Iceland: Thủ tướng ra tòa vì tội… làm đất nước phá sản

Iceland: Thủ tướng ra tòa vì tội… làm đất nước phá sản
Tại Iceland đang diễn ra một phiên tòa đặc biệt với bị cáo là nguyên Thủ tướng Geir Haarde. Cựu chính trị gia này bị buộc tội đã phạm những sai lầm nghiêm trọng nhất trong việc điều hành đất nước.

> Cực quang tuyệt đẹp từ bão Mặt trời lớn nhất

Hậu quả làm cho đảo quốc phồn vinh này bị phá sản, trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Với phiên tòa lần này, Geir Haarde chắc chắn sẽ đi vào lịch sử không chỉ của đất nước nhỏ bé Iceland với 320 ngàn dân, mà còn của cả thế giới. Vấn đề là ông ta sẽ trở thành chính trị gia đầu tiên bị xét xử vì liên quan tới cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu hiện nay.

Phiên tòa đặc biệt này hiện đang diễn ra tại tòa án Landsdomur, được thành lập từ năm 1905 để chuyên dành riêng cho những phiên xét xử các chính trị gia.

Dù có lịch sử tương đối lâu đời như vậy, nhưng Haarde lại “vinh dự” là bị cáo chính thức đầu tiên của tòa án này.

Dự kiến trong vòng 10 ngày, tòa án sẽ phải làm rõ, vì sao cả ba ngân hàng hàng đầu của đất nước đã sụp đổ chỉ trong vòng có vài ngày, làm chôn vùi cái gọi là “điều kỳ diệu của nền kinh tế Iceland”.

Quá trình điều tra hoạt động của Haarde, người đã lãnh đạo Chính phủ Iceland cho đến tháng Giêng năm 2009, đã được bắt đầu từ hai năm trước đây.

Một ủy ban đặc biệt đã xác định rằng, cựu Thủ tướng cùng với 3 chính trị gia khác đã phạm lỗi cố tình che giấu tình trạng thực sự của nền tài chính Iceland.

Bản thân Haarde đã kịch liệt bác bỏ tất cả những lời cáo buộc trên, cho rằng phiên tòa được dựng lên chỉ đơn thuần với mục đích chính trị. Hiện ý kiến của người dân “đảo băng” Iceland vẫn đang chia rẽ làm đôi: một số cho rằng Haarde chỉ là kẻ giơ đầu chịu báng, một số khác chỉ mong ông ta bị trừng phạt. Dự kiến nếu như tội của cựu Thủ tướng được chứng minh, ông ta nhiều khả năng phải nhận bản án hai năm tù giam.

Nhiều người còn nhớ mới chỉ 5 năm trước đây, Iceland vẫn được coi là một hình mẫu của sự thịnh vượng. Năm 2007, Ngân hàng thế giới (WB) công nhận Iceland là quốc gia tuyệt vời nhất để sinh sống trên thế giới.

Mức thu nhập của người Iceland khi đó đã vượt qua tất cả những chỉ số số tương tự tại EU. Tất cả đều kiếm tiền dễ dàng trong lĩnh vực đánh bắt cá và các loại hải sản, từ lượng khách du lịch dồi dào luôn mơ ước được tận mắt chứng kiến những suối phun nước nóng tại đây.

Chi phí năng lượng rẻ cũng giúp Iceland phát triển ngành công nghiệp sản xuất nhôm và thép.

Người dân Iceland với khả năng tài chính tốt thường xuyên tới Hà Lan và Thụy Sĩ để mua sắm, khiến cảng Rotterdam luôn chật cứng những dòng xe chờ phà để trở về Reykjavik.

Nhưng bi kịch đã bất ngờ bao trùm hòn đảo giàu có này vào mùa thu năm 2008. Mức lãi suất tín dụng nhảy vọt lên gấp đôi, khiến cho phần lớn cư dân không còn khả năng chi trả.

Chỉ trong vài tháng cuối cùng của năm đó, tỉ giá của đồng Krona Iceland đã sụt giảm tới 60%. Tỉ lệ thất nghiệp cũng tăng nhanh từ chưa đầy 2% lên hơn 7%. Nợ nước ngoài đạt tới con số khổng lồ 50 tỉ euro.

Các nhà đầu tư nước ngoài vội vàng rút vốn của họ khỏi quốc gia này. Thêm vào đó, giá cá và hải sản trên thị trường thế giới cũng sụt giảm đáng kể. Nhiều người Iceland đã phải chạy sang quốc gia láng giềng Nauy để tìm việc làm thêm.

Geir Haarde trên thực tế đã phải chạy vạy khắp thế giới, ngửa tay xin trợ giúp. Các quốc gia láng giềng vùng Scandinave, do không phải chịu tác động quá lớn của cuộc khủng hoảng, đã nhanh chóng hỗ trợ khoản vay 2,3 tỉ USD.

