Iran sẽ hạn chế Internet sau vụ cô gái chết trong phòng giam của cảnh sát đạo đức

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Giới chức Iran cho biết họ sẽ hạn chế truy cập Internet ở nước này đến khi tình hình dịu đi trên đường phố - nơi các cuộc biểu tình về cái chết của một phụ nữ trẻ trong phòng tạm giam của cảnh sát đạo đức đang làm rung chuyển Iran, CNN đưa tin ngày 24/9.

Hàng nghìn người Iran đã xuống đường biểu tình sau cái chết của cô Mahsa Amini (22 tuổi) bị bắt ở thủ đô Tehran và đưa đến một trung tâm cải huấn, dường như vì không đeo khăn trùm đầu đúng cách.

Iran sẽ hạn chế Internet sau vụ cô gái chết trong phòng giam của cảnh sát đạo đức ảnh 1

Một người biểu tình cầm bức ảnh chân dung cô Mahsa Amini trong cuộc biểu tình trước Đại sứ quán Iran ở Brussels, Bỉ, ngày 23/9, Ảnh: Getty Images,

Biểu tình lan rộng

Kể từ hôm thứ Sáu (23/9), các cuộc biểu tình đã diễn ra tại ít nhất 40 thành phố trên toàn quốc, bao gồm Tehran. Đám đông biểu tình yêu cầu chấm dứt bạo lực và phân biệt đối xử đối với phụ nữ cũng như chấm dứt việc bắt buộc đeo khăn trùm đầu. Hàng chục người biểu tình được cho là đã thiệt mạng trong các cuộc đụng độ với lực lượng an ninh. CNN không thể xác minh độc lập về số người chết.

Tổ chức Ân xá Quốc tế hôm 23/9 cho biết, ít nhất 30 người, trong đó có 4 trẻ em, đã thiệt mạng. Theo Tasnim, hãng thông tấn bán chính thức của Iran, 17 người đã chết.

Các nhà chức trách Iran hy vọng rằng, bằng cách hạn chế Internet, họ có thể kiểm soát được các cuộc biểu tình.

Phát biểu với đài truyền hình nhà nước IRIB hôm 23/9, Bộ trưởng Truyền thông Iran Ahmad Vahidi cho biết: “Cho đến khi bạo loạn kết thúc, truy cập Internet sẽ bị hạn chế. Để ngăn chặn tổ chức bạo loạn thông qua mạng xã hội, chúng tôi có nghĩa vụ tạo ra những hạn chế trên Internet”.

Thông báo của Bộ trưởng Vahidi được đưa ra sau khi các video trên mạng xã hội cho thấy những cảnh phản kháng nơi công cộng, trong đó phụ nữ cởi bỏ và đốt khăn trùm đầu và người biểu tình hô vang những khẩu hiệu như “phụ nữ, cuộc sống, tự do”.

Động thái hạn chế truy cập Internet cũng diễn ra sau lời kêu gọi của Liên Hợp Quốc (LHQ) về một cuộc điều tra độc lập cái chết của cô Amini và yêu cầu lực lượng an ninh Iran kiềm chế sử dụng “lực lượng không tương xứng” với người biểu tình.

Sự phẫn nộ trước cái chết của Amini xuất phát từ sự hoài nghi của công chúng đối với tuyên bố của các quan chức rằng, cô tử vong sau khi bị đau tim và hôn mê. Nhưng gia đình của Amini khẳng định, cô không có bệnh tim từ trước.

Cái chết của Amini giờ đây đã trở thành một biểu tượng của sự áp bức mà phụ nữ phải đối mặt ở Iran trong nhiều thập kỷ, và tên tuổi của cô ấy đã lan rộng khắp thế giới, khi các nhà lãnh đạo thế giới gọi tên cô ấy ngay cả tại Đại hội đồng LHQ ở thành phố New York (Mỹ) trong tuần này.

Cao ủy Nhân quyền LHQ hôm thứ Năm cho biết, các chuyên gia LHQ lên án mạnh mẽ việc chính quyền nhà nước sử dụng bạo lực thân thể đối với phụ nữ ở Iran.

“Các nhà chức trách Iran nói rằng, Amini chết vì một cơn đau tim và tuyên bố cái chết của cô ấy là do nguyên nhân tự nhiên. Tuy nhiên, một số báo cáo cho rằng cái chết của Amini là do bị tra tấn và ngược đãi. Chúng tôi kêu gọi các nhà chức trách Iran tổ chức một cuộc điều tra độc lập, khách quan và nhanh chóng về cái chết của cô Amini, công khai kết quả điều tra và quy trách nhiệm cho tất cả các thủ phạm”, Cao ủy Nhân quyền LHQ tuyên bố.

Iran sẽ hạn chế Internet sau vụ cô gái chết trong phòng giam của cảnh sát đạo đức ảnh 2

Biểu tình ở Tehran sau cái chết của cô Mahsa Amini ngày 21/9. Ảnh: Getty Images.

Hạn chế truy cập Internet

Đơn vị giám sát internet Netblocks hôm thứ Sáu cho biết, người Iran đang phải đối mặt với làn sóng thứ ba về việc mất kết nối Internet di động trên quy mô quốc gia khi các cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra. Netblocks thông báo hồi đầu tuần rằng, Iran đang trải qua đợt hạn chế truy cập Internet nghiêm trọng nhất kể từ năm 2019, với các mạng di động bị đóng cửa phần lớn và các mạng xã hội Instagram và WhatsApp bị hạn chế ở nước này từ khi các cuộc biểu tình bắt đầu.

Để có thể truy cập Internet, nhiều người ở Iran đang chuyển sang sử dụng dịch vụ của các nhà cung cấp mạng riêng ảo (VPN) phổ biến như Tor Project, Hula VPN… Tuy nhiên, Netblocks cảnh báo rằng, loại gián đoạn truy cập Internet hiện nay ở Iran “nói chung là không thể giải quyết được bằng việc sử dụng phần mềm vượt tường lửa hoặc VPN”.

Các hạn chế tương tự đối với Internet đã diễn ra ở Iran vào tháng 11/2019, khiến người Iran gần như rớt mạng hoàn toàn khi giới chức cố gắng kiềm chế sự lan rộng của các cuộc biểu tình về giá nhiên liệu trên toàn quốc.

Iran sẽ hạn chế Internet sau vụ cô gái chết trong phòng giam của cảnh sát đạo đức ảnh 3
Một phụ nữ đốt cháy khăn trùm đầu trong cuộc biểu tình ở trung tâm Tehran. Ảnh: Sipa USA.

LHQ kêu gọi điều tra

Tổng thư ký LHQ António Guterres hôm 23/9 cho biết, ông “lo ngại trước các báo cáo về các cuộc biểu tình ôn hòa phải hứng chịu vũ lực quá mức dẫn đến hàng chục người chết và bị thương”.

“Chúng tôi kêu gọi lực lượng an ninh kiềm chế sử dụng vũ lực không cần thiết hoặc không tương xứng và kêu gọi tất cả kiềm chế để tránh leo thang”, ông Stéphane Dujarric - người phát ngôn của Tổng thư ký LHQ, nói tại cuộc họp giao ban hằng ngày trên UNTV.

LHQ cho biết họ đang theo dõi chặt chẽ các cuộc biểu tình ở Iran và kêu gọi giới chức Iran “tôn trọng quyền tự do ngôn luận, hội họp và lập hội hòa bình”. “Chúng tôi cũng kêu gọi các nhà chức trách tôn trọng quyền của phụ nữ và xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái, đồng thời thực hiện các biện pháp hiệu quả để bảo vệ họ khỏi các vi phạm nhân quyền khác, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế”, ông Dujarric nói.

Iran sẽ hạn chế Internet sau vụ cô gái chết trong phòng giam của cảnh sát đạo đức ảnh 4

Cô Mahsa Amini 22 tuổi. Ảnh: Iranwire.

Tổng thư ký LHQ Guterres nhắc lại lời kêu gọi của quyền Cao ủy Nhân quyền về việc một “cơ quan có thẩm quyền độc lập” nhanh chóng điều tra về cái chết của cô Amini.

MỚI - NÓNG