụ án rất hấp dẫn. Trong khi đó, một số bài về giới văn nghệ lại có vẻ  hăng xì xì?

Nhà văn, nghệ sỹ hay bất cứ ai khi đã có hành vi xúc phạm dân tộc, đất nước hoặc thông tin bịa đặt, kích động gây chia rẽ, hận thù thì họ xứng đáng nhận những lời phê phán. Nhà văn, nhà báo mà không dám đấu tranh với sai trái để bảo vệ lẽ phải thì còn cầm bút làm gì?! Khi viết những bài như vậy, tôi có niềm tin vào lý lẽ hướng thiện của mình, không cần phải lên gân hay đao to búa lớn. Tôi chưa đạt đến mức độ để gọi là hăng xì đâu!

Anh từng thử một đêm sản xuất 7,8 bài báo?

Chính xác là 9 bài. Nhưng đó là những bài đơn giản, có tài liệu sẵn và cũng chỉ thực hiện được một lần. Hơn nữa, lúc đó tôi còn trẻ, sung sức nên mới có thể viết một mạch 12 tiếng đồng hồ. Bây giờ muốn làm việc với cường độ như vậy thì phải là viết văn, rất đam mê. Còn viết báo thì không thể. Có lúc tôi bóp trán ba ngày chưa xong một bài báo.

Anh viết lách, biên tập và giảng dạy. Công việc của anh thú vị?

Trước đây, tôi giảng triết học và đạo đức, sau đó bỏ nghề giáo đi làm báo. 20 năm sau, tôi quay lại bục giảng với bộ môn mới toanh là “Phóng sự điều tra" và “Nghiệp vụ phóng viên". Tôi phải tự soạn giáo trình, rút ra lý luận từ thực tiễn công tác.

Tôi rất hạnh phúc khi trở lại nghề cũ và đã hình dung ra công việc sau khi nghỉ hưu. Một ông hưu trí vừa đi giảng, vừa viết sách về nghề báo, vui lắm! Hơn nữa, đó là gương tốt cho con cháu.

Hiện tại thì đúng là vất vả khi vừa làm báo, vừa viết văn, vừa soạn bài, thỉnh giảng các nơi. Nhưng khi có đam mê và có thêm tình bạn, tình thầy trò, anh em ở những lớp báo chí như thế, vượt qua không khó. Chỉ cần ngủ ít đi một tý và tăng cường chơi thể thao để giữ gìn sức khỏe là có thể hoàn thành nhiệm vụ.

MỚI - NÓNG