Iceland sau đó còn nhận thêm được những khoản tín dụng từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Haarde đã cứu được đất nước khỏi tình trạng suy sụp hoàn toàn, nhưng lại không cứu được sự nghiệp chính trị của mình.

Sau hàng loạt những sự kiện bất ổn tại các khu vực phía bắc Iceland, ông ta buộc phải từ chức vào tháng Giêng năm 2009.

Nhưng phải sau đó một thời gian, người dân mới nhận ra chính sách của nội các Haarde đã đưa Iceland tới một mức độ bi kịch như thế nào.

Trước khủng hoảng, quốc gia này trên thực tế chỉ tồn tại dựa vào những khoản tiền vay từ các nước khác, vì những những khoản tiền lời hậu hĩnh thường gửi tiền vào các ngân hàng Iceland.

Tỉ lệ lãi suất cao và tiền thuế thấp đánh vào các khoản lợi nhuận đã lôi kéo ngày càng nhiều các nhà đầu tư tới Iceland.

Về phần mình, bản thân các ngân hàng Iceland cũng chẳng ngại tham gia vào các hoạt động đầu cơ tiền bạc: họ nhận những khoản tín dụng ưu đãi của Nhật và gửi chúng tới những quốc gia có mức lãi suất cao. Hậu quả là khi cuộc khủng hoảng bắt đầu nổ ra, tổng số nợ của các ngân hàng lớn nhất Iceland như Glitnir, Landsbanki Islands và Kaupthing Bank đã lên tới 61 tỉ USD.

Nhằm cố cứu vãn tình hình, chính phủ đã quyết định quốc hữu hóa các ngân hàng trên, nhưng kết quả nhận được chỉ là cả Iceland phải trả giá vì những mánh khóe của các ngân hàng tư nhân.

Khoản nợ tích tụ cuối cùng đã cao cấp 12 lần GDP của Iceland. Chưa kể những vấn đề quốc tế nảy sinh, khi những khoản vốn của Iceland tại các ngân hàng của Anh và Hà Lan bị đóng băng.

Sau khi Haarde từ chức, chính phủ đương nhiệm của bà Johanna Sigurdardittir buộc phải bằng mọi cách giải quyết “di sản” nặng nề của người tiền nhiệm.

Để có thể tạm thời thoát khỏi khó khăn, Iceland phải tìm thêm khoản tiền ít nhất 4,8 tỉ euro, tương đương với khoản 15 ngàn euro với mỗi người dân nước này.

Cực chẳng đã, Iceland cuối cùng phải hạ mình nhờ tới sự giúp đỡ của EU, liên minh mà chính quốc gia này từ trước đó vẫn luôn tìm cách né tránh làm thành viên vì nhiều lý do – không muốn chia sẻ hạn ngạch đánh bắt cá với Brussels, không muốn đóng góp vào ngân quỹ chung của EU, vấn đề ngăn cấm đánh bắt cá voi v.v…

Nhưng giờ đây, ngay cả khi muốn nài nỉ được “nộp đơn” gia nhập EU, Iceland vẫn gặp phải sự phản đối quyết liệt của Anh và Hà Lan, những quốc gia vẫn đòi phải trả lại cho người dân của họ những khoản tiền đã mất tại các ngân hàng của Iceland.

Hình ảnh trên trường quốc tế của Iceland cũng bị xấu đi nghiêm trọng vì vụ phá sản này. Giờ đây, Iceland được nhắc tới không chỉ nhắc tới không chỉ vì đây là miền đất của những suối nước nóng phun và phong cảnh cực quang tuyệt vời, mà còn là quốc gia đầu tiên là nạn nhân của cuộc khủng hoảng tài chính.

Nhiều người dân Iceland giờ đây cũng phải đi làm thuê tại Nauy và Đan Mạch để kiếm sống, trong khi trước đó họ đã có thói quen không hề muốn phụ thuộc vào bất cứ ai.

Chính vì vậy, trong con mắt của nhiều người Iceland, Haarde là một “tội đồ” thực sự và ông ta phải chịu trách nhiệm về chuyện trên, dù bằng cách này hay cách khác. Tòa án giờ đây sẽ là người quyết định mức độ tội lỗi của Haarde.

Còn trên bình diện thế giới, một tiền lệ đã được hình thành – một chính trị gia lần đầu tiên phải ra tòa do làm cho đất nước của mình bị phá sản.

Không loại trừ khả năng sau Iceland, những phiên tòa kiểu trên sẽ tiếp tục xuất hiện tại Hy Lạp, Ailen, Bồ Đào Nha, Latvia, Hungary v.v…

Theo petrotimes.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG