Ông già Noel ở các khu vực trên thế giới có đôi chút khác biệt về lịch sử cũng như tên gọi, có thể kể đến như: Santa Claus (Mỹ), Père Noël (Pháp) hay Yule Goat (Phần Lan)… Tuy nhiên, ông già Noel có lịch sử lâu đời nhất lại thuộc về Thổ Nhĩ Kỳ.
Theo đó, vào khoảng năm 280, có một thầy tu lên là St. Nicholas rất tốt bụng và hào phóng. Trong suốt cuộc đời, ông đã dành tặng rất nhiều của cải của mình cho những người nghèo khó. Đặc biệt, vào tháng 12 hàng năm, St. Nicholas sẽ phát quà từ thiện cho mọi người tại các nhà thờ Thiên Chúa giáo, và đây cũng chính là nguồn gốc của truyền thống chờ đợi những món quà từ ông già Noel vào dịp Giáng Sinh sau này.
Treo những chiếc bít tất cạnh lò sưởi là một trong những truyền thống rất phổ biến của ngày lễ Giáng Sinh, đặc biệt là tại các quốc gia châu Âu. Xuất phát điểm của truyền thống này là một câu chuyện truyền miệng, kể về phép màu đã xảy ra với một gia đình của ông bố nghèo đơn thân: Từ xa xưa, có một gia đình gồm ông bố và ba cô con gái. Vợ mất sớm, ông bố phải rơi vào cảnh gà trống nuôi con. Dù phải làm việc quần quật suốt ngày nhưng gia đình ông vẫn không thoát khỏi cảnh nghèo túng. Cảm thông trước tình cảnh của bốn bố con, thánh Nicholas (sau này thường được chúng ta gọi với cái tên “ông già Noel”) đã lén đột nhập vào ngôi nhà này, và đổ đầy những đồng tiền vàng vào những chiếc tất đang hong khô, trước lò sưởi của các cô con gái. Về sau, người ta học theo cách treo tất cạnh lò sưởi vào đêm Giáng Sinh này, để trông chờ những món quà của ông già Noel.
Theo tạp chí TIME, Truyền thống trang trí nhà bằng cây thông vào dịp lễ Giáng Sinh, được cho là xuất phát từ Đức vào thế kỷ 17. Những năm 20 của thế kỷ 19, những cây thông Noel cũng dần xuất hiện ở Mỹ, trước hết là bang Pennsylvania, khi những người Đức bắt đầu nhập cư vào đất nước này. Tuy nhiên, truyền thống này chỉ thực sự trở nên phổ biến khi nữ hoàng Anh Victoria và hoàng tử Đức Albert, xuất hiện trong những bức phác họa được đăng trên các mặt báo ở Luân Đôn, vào dịp Giáng Sinh năm 1846. Trong các bức vẽ này, hai hoàng tộc đều xuất hiện bên những cây thông được trang trí rất lộng lẫy.
Việc các cặp đôi hôn nhau dưới cây tầm gửi vào dịp Giáng Sinh là một truyền thống rất phổ biến ở các nước châu Âu. Được biết, nụ hôn dưới cây tầm gửi đã truyền cảm hứng các cặp đôi, để biến nó trở thành nét truyền thống sau này, xuất hiện trong một câu chuyện thần thoại của người Celtic. Bên cạnh đó, trong văn hóa của người Anh cũng như nhiều khu vực khác của châu Âu, cây tầm gửi là đại diện cho sự may mắn và phước lành.
Vào mùa Giáng Sinh năm 1843 tại Anh, sir Henry Cole đã quyết định gửi lời chào nhân dịp lễ tới những người bạn của mình theo một cách hoàn khác. Cụ thể, ông đã gửi khoảng 1000 tấm thiếp kèm dòng chữ "A Merry Christmas and A Happy New Year To You". Có lẽ, quý ông này cũng không thể ngờ được rằng, cách gửi lời chúc của mình sau này đã nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới, và trở thành câu chúc “mặc định” của ngày lễ Giáng Sinh.