Indonesia muốn ASEAN có giải pháp về Myanmar

Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. Ảnh: AP
Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi. Ảnh: AP
TP - Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm qua có chuyến công du “con thoi” sang Brunei, bắt đầu nỗ lực tập hợp ủng hộ của các nước thành viên ASEAN để có thể đưa ra cách phản ứng tốt hơn cho cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar. 

Bà Retno cho biết, bà sẽ thăm các nước Đông Nam Á khác sau chặng dừng chân ở Brunei - quốc gia đang giữ vai trò chủ tịch luân phiên của ASEAN. Bà đã trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong ngày 16/2 và hai bên đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về cuộc đảo chính ở Myanmar. Ngoại trưởng Indonesia dự kiến nói chuyện với Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị trong ngày 17/2, báo Jakarta Post đưa tin.

Bà Retno nói rằng “cơ chế của ASEAN nên hoạt động tốt hơn để giúp đỡ một cách xây dựng vào việc giải quyết” cuộc khủng hoảng chính trị ở Myanmar.

Bà nói rằng chính phủ Indonesia ưu tiên những nỗ lực nhằm bảo đảm một sự chuyển giao dân chủ ở Myanmar, bà đang liên lạc với các ngoại trưởng khu vực và người đồng cấp Ấn Độ, Úc, Nhật Bản và Anh, cùng với phái viên đặc biệt của LHQ về Myanmar Christine Schraner Burgener.

Chuyến thăm của bà Retno đến Brunei và các nước ASEAN khác diễn ra vài tuần sau khi lãnh đạo Indonesia và Malaysia kêu gọi tổ chức một cuộc họp đặc biệt của ASEAN để thảo luận về tình hình Myanmar.

Đến nay, phản ứng của các nước ASEAN đối với cuộc đảo chính ở Myanmar không giống nhau. Malaysia, Indonesia và Singapore bày tỏ quan ngại về việc quân đội chiếm quyền lực. Philippines lúc đầu nói đây là “vấn đề nội bộ”, sau đó kêu gọi “khôi phục đầy đủ” nguyên trạng của Myanmar. Campuchia và Thái Lan gọi cuộc đảo chính là “vấn đề nội bộ”, còn Việt Nam bày tỏ mong muốn Myanmar “sớm ổn định tình hình”. Brunei ra tuyên bố kêu gọi “đối thoại, hoà giải và trở lại bình thường”, nhưng không lên án cuộc đảo chính. Indonesia trước đó đã kêu gọi Myanmar tuân thủ hiến chương của ASEAN về quản trị và pháp quyền.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan hôm 16/2 nói rằng những diễn biến ở Myanmar như chặn sóng internet và đàn áp những người biểu tình là “đáng báo động”, nhưng nói rằng ông không thấy lý do gì để áp các biện pháp trừng phạt diện rộng đối với quốc gia này.

Ông Teuku Rezasyah, một chuyên gia về quan hệ quốc tế tại ĐH Padjadjaran của Indonesia, nói rằng chính phủ Indonesia có thể đang tìm kiếm ủng hộ của Brunei cho một giải pháp mà Thủ tướng Malaysia Muhyiddin Yassin và Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã nhất trí trong cuộc gặp vào đầu tháng này. “Có thể những thông tin chi tiết trong cuộc bàn bạc về Myanmar chưa được công bố”, ông Teuku nói.

Chuyên gia này cho rằng việc Indonesia tìm kiếm ủng hộ từ các nước láng giềng và cộng đồng quốc tế để có phản ứng tốt hơn cho cuộc đảo chính ở Myamar là nhằm xây dựng vai trò một người gìn giữ hoà bình và kết nối của khu vực.

Trong khi đó, hàng ngàn người tiếp tục biểu tình ở Yangon trong ngày 17/2, bất chấp những biện pháp xử lý mạnh tay của quân đội như chĩa súng và bắn đạn cao su.

Báo cáo viên đặc biệt của LHQ Tom Andrews bày tỏ lo ngại tình hình có thể vượt kiểm soát, sau khi có thông tin quân đội huy động binh lính từ những khu vực xa xôi về các trung tâm thương mại, Reuters đưa tin.

MỚI - NÓNG