> “Kinh tế sáng tạo: đổi mới để thành công”
Ngành kinh tế internet
Nếu chúng ta coi Internet như là một ngành thì tiêu dùng và chi tiêu liên quan đến Internet hiện nay trên toàn cầu còn lớn hơn cả ngành nông nghiệp và năng lượng. Internet cũng đang thâm nhập vào các nền kinh tế mới nổi với tốc độ rất nhanh và hứa hẹn nhiều lợi ích kinh tế.
Một nghiên cứu sâu rộng của Viện nghiên cứu McKinsey toàn cầu tại 13 quốc gia chiếm hơn 70% tổng GDP toàn cầu, bao gồm các nước G8, Braxin, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Thụy Điển và Hàn Quốc, cho thấy các hoạt động qua mạng Internet chiếm phần đáng kể và ngày càng tăng trong GDP. Internet hiện là một nhân tố quan trọng của nền kinh tế, thúc đẩy một phần lớn trong tăng trưởng kinh tế.
Các cách tiếp cận vĩ mô và tiếp cận thống kê đều cho thấy tại các quốc gia trên, Internet chiếm 10% trong GDP trong giai đoạn từ 1995 đến 2009, và ảnh hưởng của nó đang ngày càng lớn hơn. Trong 5 năm cuối cùng của giai đoạn trên, đóng góp vào tăng trưởng GDP của các nước này đã tăng gấp đôi, tới 21%. Trung Quốc và Ấn Độ là những nước tham gia tăng trưởng nhanh nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu trên Internet.
Trong khi đó, đóng góp của Internet không chỉ giới hạn trong các ngành có liên quan trực tiếp tới internet. Có tới 75% các giá trị kinh tế mà Internet tạo ra được các ngành ngoài công nghệ nắm giữ. Internet cũng là nhân tố tạo ra việc làm tại các nền kinh tế. Trong một khảo sát 4.800 doanh nghiệp vừa và nhỏ, Internet tạo ra 2,6 việc làm cho mỗi việc làm bị cắt giảm nhờ hiệu quả của công nghệ.
Internet có vai trò ngày càng quan trọng ở Việt Nam
Tại Việt Nam, Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông trong năm 2011 chỉ ra rằng, với tỷ lệ 42%, Internet đã trở thành phương tiện thông tin được sử dụng phổ biến nhất tại Việt Nam, vượt qua radio với 23% và báo giấy 40%. Đọc tin tức trên mạng là hoạt động trực tuyến phổ biến nhất chiếm 97%, tiếp sau là truy cập vào các cổng thông tin điện tử với tỷ lệ gần 96% người tham gia.
Báo cáo Ứng dụng công nghệ thông tin của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2012 cho thấy mục đích sử dụng Internet nhằm thực hiện trao đổi mua bán qua mạng chiếm tỷ lệ lớn hơn trong năm 2012 đạt 41,57% so với 32,4% năm 2011 trong khi mục đích tìm kiếm thông tin giảm nhẹ còn 87% và truyền nhận dữ liệu điện tử giảm mạnh chỉ còn 23,87%.
Báo cáo cũng cho biết, có 82,66% doanh nghiệp đã có trang thông tin điện tử (website). Trong 17,34% doanh nghiệp chưa có website, 5,34% không có nhu cầu và không có thông tin để đưa lên website. Mục thu thập thông tin khách hàng hoàn toàn mới nhưng đã được hơn một nửa số doanh nghiệp được khảo sát quan tâm. Tuy nhiên, các mục giới thiệu thông tin về sản phẩm dịch vụ, trao đổi, góp ý, cũng như hỗ trợ khách hàng qua mạng đều giảm so với năm trước đó.
Tận dụng các cơ hội internet mang lại như thế nào?
Khảo sát trên cũng cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam hiện chỉ đang khai thác các lợi ích sơ khai nhất của Internet so với các quốc gia mới nổi tăng trưởng nhanh về công nghệ như Trung Quốc hay Ấn Độ.
Để giúp các doanh nghiệp Việt Nam tháo gỡ các khó khăn, có thêm ý tưởng và mạnh dạn áp dụng việc sáng tạo và đổi mới trong quản trị, Hội nghị Viet Nam CEO Summit 2013 do Vietnam Report phối hợp với Báo VietnamNet tổ chức với chủ đề: “Kinh tế sáng tạo: Đổi mới để thành công”, ngày 23/8 tại KS.InterContinental, TP Hồ Chí Minh sẽ là diễn đàn lớn để các doanh nghiệp Việt Nam bàn về việc áp dụng sáng tạo và đổi mới như một cách thức tạo động lực và sức bật mới cho doanh nghiệp Việt. |
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế và các nguồn lực ngày càng khan hiếm, Internet đang trở thành mảnh đất màu mỡ để các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác các cơ hội kinh doanh. Các doanh nghiệp cần xây dựng các nền tảng cơ bản cho phép việc sử dụng rộng rãi các ứng dụng của Internet trong hoạt động kinh doanh, đổi mới công nghệ và đầu tư cho nhân lực trí thức cao và có kỹ năng, sử dụng linh hoạt nhiều ứng dụng khác nhau mang lại các lợi ích mong muốn khác nhau trong kinh doanh, đồng thời tăng cường trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm với các chuyên gia bên ngoài.
Để nâng cao các lợi ích do internet mang lại, các doanh nghiệp Việt cần tăng cường liên lạc, trao đổi kiến thức cả trong và ngoài công ty. Những ứng dụng này, theo ước tính của McKinsey, thông thường sẽ làm tăng năng suất và hiệu quả của doanh nghiệp lên 20-25%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp có thể tận dụng internet để nâng cao hiệu quả tương tác với khách hàng và đối tác, thông qua đó giúp tăng hiệu quả marketing, tăng sự hài lòng của khác hàng, và tăng cường sự hiện diện thương hiệu của doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng rất cần những thống kê và những đánh giá cụ thể về những lợi ích kinh tế đo lường được cũng như các rủi ro tiềm tàng mà Internet có thể mang lại cho doanh nghiệp trong các báo cáo tới đây của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như các tổ chức tư vấn trong và ngoài nước nhằm cung cấp thông tin thiết thực dành cho doanh nghiệp.