60 năm phong trào Đồng khởi (17/1/1960 – 17/1/2020)

Huyền thoại một nữ tướng

Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam với các nữ đại biểu dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua miền Nam lần thứ II (tháng 9/1967) Ảnh tư liệu
Hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng miền Nam Việt Nam với các nữ đại biểu dự Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua miền Nam lần thứ II (tháng 9/1967) Ảnh tư liệu
TP - “Phó Tổng Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân là gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”. Đó là những mỹ từ đầy tự hào của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi nói về Thiếu tướng Nguyễn Thị Định - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, nữ tướng đầu tiên của QĐND Việt Nam. 

Những ngày đầu năm 2020, trong chuyến về xứ dừa Bến Tre, phóng viên Tiền Phong đã ghi nhận, cóp nhặt được những tư liệu quý báu, những nhân chứng dưới thời lãnh đạo của vị nữ tướng huyền thoại gắn liền với phong trào Đồng Khởi cách đây đúng 60 năm.   

Từ “mở đường” cho đoàn tàu không số

Xuất thân từ một gia đình ở một miền quê giàu truyền thống yêu nước (xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre), bà Nguyễn Thị Định (sinh ngày 15/3/1920) bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng năm 16 tuổi, năm 18 tuổi được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Năm 1940, bà bị giặc bắt và biệt giam tại nhà tù Bà Rá, Sông Bé (Bình Phước ngày nay), chồng bà cũng bị giặc bắt, con trai vừa mới sinh phải gửi cho gia đình nuôi.

Năm 1943, địch thả bà và quản thúc tại địa phương. Thời gian này bà lâm bệnh khi sức khỏe chưa hồi phục, bà lại nhận tin chồng hy sinh ngoài Côn Đảo. Ba năm trong sự giam cầm hà khắc ở nhà lao cũng là ba năm hoạt động kiên cường, bất khuất của cô gái xứ dừa có tố chất của một nữ tướng.

Trở về Bến Tre, tiếp tục sự nghiệp cách mạng, Nguyễn Thị Định liên lạc với tổ chức Đảng, chính quyền cách mạng và tham gia giành chính quyền ở thị xã Bến Tre trong Tổng khởi nghĩa tháng 8/1945. Năm 26 tuổi (1946) Nguyễn Thị Định được Tỉnh ủy chọn làm thuyền trưởng chuyến đầu tiên vượt biển ra Bắc báo cáo với Trung ương và Bác Hồ về tình hình cách mạng miền Nam và Khu 8 sau Hiệp định sơ bộ 6/3. Sau đó, trực tiếp chuyển 12 tấn vũ khí từ miền Bắc vào chi viện cho chiến trường Tây Nam bộ, tạo tiền đề cho sự hình thành đường Hồ Chí Minh trên biển, chở những đoàn tàu không số từ Bắc vào Nam trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Từ năm 1947 - 1951, bà là Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh Bến Tre; Đoàn trưởng Phụ nữ Cứu quốc tỉnh; Ủy viên Mặt trận Liên Việt tỉnh; Ủy viên BCH Phụ nữ Cứu quốc Nam bộ; Tỉnh ủy viên, Phó Bí thư Huyện ủy Mỏ Cày, Chủ tịch Mặt trận Liên Việt huyện. Từ năm 1952 đến 1960, bà là Hội trưởng Phụ nữ tỉnh, Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư rồi Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre.

…Đến lãnh đạo phong trào cách mạng

Năm 1960, bà Nguyễn Thị Định là một trong những người tham gia lãnh đạo phong trào Đồng Khởi ở Bến Tre. Chính từ phong trào này, tên tuổi của bà gắn với phương thức đánh địch bằng “Ba mũi giáp công”, đặc biệt là phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của phụ nữ, của “Đội quân tóc dài” gắn liền với phong trào du kích chiến tranh của nhân dân miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ.

“Đội quân tóc dài” ra đời trong những ngày đầu phong trào Đồng Khởi, với lực lượng chính là phụ nữ, hội tụ những cá nhân ưu tú, trung kiên, dũng cảm và mưu trí, đủ mọi lứa tuổi và thành phần trong xã hội, có cơ sở ở khắp nông thôn và thành thị, được chọn lọc qua các phong trào đấu tranh chính trị.

Nguyễn Thị Định là người trực tiếp tổ chức và phát triển đội quân này. Đây là đội quân được tổ chức chặt chẽ, được rèn luyện và thử thách từ trong chiến đấu và cũng là lực lượng đông đảo nhất, hùng hậu nhất ở Bến Tre. Từ năm 1961-1964, với các cương vị là Khu ủy viên, Bí thư Đảng đoàn rồi Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ giải phóng Khu 8, bà có công rất lớn trong việc xây dựng và phát huy tác dụng của đội quân tóc dài với chiến thuật “tản cư ngược”.

