Bé Mai và bà |
Xét nghiệm của Trung tâm Công nghệ Phôi - Học viện Quân y cho thấy trong số 200 mẫu tinh trùng được kiểm tra có tới một nửa số con giống bị bất thường như tinh tử (tinh trùng chưa trưởng thành) thoái hóa nhiều.
Qua kính hiển vi, bác sĩ nhận thấy trong số những tinh tử đó có một số không bị bất thường hoàn toàn mà vẫn có thể nuôi cấy thành tinh trùng trưởng thành trong môi trường đặc biệt.
Theo BS-TS Quản Hoàng Lâm - Giám đốc Trung tâm Công nghệ Phôi (Học viện Quân y) chỉ có mười phần trăm trong số con giống bị bất thường trong số 200 mẫu tinh trùng được kiểm tra không có tinh trùng.
Tinh tử là những tế bào dạng tròn, chưa có đuôi, chưa di động được. Vì không có đuôi nên tinh tử không thể thụ tinh. Bác sĩ Lâm cho hay, khi nuôi cấy tinh tử thành tinh trùng, bộ nhiễm sắc thể không thay đổi mà chỉ biến đổi về hình thể (dạng tròn không có đuôi để thành dạng bầu dục, đuôi ngắn).
Thời gian nuôi cấy trong vòng 24 giờ, tinh tử nào phát triển thành tinh trùng có đuôi sẽ tiêm vào trứng của người vợ.
Các bác sĩ sẽ tiến hành phương pháp bơm tinh trùng vào bào tương trứng (MESA ICSI) để bắt đầu quá trình thụ thai. Tinh trùng và trứng được thụ tinh trong ống nghiệm nuôi cấy thành phôi. Sau đó, phôi được cấy vào tử cung người vợ và quá trình phát triển thành thai diễn ra bình thường.
Ngoài ra, tinh trùng và những phôi tốt còn dư sẽ được giữ trong môi trường đông lạnh đáp ứng nhu cầu sinh con lần sau. Tuy nhiên, tỷ lệ thụ thai thành công nhờ nuôi dưỡng tinh tử chỉ khoảng mười phần trăm.
Bác sĩ Lâm lý giải: “Mỗi lần quan hệ, nam giới sẽ xuất khoảng 200 - 600 triệu tinh trùng, chỉ có một tinh trùng có thể được thụ thai. Trong khi đó, mỗi lần nuôi cấy tinh tử chỉ có khoảng vài chục con, số lượng ít, chất lượng cũng kém nên tỷ lệ thành công càng hiếm”.
Thành quả bước đầu
Đáng chú ý, trong số những bệnh nhân bị vô sinh do không có tinh trùng phần lớn có tiền sử bị quai bị, nhất là lúc bé. Bác sĩ Lâm cho biết thêm, bị quai bị khi còn nhỏ rất nguy hiểm do biến chứng teo tinh hoàn, khiến không sản sinh được tinh trùng. |
Sau năm năm triển khai nghiên cứu kỹ thuật nuôi cấy tinh tử, em bé đầu tiên chào đời nhờ phương pháp này đến nay đã tròn một tuổi. Bé Lưu Ngọc Mai không chỉ là niềm hạnh phúc lớn lao với vợ chồng anh Lưu Văn Cương và chị Hoàng Thị Luyến (Bắc Giang) sau năm năm chờ đợi mà còn là bước đột phá trong điều trị vô sinh của Trung tâm Công nghệ Phôi.
Ngoài anh Cương và chị Luyến, còn có một cặp vợ chồng ở tận CH Séc cũng vừa đón đứa con trai chào đời nhờ phương pháp nuôi cấy tinh tử.
Bác sĩ Lâm cho hay khi bắt đầu quá trình điều trị vô sinh theo kỹ thuật này, khoảng từ ba đến sáu tháng, người chồng sẽ được các bác sĩ của trung tâm theo dõi với chế độ đặc biệt như khám, tư vấn, xét nghiệm, dùng thuốc kích thích sinh tinh.
Vất vả nhất là quá trình tư vấn, bởi nam giới rất hay mất tự tin việc về bản thân không đủ con giống. Trong thời gian điều trị, không nên kiêng việc quan hệ tình dục.
Đến nay có khoảng 30 ca được tiến hành, trong đó gần mười trường hợp mang thai. Theo bác sĩ Lâm, ca thành công đầu tiên trên thế giới mới từ năm 2001, nên chưa có thời gian để trả lời câu hỏi liệu bé trai sinh ra từ tinh tử được nuôi dưỡng thành tinh trùng có bị bệnh như người bố không.
Tuy nhiên, theo nghiên cứu của Bắc Mỹ và châu Âu, trẻ sinh ra từ thụ tinh trong ống nghiệm và hỗ trợ sinh sản bị dị tật chiếm một đến hai phần trăm. Đây cũng là tỷ lệ chung của trẻ em sinh thường, từ chỉ số IQ, EQ, dị dạng, gần tương đương với trẻ sinh tự nhiên.