Kinh tế Trung Quốc được dự báo có mức tăng trưởng chín phần trăm vào năm tới - Ảnh: China stock |
Trước đó, trong báo cáo công bố tháng 5/2009 khi kinh tế toàn cầu và khu vực châu Á đang chìm trong cuộc khủng hoảng tồi tệ, IMF dự báo kinh tế Việt Nam chỉ tăng trưởng 1,3 phần trăm trong năm nay và 1,4 phần trăm vào năm 2010.
Cùng thời điểm này, Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) đều đưa ra mức dự báo lạc quan hơn cho kinh tế Việt Nam.
Theo IMF, Việt Nam tiếp tục đạt mức tăng trưởng kinh tế cao nhất trong năm nước ASEAN được khảo sát.
Kinh tế Indonesia được dự báo đạt mức tăng trưởng năm 2009 và 2010 lần lượt là bốn phần trăm và 4,8 phần trăm. Thái Lan tăng trưởng âm trong năm nay, nhưng sẽ tăng 3,7 phần trăm trong năm tới. Kinh tế Malaysia cũng được dự báo sẽ tăng trưởng 2,5 phần trăm năm 2010 sau khi tăng trưởng âm trong năm nay...
“Tại Việt Nam, nhu cầu mạnh mẽ trong nước, công nghiệp hóa diễn ra nhanh cùng với nhu cầu từ nước ngoài tăng mạnh sẽ tiếp tục củng cố cho sự tăng trưởng cao và ổn định”, báo cáo REO viết.
Các chuyên gia IMF phân tích dù giá lương thực xuất khẩu giảm mạnh, nhưng áp lực đối với nước xuất khẩu gạo hàng đầu như Việt Nam được giảm bớt nhờ vào nỗ lực gia tăng số lượng hàng hóa xuất khẩu.
Về mặt hàng dệt may xuất khẩu, báo cáo REO nhận định việc các nước phát triển như Mỹ bắt đầu quan tâm tới các nhà sản xuất có chi phí thấp nhất từ cách đây vài năm giúp Việt Nam được hưởng lợi khi xảy ra khủng hoảng kinh tế.
Theo IMF, trong thời kỳ suy thoái kinh tế, Việt Nam có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu hàng dệt may, đặc biệt tại Mỹ, nhờ hàng hoá giá rẻ. Trong khi đó, dệt may Campuchia bị thiệt hại nặng do hàng hoá đắt hơn.
Các chuyên gia IMF cũng cho rằng các thảm họa thiên nhiên xảy ra gần đây gây thiệt hại lớn cho Việt Nam, nhưng mức độ ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô chỉ ở mức nhỏ.
“Tại Việt Nam, ít nhất 163 người chết (vì bão Ketsana - PV). Thiệt hại lớn nhất xảy ra với hệ thống nhà ở, trường học, các công trình công cộng và nông nghiệp. Tổng thiệt hại ước tính 785 triệu USD (0,8 phần trăm GDP)”, IMF nhận định.
IMF cũng nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế cho toàn khu vực châu Á – Thái Bình Dương lên 2,75 phần trăm năm 2009 và 5,75 phần trăm năm 2010. Con số này vẫn còn thấp hơn so với mức tăng trưởng kinh tế trung bình 6,7 phần trăm của toàn khu vực trong một thập kỷ qua.
Tuy nhiên, trong báo cáo mới nhất này, IMF đã nâng mức dự báo thêm 1,5 điểm phần trăm cho tốc độ tăng trưởng kinh tế của khu vực châu Á – Thái Bình Dương cho cả năm 2009 và 2010.
Kinh tế Trung Quốc được IMF dự báo tăng trưởng 8,5 phần trăm trong năm nay và chín phần trăm năm 2010. Theo IMF, kinh tế Nhật Bản tăng trưởng âm năm nay, nhưng sẽ đạt mức tăng 1,7 phần trăm vào năm tới.