Huy Tuấn mời nghệ sĩ quốc tế 'Hò Dô'

Huy Tuấn mời nghệ sĩ quốc tế 'Hò Dô'
Lễ hội Âm nhạc Quốc tế Hò Dô (Hozo) lần đầu diễn ra tại TPHCM từ 13 đến 15/12, với nghệ sĩ Việt Nam, Nga, Pháp, Úc, Tây Ban Nha, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Columbia, Bỉ, Mông Cổ và Trung Quốc. Nhạc sĩ Huy Tuấn tiết lộ những thông tin thú vị về lễ hội do anh làm tổng đạo diễn.

Vì sao anh chọn tên Hò Dô cho lễ hội âm nhạc này?

Tôi muốn có một cái tên xuất phát từ âm nhạc, rất Việt Nam, rồi phải dễ phát âm cho người nước ngoài. Hò Dô đáp ứng các yêu cầu đó, lại hào sảng, giống như một lời hiệu triệu, mang tính tập thể rất tích cực. Một lễ hội cần những tính chất đấy.

Anh ấp ủ tổ chức Hò Dô từ bao giờ?

Chục năm trở lại đây, đời sống âm nhạc mình hơi nghèo nàn, đơn điệu. Chúng ta chỉ xoay quanh pop với EDM. Hầu hết chương trình lớn đều liên quan đến các nhãn hàng và họ có tiếng nói chính trong đấy chứ không phải âm nhạc. Âm nhạc chỉ là cái cớ để bán hàng thôi.

Chỉ lễ hội mới mang được những nghệ sĩ đặc sắc của các nền âm nhạc khác đến. Thế giới có những nghệ sĩ chuyên biểu diễn ở các lễ hội. Hiện ở Việt Nam quá thiếu những lễ hội như thế. Chúng tôi và không ít khán giả thường phải trả tiền để đi các nước mới xem được, thì bây giờ tôi mang hết về đây cho mọi người thưởng thức. Tôi vừa qua Java Jazz Festival- một trong 15 lễ hội âm nhạc lớn nhất thế giới diễn ra tại Jakarta (Indonesia). Lễ hội chuyên về jazz trong ba ngày thu hút khoảng 10 vạn người, trong đó dân Indonesia chiếm 80-90%.

Lúc nào họ cũng có mười mấy sân khấu hoạt động cùng lúc, sân khấu lớn nhất chứa được 15-17 ngàn người. Vé để tham gia cả liên hoan là 300 USD, nhưng vẫn có những show bán vé riêng 100 USD, đông nghịt người xếp hàng.

Lần tổ chức vừa rồi có hơn 30 nghệ sĩ đoạt giải thưởng Grammy tham gia. Điều đáng nói nữa là Java Jazz không có ai xả tí rác nào. Chứng tỏ không chỉ thị hiếu âm nhạc mà ý thức môi trường của họ cũng khác xa chúng ta. Thái Lan cũng là cường quốc về lễ hội âm nhạc với hàng chục cuộc diễn ra mỗi năm, có lễ hội tại Chiangmai kéo 7 ngày. Những sự kiện như thế thực sự có tác động phát triển du lịch, kinh tế. Chính lần gặp nhau tại lễ hội Wonderfruit tại Pattaya, Thái Lan, tôi và lãnh đạo Trung tâm Ca nhạc nhẹ TPHCM đã thống nhất ý tưởng tổ chức Hò Dô.

Tôi muốn lễ hội không chỉ vui mà còn mang lại cái gì đó cho nền âm nhạc cũng như thị trường âm nhạc đại chúng. Vì thế chúng tôi tổ chức hội thảo để các nghệ sĩ và sinh viên trong nước tiếp xúc học hỏi từ nghệ sĩ quốc tế.

TPHCM có vai trò như thế nào để Hò Dô ra đời?

Rất nhiều lớp lãnh đạo từ lâu có mong muốn tổ chức một lễ hội âm nhạc cộng đồng thành thương hiệu của thành phố. Nhưng giờ mới đủ yếu tố cấu thành. Ban tổ chức (BTC) may gặp đúng lúc thiên thời địa lợi nhân hòa.

Để tổ chức miễn phí, BTC gặp khó khăn gì?

Lần đầu tổ chức, lãnh đạo thành phố muốn tặng cho người dân lễ hội này. Lễ hội diễn ra tại đường đi bộ Nguyễn Huệ cũng là nơi không được mua bán gì. Tuy miễn phí, nhưng khán giả phải chia sẻ một thông điệp trên mạng xã hội về môi trường để đổi lấy vé tham gia.

Chúng tôi phải đi tìm tài trợ cả năm nay. Thành phố cũng hỗ trợ tài chính và rất nhiều khâu. Các nghệ sĩ trong nước tham gia với thiện chí cao, thù lao chỉ ở dạng bồi dưỡng. Với nghệ sĩ nước ngoài phải dựa vào quan hệ riêng để mời tham dự, một số mời qua các cơ quan ngoại giao. Lần đầu cũng chưa đủ tiền để mời các “ngôi sao” quá nổi tiếng, nhưng các nghệ sĩ “chất” chắc chắn có.

Anh có thể giới thiệu một số nghệ sĩ đáng chú ý?

Các nghệ sĩ từ nhiều nền văn hóa sẽ cùng tham gia Hò Dô. Đó là nhóm trống taiko Nhật Bản mà tôi tin đủ hấp dẫn với cả người chưa tiếp xúc bao giờ. Nhóm nghệ sĩ Ấn Độ từng đoạt giải Grammy trong dòng new age pha trộn nhạc điện tử và dân tộc. Nhóm Nga dùng toàn nhạc cụ dân tộc ngoài những bài hát Nga, họ chơi cả bản hit của thế giới. Nhóm Vocal Tempo của Cuba cũng trình diễn các bản nhạc nổi tiếng thế giới nhưng bằng hình thức a capella có chất latin…

Về phía Việt Nam chúng tôi có ban nhạc All Star thành lập riêng cho lễ hội với các nhạc công hàng đầu đến từ Hà Nội và TPHCM. Thu Minh và Hồ Ngọc Hà là thành viên ban nhạc này. Trong khi Trần Thu Hà và Trần Mạnh Tuấn chơi trong ban nhạc của Nguyên Lê. Đó là chương trình buổi tối, từ 18h đến 23h. Ban ngày, từ 9h, chúng tôi tổ chức sân khấu mở cho các nhóm nhạc, nhóm nhảy trẻ tài năng thể hiện.

Một thuận lợi khi tổ chức tại TPHCM là khán giả nơi đây chịu chi cho âm nhạc?

Tôi thấy dạo này các sự kiện âm nhạc miễn phí bắt đầu không thu hút đông khán giả như trước đây. Vì khán giả không tìm thấy sự mới mẻ, chương trình cũng đi theo công thức rất quen thuộc, cũng lại gặp vô số ngôi sao mà khán giả có thể gặp ở bất cứ sự kiện nào của bất cứ nhãn hàng nào.

Với Hò Dô, tôi tin khán giả sẽ bắt gặp sự lung linh của lần đầu tiên đắm mình trong không khí lễ hội, với nhiều háo hức, ngạc nhiên, mở mang. TPHCM là thị trường âm nhạc cởi mở, khán giả thừa sức thẩm thấu, do đó tôi tin chắc những thể loại âm nhạc mang về đây được chào đón ngay.

Anh rút được bài học kinh nghiệm gì từ Monsoon của Hà Nội?

Bên Monsoon rất thiện chí, tôi cũng cắp sách ra Hà Nội đi học đàng hoàng, nhờ họ chia sẻ những bài học mà mình rút được kinh nghiệm. Bài học tôi rút ra từ Monsoon nghiêng về kỹ thuật nhiều hơn: yếu tố tổ chức, cách quảng bá, truyền thông… Còn nội dung hai lễ hội sẽ rất khác. Quốc Trung có lựa chọn (nghệ sĩ tham dự) khác tôi.

Anh đã nghĩ tới địa điểm cho năm sau?

Tôi nghĩ phải chọn một địa điểm trong một quần thể nhiều sân khấu khác nhau. Có thêm cả những sự kiện ẩm thực kèm theo mới ra lễ hội.

Huy Tuấn mời nghệ sĩ quốc tế 'Hò Dô' ảnh 1 Buổi hòa nhạc tại Bengaluru (Ấn Độ) tháng 2/2018 có sử dụng đàn bầu của nghệ sĩ đoạt giải Grammy Ricky Kej. Anh sẽ có mặt tại TPHCM để tham gia Hò Dô ảnh: Drishti Magazine

“Bài toán khó cho những ai muốn tổ chức lễ hội âm nhạc ở Việt Nam là tài chính. Do người Việt chưa có thói quen tham dự những sự kiện dài hơi kiểu lễ hội, đâm ra các nhà tài trợ cũng e dè. Đối với họ, gọi một DJ về đánh cho cả chục nghìn người rất dễ, nhưng sự kiện như thế chỉ khu biệt vào một số khán giả. Còn lễ hội dành cho tất cả mọi người.” 
Nhạc sĩ Huy Tuấn

MỚI - NÓNG