Nhớ về Đồng Khởi, bà Nguyễn Thị Tâm (80 tuổi, ở thị trấn Mỏ Cày), nhân chứng của đội quân tóc dài ngày ấy, tham gia ngay từ những ngày đầu. Bà kể: khi đó địch càn quét, bắt bớ tại quê của bà là xã Hương Mỹ. Ở trong ban liên lạc, được giao nhiệm vụ bà cảm thấy rất mừng nhưng cũng rất lo, mừng vì vinh dự, còn lo là sợ không hoàn thành nhiệm vụ, nhưng rồi bà đã nhiều lần tham gia đấu tranh và bị địch bắt, tra tấn dã man, nhưng chúng không khai thác được gì. Hàng trăm phụ nữ như vậy, dù bị địch bắt, tra tấn, bắt phơi nắng, ngâm nước, cắt tóc hay dùng cực hình nhưng vẫn kiên cường, bất khuất, đấu tranh đến cùng, buộc quân địch phải rút lui…

Thượng tướng Trần Văn Trà từng nhận định, Nguyễn Thị Định là người có tài thao lược, ý chí cao, có nghệ thuật điều hành của đội quân tóc dài, vừa hình thành tổ chức, vừa tác chiến ngay tại chiến trường vô cùng phức tạp và đã đem lại chiến thắng vẻ vang. Từ năm 1965 đến 1975, bà là Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam; Phó Tư lệnh các lực lượng vũ trang (LLVT) giải phóng miền Nam. Năm 1974, bà được phong quân hàm Thiếu tướng QĐND Việt Nam.

“Sống làm tướng, chết thành thần”

 Sau ngày thống nhất đất nước, bà là Ủy viên BCH Trung ương Đảng khóa IV, V, VI; Đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, VIII; Thứ trưởng Bộ Thương binh - Xã hội, Bí thư Đảng đoàn và Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước... Bà từ trần ngày 26/8/1992, ngày 30/8/1995 được truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân.

56 năm hoạt động cách mạng không biết mệt mỏi, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ, với đức tính khiêm tốn, nhận hậu, gắn bó mật thiết với nhân dân, sức chịu đựng và hy sinh vượt lên trên mất mát đau thương của một người vợ, người mẹ và tinh thần hăng hái làm việc đến hơi thở cuối cùng.

Đại tướng Nguyễn Chí Thanh từng nói: “Một người phụ nữ đã chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng Khởi ở Bến Tre thì người đó rất xứng đáng được làm tướng và ở trong Bộ Tư lệnh đánh Mỹ”. Giáo sư Trần Văn Giàu đã viết: “Những người như chị là sống làm tướng, chết thành thần”.

Với bạn bè thế giới, bà là biểu tượng của cuộc đấu tranh cho độc lập dân tộc, đoàn kết, hữu nghị của các lực lượng tiến bộ trên toàn thế giới trong sự nghiệp đấu tranh vì hòa bình, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Bà từng được Liên đoàn Phụ nữ dân chủ thế giới bầu vào cương vị Phó Chủ tịch Liên đoàn. Bài phát biểu của đại diện phụ nữ Anbani từng viết: “Chúng tôi vô cùng tự hào có người bạn chiến đấu là chị Nguyễn Thị Định. Chị đã thay mặt cho phụ nữ chúng ta giương cao chủ nghĩa anh hùng cao cả và cổ vũ cho hàng triệu phụ nữ yêu tự do, vì hòa bình và tiến bộ xã hội.”

Bà xứng đáng với tám chữ vàng “Anh hùng - Bất khuất -Trung hậu - Đảm đang” mà Bác Hồ đã tặng cho phụ nữ Việt Nam. Tám chữ này cũng đang hiện diện trong đền thờ bà ở xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Ở đó còn có dòng chữ của bà Valetina Nicolacva Térchova - Chủ tịch Ủy ban Phụ nữ Liên Xô năm 1971: “Ở Liên Xô, nhân dân chúng tôi biết rõ chị là một nữ chiến sĩ xuất sắc, đấu tranh để giải phóng dân tộc, người lãnh đạo phong trào phụ nữ Việt Nam…”.

Phía trên bức tượng của bà là dòng chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Phó Tổng Tư lệnh quân giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”.

“Nghĩ rằng/Đâu cần đổi phận làm trai, sự nghiệp anh hùng vẫn rạng/Kính người tài đức, nhân dân lập đền miếu tôn thờ/ Tỏa khói hương nghi ngút ngàn thu/Gương nữ kiệt lưu danh thiên cổ/Sống làm tướng, chết thành thần/Dân gian lưu truyền, ngàn năm bia tạc” (trích đoạn cuối văn bia Nguyễn Thị Định)

“Chúng tôi vô cùng tự hào có người bạn chiến đấu là chị Nguyễn Thị Định. Chị đã thay mặt cho phụ nữ chúng ta giương cao chủ nghĩa anh hùng cao cả và cổ vũ cho hàng triệu phụ nữ yêu tự do, vì hòa bình và tiến bộ xã hội”. Trích bài phát biểu của đại diện phụ nữ Anbani.

Huyền thoại một nữ tướng ảnh 1 Người dân dâng hương tại đền thờ nữ tướng Nguyễn Thị Định Ảnh: Cảnh Kỳ
MỚI - NÓNG