“Nếu Israel và Mỹ tiếp tục tạo thêm sức ép với Iran, và nếu cuộc đàm phán với nhóm 6 cường quốc không thu được kết quả, thì Hội đồng Hồi giáo Iran sẽ phải đưa ra quyết định rút khỏi NPT”, ông Muhammad Karamirad - một thành viên của uỷ ban chính sách ngoại giao và an ninh quốc gia thuộc Quốc hội Iran cho biết.
Hồi tuần trước, Iran đã thông báo với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế về việc một nhà máy làm giàu uranium thứ hai đang được xây dựng ở miền nam nước này.
Tiếp đến, trong hai ngày 27-28/9, Tehran đã tiến hành hàng loạt các cuộc thử nghiệm tên lửa, bất chấp sự phản đối của cộng đồng quốc tế.
Sau những động thái kể trên, Tehran đã nhận về không ít những lời chỉ trích, lên án kịch liệt từ các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Mỹ.
Thậm chí, chính quyền Washington đã lên kế hoạch áp đặt những lệnh cấm vận mới đối với Iran, trong đó chủ yếu tập trung vào ngành năng lượng, thương mại và tài chính. Bên cạnh đó, Nhà Trắng cũng lên tiếng kêu gọi cộng đồng quốc tế tăng cường các các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc hơn nữa đối với quốc gia Hồi giáo này.
Hiện, Iran đang phải chịu 3 lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc vì đã từ chối tạm dừng các hoạt động làm giàu uranium.
Cũng trong ngày 29/9, người đứng đầu Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Iran Ali Akbar Salehi cho biết, Tehran sẽ sớm thông báo cụ thể thời gian cho phép các chuyên gia hạt nhân Liên Hợp Quốc tiến hành thanh sát cơ sở làm giàu uranium mới của nước này.
Bàn về cuộc đàm phán hạt nhân sắp tới, ông Salehi khẳng định, Iran sẵn sàng thảo luận với các đối tác về tất cả các lĩnh vực, ngoại trừ “quyền hạt nhân” của đất nước ông.
Iran khăng khăng rằng, chương trình hạt nhân của họ chỉ đơn thuần phục vụ cho mục đích dân sự. Trong khi đó, phương Tây lại ngờ rằng, Iran đang bí mật sản xuất vũ khí hạt nhân.
Các nhà phân tích cho rằng, một khi hội nghị Iran và nhóm 6 cường quốc tại Geneva hôm 1/10 thất bại, công thêm việc Iran rút khỏi NPT, căng thẳng quốc tế về chương trình hạt nhân Tehran sẽ còn bị đẩy lên cao hơn.
Thu Thảo
Theo RIA