Nói với các phóng viên ở Jakarta, ông Hadi Tjahjanto, lãnh đạo quân đội Indonesia cho biết, bằng công nghệ siêu thanh, họ tin tưởng rằng đã xác định được vị trí của chiếc máy bay Boeing 737- MAX lao xuống biển ngày 29/10, tuy nhiên vẫn chưa xác định được mảnh vụn nào là thân máy bay vì chúng bị nát vụn. Các chuyên gia hàng không nói còn quá sớm để có thể xác định được nguyên nhân của vụ tai nạn.
Tuy nhiên, hãng hàng không giá rẻ Lion Air thừa nhận chiếc máy bay đã gặp vấn đề kỹ thuật trong chuyến bay trước dù đã khắc phục. Việc chiếc máy bay lao mũi xuống biển chỉ 12 phút sau khi cất cánh đã đặt ra nhiều câu hỏi về khả năng có lỗi nào đó trong giai đoạn chế tạo, bởi đây là dòng máy bay mới ra lò.
Hiện các nhóm tìm kiếm đã tìm thấy những mảnh vụn máy bay và các mảnh thi thể hành khách. Những bộ phận thi thể này, trong đó có cả thi thể của một trẻ sơ sinh, đã được chuyển tới bệnh viện để xét nghiệm DNA. Hàng chục thợ lặn đã tiếp tục công việc tìm kiếm ngày thứ ba nhưng dường như không có dấu hiệu nào của người sống sót.
Ngày 31/10, hãng thông tấn Indonesia Antara cho biết, Bộ trưởng Giao thông Indonesia Budi Karya Sumadi đã ra lệnh sa thải giám đốc kỹ thuật và nhân viên kỹ thuật của hãng hàng không Lion Air vì có liên quan tới vụ tai nạn chết người này. Vụ tai nạn này làm dấy lên mối lo ngại về an toàn hàng không của Indonesia khi ngành hàng không nước này phát triển với tốc độ chóng mặt.
Theo Jakarta Post, tối 30/10, ông Daniel Putut, giám đốc điều hành Lion Air, cho biết, hãng sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm, khi tới thăm bệnh viện cảnh sát Kramatjati ở đông Jakarta, nơi đang thu thập dữ liệu nạn nhân từ các thân nhân của họ. Ông hứa hẹn sẽ cung cấp các thông tin cập nhật nhất.