IS bắn đạn pháo chứa hóa chất, hủy hoại nội tạng nạn nhân

Shahad, con gái của Abu Anas, phải chịu nhiều vết bỏng trên cơ thể do ảnh hưởng từ chất độc hóa học chứa trong những quả đạn pháo mà IS dội xuống nhà em. Ảnh: New York Times.
Shahad, con gái của Abu Anas, phải chịu nhiều vết bỏng trên cơ thể do ảnh hưởng từ chất độc hóa học chứa trong những quả đạn pháo mà IS dội xuống nhà em. Ảnh: New York Times.
Chất độc hóa học mà Nhà nước Hồi giáo sử dụng thường khiến nạn nhân đau đớn vì bỏng và nội tạng dần bị phá hủy.

Sáng ngày 21/8, lời cảnh báo được truyền về từ tiền tuyến thông qua máy bộ đàm. Loạt đạn pháo của Nhà nước Hồi giáo (IS) vừa khai hỏa, chuẩn bị nã xuống Marea, thị trấn thuộc vùng đồng bằng bắc Syria, theo New York Times.

"Một loạt đạn vừa được bắn đi", tiếng nói trong bộ đàm thông báo. "Hãy cẩn thận!".

Trong ngôi nhà của mình, Abu Anas Ishara cùng vợ và các con đều nghe được thông báo. Chúng thường xuất hiện trước khi pháo nổ khoảng 10 đến 15 giây. Nhưng dường như vì có quá nhiều bom đã trút xuống Marea suốt quãng thời gian qua nên Abu Anas không để ý. Anh cũng không đưa gia đình đi trốn. Nada, vợ của Abu Anas, vẫn bình thản cho đứa con gái mới sinh được 5 ngày bú. Cuối cùng, chính ngôi nhà của Abu Anas lại là nơi trúng đạn pháo.

Toàn thân phủ kín trong một lớp bụi, Abu Anas và Nada chưa kịp định thần thì đã nghe thấy tiếng khóc rất to của đứa con gái 3 tuổi. "Cha ơi!", cô bé hét lên.

Sau cơn hoảng loạn, hai người loạng choạng bế các con chạy khỏi đống đổ nát. Xung quanh, những làn khói đen bốc lên đầy mùi hôi hám. Dường như cả gia đình không ai bị thương.

Nhưng họ đã nhầm. Đây chỉ là khởi đầu của chuỗi ngày đau đớn, khổ sở mà gia đình Abu Anas phải chịu do ảnh hưởng của chất độc hóa học gây phồng rộp da chứa trong loạt đạn pháo rót xuống mái nhà họ.

Loại hóa chất này bị cấm sử dụng trên chiến trường từ những năm 1990 khi Công ước về Vũ khí Hóa học có hiệu lực trên phạm vi toàn thế giới. Nay, chúng lại được hồi sinh, dưới bàn tay của IS.

Theo một số báo cáo, IS bắt đầu sử dụng hai loại vũ khí hóa học tại Iraq và Syria từ mùa xuân năm nay, bao gồm bom tự chế có chứa clo, một hóa chất công nghiệp độc hại, và pháo hoặc đạn cối chứa chất gây phồng rộp, giống với loại mà nhà Abu Anas dính phải.

Theo nhiều chuyên gia Mỹ am hiểu vấn đề, thứ gây ra tình trạng trên là lưu huỳnh mù tạt, một tác nhân chiến tranh hóa học bị cấm. Dựa vào kết quả phân tích mẫu vật thu được ở Marea sau vụ tấn công hôm 21/8, các nhà khoa học càng chắc chắn hơn về nhận định của mình.

Clo và lưu huỳnh mù tạt không gây ra sát thương trực tiếp nghiêm trọng như các vũ khí gây nổ mạnh thường dùng trong chiến trận nhưng lại rất khó để xử lý. Thêm vào đó, chúng được coi là những chất độc hại, dễ dàng phát tán trong không khí, nên luôn khiến nạn nhân cảm thấy hoang mang, ám ảnh. Quân khủng bố IS nhờ vậy mà có thể lan truyền nỗi sợ hãi nhanh chóng hơn trong cộng đồng dân cư.

Dựa vào các vụ việc xảy ra trên những vùng đất IS kiểm soát gần một năm qua, chuyên gia suy đoán tổ chức này ít nhất đang phát triển một chương trình vũ khí hóa học quy mô nhỏ và hiện sản xuất được chất gây phồng rộp chất lượng thấp. Tuy nhiên, khả năng phát động chiến tranh hóa học của IS tới đâu và tham vọng của nhóm khủng bố này là gì đến nay vẫn chưa rõ ràng.

IS bắn đạn pháo chứa hóa chất, hủy hoại nội tạng nạn nhân ảnh 1

Abu Anas, sức khỏe bị suy yếu nghiêm trọng, gần như dành cả ngày nằm trên giường trong một căn hộ chật hẹp ở Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: New York Times.

Hành trình đau đớn

Giống như những vùng đất bị chiến tranh tàn phá khác ở Syria, Marea giờ đây vô cùng hoang vắng. Dân chúng đã bỏ thị trấn mà đi, chọn cuộc sống tha phương, bất định của người tị nạn thay vì ở lại đối mặt với hiểm nguy mỗi ngày. Dù vậy, vẫn còn vài người bám trụ vì lòng tự tôn, vì cứng đầu hay vì quá nghèo để có thể rời đi.

Gia đình Abu Anas cũng chọn cách ở lại Marea và những gì họ nhận được là các vết sẹo không bao giờ lành cùng những cơn đau dai dẳng.

Abu Anas và vợ đã sống sót qua nhiều trận càn quét, không kích, oanh tạc còn dữ dội hơn thế nhưng lần này họ nhận thấy có điều gì đó rất khác thường. Đạn pháo bắn trúng mái nhà nhưng không phát nổ. Thay vào đó, toàn thân Abu Anas bị phủ một lớp bụi, cảm giác như cát ấm. Ngay sau đó, mùi hôi thối nồng nặc bốc lên, giống như "trứng ung vậy", anh miêu tả.

Chất lưu huỳnh mù tạt thường gây ra những vết bỏng ảnh hưởng tới da, mắt và đường hô hấp. Là một hóa chất gây ung thư độc hại, nó còn âm thầm phá hủy các bộ phận bên trong cơ thể con người, bao gồm cả tủy xương, làm giảm khả năng sản xuất tế bào máu. Nhưng những hậu quả này không xảy ra ngay lập tức. Người nhiễm phải một lượng lớn lưu huỳnh mù tạt có thể chết sau vài ngày.

Giống như chồng mình, Nada cũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra. Ban đầu, cô không hề xuất hiện triệu chứng nhiễm độc. Nada vẫn trở về nhà để thu gom đồ đạc. Abu Anas còn chụp ảnh mái nhà bị thủng cùng những bức tường đổ nát và cảm thấy mình quá may mắn khi sống sót.

IS bắn đạn pháo chứa hóa chất, hủy hoại nội tạng nạn nhân ảnh 2

Cảnh tan hoang ở Marea sau một vụ đánh bom xe do IS thực hiện tại đây hồi tháng 4. Ảnh: AFP.

Nhưng nhiều giờ trôi qua, Sidra, đứa con gái mới chào đời của Nada, liên tục quấy khóc dù trên cơ thể em không có vết thương hay  vết bầm tím. Đứa bé dường như rất đau đớn nhưng Nada không biết nguyên nhân. "Tôi thử tắm rửa cho con nhưng nó vẫn khóc".

