Hủy niêm yết chứng khoán – Lưu ý nào cho các bên?

0:00 / 0:00
0:00
Mặc dù việc huỷ niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo một môi trường đầu tư minh bạch, đồng thời thanh lọc, loại bỏ những cổ phiếu kém chất lượng, giúp doanh nghiệp hoạt động minh bạch hơn, có trách nhiệm với các nhà đầu tư hơn… tuy nhiên, việc hủy niêm yết chứng khoán bắt buộc cũng tạo ra không ít rủi ro cho doanh nghiệp và nhà đầu tư. 

Xung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu, Giảng viên cao cấp, nguyên Trưởng Bộ môn Luật Tài chính – Ngân hàng, trường Đại học Luật Hà Nội.

Xin chào PGS.TS. Phạm Thị Giang Thu!

PV: Thưa Bà, từ thực tiễn nghiên cứu, Bà đánh giá như thế nào về thực trạng hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán trên thị trường Việt Nam trong thời gian qua?

Huỷ niêm yết cả ở góc độ pháp lý cũng như góc độ thực tiễn, có thể xuất hiện như hiện tượng yếu của thị trường chứng khoán có tổ chức. Một tổ chức kinh tế mới gia nhập thị trường bằng cách thành lập doanh nghiệp với nhiều hứng khởi thì cũng không loại trừ một tổ chức kinh tế khác rời thị trường bằng cách giải thể hay làm thủ tục phá sản doanh nghiệp. Thời gian qua xuất hiện thực trạng các tổ chức niêm yết huỷ niêm yết với những lý do khác nhau, với hai nhóm lớn:

- Nhóm huỷ niêm yết tự nguyện, không xuất phát từ các lý do liên quan đến điều kiện niêm yết và duy trì niêm yết tại sở giao dịch chứng khoán hiện tại. Ví dụ có thể kể đến như 11 tổ chức niêm yết huỷ niêm yết tự nguyện năm 2018, hay trường hợp CEE huỷ niêm yết trên HoSE năm 2021.

- Nhóm huỷ niêm yết bắt buộc, xuất phát từ quyết định của Sở Giao dịch chứng khoán, chẳng hạn như trường hợp 9 mã cổ phiếu bị huỷ niêm yết năm 2022 và 5 mã cổ phiếu bị huỷ niêm yết trong 6 tháng đầu năm 2023.

Từ thực tế trên, có lẽ chúng ta cần nhận định đúng về tất yếu khách quan này và tìm nguyên nhân của việc huỷ niêm yết để có chọn phương án đúng.

Hủy niêm yết chứng khoán – Lưu ý nào cho các bên? ảnh 1

PV:Vậy, theo , đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này? Liệu có hạn chế bất cập gì trong các quy định pháp luật về chứng khoán dẫn đến thực trạng này không, thưa Bà?

Thực tế thị trường cho thấy việc huỷ niêm yết bắt buộc không phải là trường hợp hiếm thấy, nó cũng là yếu tố tất yếu của vận động thị trường (do thua lỗ liên tục, do vi phạm quy định về công bố thông tin, lỗ luỹ kế lớn hơn vốn điều lệ thực có…). Điều này có thể lý giải do nhiều nguyên nhân khác nhau:

- Do yêu cầu về chuẩn mực pháp lý ngày càng cao hơn, thể hiện thông qua quy định của pháp luật về niêm yết. Khi không còn đáp ứng được tiêu chuẩn thì việc bị đưa ra khỏi thị trường có tổ chức với những chuẩn mực cao (như HoSE, HNX…) cũng là điều hoàn toàn có thể giải thích được

- Do sự khắc nghiệt của thị trường của các tổ chức niêm yết, không tránh khỏi tình trạng đi xuống trong kinh doanh, hoạt động không hiệu quả như mong muốn. Khi tình trạng thua lỗ kéo dài, lỗ luỹ kế “ăn hết vốn sở hữu chủ”, không ai muốn cung cấp những thông tin không khả quan, hậu quả là từ sai lầm trong kinh doanh, dẫn đến vi phạm về báo cáo tài chính hay công bố thông tin.

- Bên cạnh đó, không thể không đề cập đến trách nhiệm của một số cá nhân có tác động làm sai lệch thông tin hoặc có những chỉ đạo trong kinh doanh của tổ chức niêm yết. Những vi phạm này không chỉ được xác định vai trò của cá nhân mà kết quả hoạt động của tổ chức cũng vi phạm “theo chỉ đạo”

PV:Thực tế vừa qua, đã có một số doanh nghiệp bị cơ quan chức năng hủy niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán với các nguyên nhân khác nhau. Dù chưa biết kết quả cuối cùng như thế nào, tuy nhiên, khi cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc thì rủi ro, thiệt hại mà doanh nghiệp bị hủy niêm yết cũng như các nhà đầu tư có thể phải đối diện là gì, theo Bà?

