Ngày 18/3, TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm Phạm Thanh Tùng (SN 1996, ở Ninh Bình) về các tội “Giết người” và “Cướp tài sản”. Phiên tòa được mở theo đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt tử hình của Tùng.
Nội dung vụ án cho thấy, bị cáo vốn là sinh viên theo học ngành thể dục thể thao tại Hà Nội nhưng đã vướng vào các trò cờ bạc, cá độ và phải nợ khoảng 60 triệu đồng. Có những khoản vay bị cáo phải trả lãi tới 7.000 đồng/triệu/ngày.
Khoảng tháng 6/2017, qua mạng xã hội, Tùng quen biết và “qua lại” với chị H. – nhà tại chung cư cao cấp Royal City Hà Nội. Đối tượng đã nảy sinh ý định vay tiền, nếu không được sẽ giết chị để cướp tài sản, lấy tiền trả nợ cũng như ăn tiêu.
Thực hiện ý định, sáng 31/10/2017, nam sinh tìm đến căn hộ của chị H. chơi và được người phụ nữ cho 1 triệu đồng sau khi cả 2 quan hệ tình dục. Sau đó, Tùng lợi dụng lúc nữ chủ nhà sơ hở đã siết cổ; dùng kéo, dao đâm liên tiếp khiến nạn nhân tử vong.
Gây án xong, Tùng lục lọi đồ đạc, chiếm đoạt được của chị H. tổng tài sản trị giá hơn 120 triệu đồng gồm điện thoại Iphone, Vertu và 28 triệu đồng tiền mặt. Sau đó, bị cáo bịt khẩu trang rời hiện trường để mua sắm quần áo và rủ bạn đi hát karaoke…
Vì các hành vi trên, TAND TP Hà Nội đã phạt Phạm Thanh Tùng án tử hình về tội “Giết người”, 9 năm tù về tội “Cướp tài sản”, tổng hợp hình phạt là tử hình. Sau đó, Tùng kháng cáo xin được sống trong khi gia đình bị hại cũng đề nghị tòa phúc thẩm tăng mức bồi thường dân sự.
Tại tòa hôm nay (18/3), chủ tọa đã giải thích cặn kẽ tính chất, mức độ vi phạm của Tùng và cho biết bị cáo gần như không thể được giảm nhẹ hình phạt nhưng Tùng vẫn có quyền viết đơn xin ân xá gửi Chủ tịch nước.
Nghe vậy, Phạm Thanh Tùng xin rút đơn kháng cáo, chấp nhận án tử hình của cấp sơ thẩm và ngay lập tức, gia đình bị hại cũng rút đơn kháng cáo phần dân sự. Từ đó, chủ tọa quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm, tuyên bố án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.