Ngày 26/7, ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã kiểm tra công tác phòng, chống bão lũ tại huyện Chương Mỹ.
Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Chương Mỹ, đến ngày 26/7, mưa lũ đã làm 7.724m đê thuộc địa bàn 13 xã bị ngập, 20m để bị sạt lở. Ngoài ra, 61.700m đường giao thông bị ngập.
Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn (thứ 2 từ trái sang) kiểm tra công tác chống lũ tại huyện Chương Mỹ |
Về kinh tế, 1.811,7ha lúa bị ngập lụt, 367,6ha hoa màu bị hư hại, 252,5ha cây ăn quả bị úng nước, 1.711,6ha nuôi trồng thủy sản bị thất thu, 52.091m2 chuồng trại với 1.820 gia súc và 200.932 gia cầm bị cuốn trôi.
UBND huyện Chương Mỹ đã huy động 4.271 người và 174 phương tiện tham gia chống lũ. Huyện cũng đã tập kết 5.910m3 đất cát, 53.325 bao tải để gia cố các đoạn đê, tuyến đường xung yếu, vận hành 20 trạm với 89 máy bơm để tiêu nước.
Ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội tặng quà người dân thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến, huyện Chương Mỹ (ảnh: Trần Thụ) |
UBND huyện Chương Mỹ cho biết, huyện đã tổ chức cấp phát 600 thùng nước uống, cung cấp nước sạch bằng xe bồn tập trung tại 10 điểm và bố trí 1 trạm y tế lưu động trên địa bàn xã Nam Phương Tiến, nhằm ứng cứu kịp thời các tình huống khẩn cấp.
Tại buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Lê Hồng Sơn tặng quà cho người dân tại 2 xã Nam Phương Tiến và Tân Tiến (huyện Chương Mỹ). Đây là những địa phương bị ảnh hưởng nặng do mưa lũ.
Thôn Tiến Tiên, xã Tân Tiến bị ảnh hưởng nặng do mưa lũ |
Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn đề nghị, trước mắt chính quyền huyện Chương Mỹ cần tập trung chăm lo cho đời sống người dân và có những biện pháp có hiệu quả để khắc phục hậu quả mưa lũ.
Về lâu dài, huyện cần có giải pháp căn cơ để đối phó với lũ rừng ngang, một thứ “đặc sản” của huyện Chương Mỹ. Để giải quyết vấn đề này, huyện Chương Mỹ phải phối hợp với UBND thành phố, các bộ ngành và các chuyên gia để tìm ra những phương án, giải pháp hiệu quả. Phải làm sao để người dân yên tâm sống chung với lũ”, ông Lê Hồng Sơn nhấn mạnh.