- NĐ 155/2020/NĐ-CP cũng đã chỉ rõ, chứng khoán bị huỷ niêm yết bắt buộc, nếu đủ điều kiện, vẫn có thể thực hiện đăng ký giao dịch tại thị trường UPCoM (thị trường giao dịch của các công ty đại chúng chưa niêm yết)

- Một điểm cũng cần lưu ý, đối với các cổ đông đang nắm giữ và nhà đầu tư dự định đầu tư vào cổ phiếu bị huỷ niêm yết là việc huỷ niêm yết bắt buộc không có nghĩa là cổ phiếu đó bị đình chỉ khả năng chuyển nhượng

- Rủi ro đầu tiên cho tổ chức niêm yết và cho cả nhà đầu tư là tính hạn chế về thanh khoản của các cổ phiếu này. Việc huỷ niêm yết và chưa đăng ký giao dịch được tại UPCoM làm hạn chế đến tính thanh khoản và cũng dẫn đến nguy cơ giảm giá là hoàn toàn có thể.

- Khi thanh khoản giảm, hoàn toàn có thể dẫn đến tình trạng mất thanh khoản

Hủy niêm yết chứng khoán – Lưu ý nào cho các bên? ảnh 2

PV: Vậy, khi đối diện với tình trạng bị hủy niêm yết bắt buộc, doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư nên làm gì và ứng xử như thế nào để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, theo Bà?

Cần phải thẳng thắn chia sẻ quan điểm của cá nhân, đó là việc bị huỷ niêm yết bắt buộc không phải là “tin mật” từ Sở giao dịch. Để đi đến quyết định huỷ niêm yết bắt buộc, Sở giao dịch đã phải yêu cầu tổ chức niêm yết thực hiện các nội dung liên quan đến điều kiện duy trì niêm yết như công bố thông tin, nộp báo cáo tài chính và nhiều nhiệm vụ khác, nhưng không được đáp ứng từ phía tổ chức niêm yết. Vì vậy, theo tôi, từ phía doanh nghiệp, trước hết xác định nguyên tắc “sai ở đâu, sửa ở đó”, chưa rõ chỗ nào, giải thích chỗ đó. Cụ thể là:

- Trước khi bị ra quyết định huỷ niêm yết bắt buộc, trong khả năng có thể đáp ứng những yêu cầu/giải thích về tình trạng của doanh nghiệp, của cá nhân để giãn hay lùi thời gian huỷ niêm yết

- Khi đã nhận quyết định huỷ niêm yết với những lý do cụ thể, ngay lập tức thực hiện các công việc cần thiết về mặt pháp lý để thực hiện đăng ký giao dịch tại thị trường UPCoM. Trường hợp bị loại khỏi khỏi UPCoM hoặc không đủ điều kiện chuyển về giao dịch tại UPCoM, không có con đường nào khác, cần tiến hành các hoạt động khôi phục lại tình trạng ban đầu để đủ điều kiện tham gia vào UPCoM hoặc và có lộ trình cho niêm yết trong tương lai

Huỷ niêm yết bắt buộc không phải là việc tuyên bố đột ngột để tổ chức niêm yết và các cổ động hiện hữu bất ngờ. Đây là kết quả cuối của cả quá trình.

Xin cảm ơn Bà!

Bài phỏng vấn trên được thực hiện trong khuôn khổ chương trình “Kinh doanh và Pháp luật” do Đài Truyền hình Việt Nam và Công ty Cổ phần Truyền thông ALO (ALO Media) phối hợp thực hiện, với sự hỗ trợ của Tổng Công ty Khí Việt Nam - PV Gas. Chương trình được phát sóng vào 09h00’ Thứ Bảy, phát lại vào 14h00’ Chủ nhật hàng tuần trên Kênh VTV2 - Đài Truyền hình Việt Nam.

Chương trình được cập nhật tại Website: http://kinhdoanhvaphapluat.com/

Kính mời bạn đọc theo dõi!

MỚI - NÓNG
Hàng hoa giấy lại bung nở rực rỡ trên cầu Vĩnh Tuy
Hàng hoa giấy lại bung nở rực rỡ trên cầu Vĩnh Tuy
TPO - Khi bão số 3 (bão Yagi) đổ bộ vào Hà Nội, hàng chục nghìn cây xanh, nhiều công trình tại Hà Nội bị hư hỏng. Hàng hoa giấy được trồng trên cầu Vĩnh Tuy cũng không thoát khỏi bị quăng quật trở nên xác xơ, nhưng sau gần một tháng, hiện những cây này đang bung nở trở lại, rực rỡ sức sống.