Indonesia tăng cường tuần tra sau khi tàu Trung Quốc hoạt động đáng ngờ

Một tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện trong vùng biển gần quần đảo Natuna. (Ảnh: KKP)
Một tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện trong vùng biển gần quần đảo Natuna. (Ảnh: KKP)
TPO - Indonesia sẽ tăng cường các hoạt động bảo vệ an ninh trên biển ở khu vực gần một số đảo của họ trên biển Đông sau khi phát hiện một tàu hải cảnh Trung Quốc hiện diện bất thường ở đó, làm dấy lên lo ngại về ý định của Bắc Kinh, một quan chức an ninh cấp cao của Indonesia hôm nay cho biết.

Tàu hải cảnh Trung Quốc đi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở khu vực quần đảo Natuna của Indonesia hôm 12/9 và rời đi hôm 14/9, sau khi hai bên tranh cãi qua radio về quyền tài phán, ông Aan Kurnia, Giám đốc cơ quan bảo vệ an ninh biển (Bakamla), nói với Reuters.

Theo luật quốc tế, tàu thuyền các nước đi phép đi lại vô hại trong EEZ của nước khác, nhưng ông Aan nói rằng tàu hải cảnh Trung Quốc ở lại quá lâu.

 “Vì con tàu thả trôi, sau đó đi vòng tròn nên chúng tôi mới nghi ngờ và tiếp cận thì nhận thấy đó là một tàu hải cảnh Trung Quốc”, ông Aan nói, đồng thời cho biết lực lượng hải quân và bảo vệ bờ biển Indonesia sẽ gia tăng tuần tra ở khu vực.

 Dù Trung Quốc không có yêu sách chủ quyền đối với quần đảo này nhưng sự hiện diện của tàu hải cảnh Trung Quốc gây quan ngại cho Indonesia, trong bối cảnh các tàu Trung Quốc đã nhiều lần quấy nhiễu trong các vùng biển của Malaysia, Philippines và Việt Nam.

 Một vụ đối đầu kéo dài nhiều tuần giữa lực lượng hai nước xảy ra vào tháng 12 năm ngoái và tháng 1 năm nay khi một tàu hải cảnh Trung Quốc hộ tống các tàu cá nước này vào khai thác ở khu vực phía bắc quần đảo Natuna, khiến Indonesia phải điều máy bay chiến đấu ra các tàu của ngư dân ra gây sức ép.

 Lực lượng hải cảnh Trung Quốc còn có cả tàu khu trục cỡ nhỏ ngụy trang, thường đi cùng các tàu cá mà giới chuyên gia khẳng định là lực lượng dân quân biển thuộc chính quyền.

 Trung Quốc dùng bản đồ “đường 9 đoạn” để đưa ra yêu sách với 90% diện tích biển Đông, bao gồm cả khu vực gần quần đảo Natuna. Phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đưa ra năm 2016 bác bỏ yêu sách này.

 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia Teuku Faizasyah nhắc lại quan điểm rằng nước này không công nhận đường 9 đoạn và không có yêu sách chồng lấn nào với Trung Quốc. 

Theo theo Reuters
MỚI - NÓNG