Đến chiều, hàng xóm kéo đến đòi xem nơi đạn pháo nã trúng nhà Abu Anas. Anh định đưa họ vào nhưng mùi hôi thối bốc lên mạnh đến nỗi nó khiến Abu Anas nôn thốc nôn tháo. Rồi anh bắt đầu cảm thấy bỏng rát trong mắt.

Abu Anas và vợ biết có điều chẳng lành đã xảy ra với gia đình mình. Shahad, đứa con gái lớn, không ngừng kêu đau ở cổ họng. Mắt của Abu Anas vẫn nhức, nước mắt chảy ròng ròng và anh lúc nào cũng cảm thấy buồn nôn. Họ liền bế con đi tìm sự giúp đỡ.

Các nhân viên tại bệnh xá ở Marea khám cho đứa trẻ và khuyên họ nên tới cơ sở y tế tuyến trên để nhận sự chăm sóc tốt hơn. Một chiếc xe cấp cứu đưa cả nhà đến bệnh viện lớn gần Tel Rifaat. Tại đây, bác sĩ cho biết họ bị nhiễm chất độc hóa học và cần được điều trị tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Khi cả nhà vượt qua biên giới cũng là lúc trời tối. Tại bệnh viện đầu tiên ở Kilis, họ được yêu cầu đeo mặt nạ phòng độc và tiến hành một số xét nghiệm ban đầu. Bác sĩ nói tình trạng của hai đứa trẻ khá nghiêm trọng. Abu Anas và Nada sau đó bị cách ly khỏi các con.

Trước khi tới đây, Abu Anas không biết mình bị bỏng nhưng khi đứng dưới dòng nước mạnh để tẩy trùng cơ thể, cơn đau bắt đầu kéo tới. Đối với Nada, vết bỏng thậm chí còn nặng hơn, nó lan gần như khắp người cô.

Các bác sĩ ở Kilis nhận hai đứa trẻ nhưng chuyển vợ chồng Abu Anas tới một bệnh viện khác. Họ lại tiếp tục được tẩy trùng lần thứ hai. Abu Anas cầu xin các nhân viên y tế đừng làm vậy vì anh quá đau đớn nhưng chẳng ai để tâm bởi họ không hiểu anh nói gì.

Nada vì quá mệt mỏi đã ngất đi trong đêm. Khi tỉnh dậy, cô van nài các bác sĩ cho mình gặp con nhưng không được chấp thuận. Các triệu chứng của Nada ngày một xấu đi. Những vết phồng rộp vỡ ra, mắt cô bỏng rát, hơi thở cũng trở nên khó nhọc. Dù không bị nặng bằng vợ nhưng Abu Anas lại gặp phải những cơn ho khủng khiếp. Đôi mắt anh đang dần mờ đi.

Họ không bao giờ có cơ hội gặp lại đứa con mới chào đời của mình. Trong gần hai tuần, các bác sĩ giữ bí mật hoàn toàn chi tiết bệnh tình của Sidra. Cô bé qua đời vào ngày 4/9. Các y bác sĩ chỉ đưa cho Nada xem bức ảnh đứa con gái bé nhỏ của cô với cơ thể sưng phồng cùng nhiều vết bỏng lớn. Tóc của em cũng không còn.

Đến giữa tháng 9, ba người nhà Abu Anas được xuất viện. Shahad phải chịu nhiều vết bỏng trên bụng, cánh tay, lưng, chân nhưng chúng đang lành lại. Quan trọng hơn cả, em được đoàn tụ cùng cha mẹ. Cả nhà tới sống tại căn hộ chật chội mà bố của Nada thuê giúp để chờ chuyển đến một trại tị nạn ở Thổ Nhĩ Kỳ. Có lẽ họ đã từ bỏ ý định quay về Marea.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Đèo An Khê tê liệt
Đèo An Khê tê liệt
TPO - Một khối lượng đất đá bị sạt xuống đường làm bịt lối thoát nước gây ngập một đoạn đường trên đèo An Khê, khiến giao thông bị tê liệt.