Bộ Quốc phòng Israel đã quyết định đẩy nhanh việc phát triển hệ thống phòng không laser Iron Beam do Rafael sản xuất. Với quyết định chiến lược này, Israel sẽ triển khai tia laser có công suất 100 kW như một "công cụ thay đổi cuộc chơi".
Rafael đã phát triển công nghệ laser trong hơn 20 năm, nhưng nghiên cứu gần đây đã đạt được bước đột phá đáng kể. Vào tháng 3/2022, quân đội Israel đã tiến hành một loạt thử nghiệm thành công bằng cách sử dụng Iron Beam, trong đó nguyên mẫu đã phá hủy máy bay không người lái, đạn súng cối và tên lửa chống tăng đang lao tới.
Ban đầu, hệ thống laser được lên kế hoạch đưa vào kho vũ khí của Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) vào năm 2025. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại đòi hỏi Israel đẩy nhanh quá trình này.
Iron Beam được thiết kế để ngăn chặn nhiều mối đe dọa, chẳng hạn như đạn pháo tên lửa, đạn súng cối và máy bay không người lái, từ khoảng cách hàng trăm mét đến vài chục km. Theo các nhà phát triển, chỉ cần khoảng 5 giây chiếu xạ liên tục, Iron Beam có thể phá hủy các mục tiêu trên không, bao gồm gây hỏng hoặc làm chúng phát nổ sớm.
Vũ khí laser năng lượng cao mang lại lợi thế đáng kể về chi phí, với mỗi lần bắn chỉ tốn vài USD, trái ngược với chi phí ước tính từ 40.000 đến 50.000 USD cho tên lửa đánh chặn Tamir hiện đang được hệ thống phòng không Iron Dome sử dụng.
Iron Beam được thiết kế nhằm bổ sung cho hệ thống tên lửa Iron Dome, giúp tăng phạm vi phủ sóng và hiệu quả. Theo kế hoạch, vũ khí này cũng sẽ được tích hợp hoàn toàn vào hệ thống phòng không nhiều lớp của Israel, người vận hành có thể lựa chọn vô hiệu hóa các mối đe dọa bằng cách sử dụng tên lửa truyền thống hoặc tia laser tiết kiệm chi phí hơn.
Tính đến thời điểm hiện tại, IDF và Rafael chỉ có các trạm laser nguyên mẫu, không đủ để bao phủ lãnh thổ Israel một cách hiệu quả. Do đó, việc sử dụng tia laser ban đầu dự kiến sẽ chỉ giới hạn ở việc bảo vệ các khu vực quan trọng đang phải đối mặt với nguy cơ dễ bị tổn thương cao.