Hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời với báo Giao thông

Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh TANDTC trình bày tờ trình về Dự thảo Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện.
Ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh TANDTC trình bày tờ trình về Dự thảo Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện.
TPO - TAND quận 5 vừa ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời với báo Giao thông. Trong khi đó, nhiều thành viên trong Ủy ban Tư pháp Quốc hội khi thảo luận về Dự thảo "Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện", đã đề nghị quy định một cách thận trọng, chặt chẽ, không để các cá nhân, tổ chức lợi dụng.

Như tin đã đưa, Cty TNHH Thành Bưởi (Cty Thành Bưởi) có đơn kiện báo Giao thông về bài báo “Nở rộ xe khách trá hình, né thuế - Muôn kiểu lách luật”, đăng ngày 29/12/2016 cho rằng công ty này “sử dụng xe hợp đồng trá hình”, “lách luật”, “né thuế, phí”. Vụ việc do Tòa án Nhân dân (TAND) quận 5, TPHCM thụ lý.

Nngày 23/3, theo yêu cầu của công ty Thành Bưởi, Thẩm phán TAND quận 5 Đỗ Thị Ngọc Bích ký Quyết định số 72, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo Luật Tố tụng Dân sự.

Theo đó, TAND quận 5 buộc báo Giao thông không đăng tải trên báo mạng, báo giấy hoặc các hình thức báo khác các bài báo mới liên quan đến Công ty TNHH Thành Bưởi về các vấn đề có dấu hiệu "xe hợp đồng trá hình, lách luật, né thuế - phí hay trốn thuế gây thất thu cho Nhà nước" trong quá trình giải quyết vụ án.

Tuy nhiên, đến ngày 28/3, TAND quận 5 đã ra quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời nêu trên.

Hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời với báo Giao thông ảnh 1

Quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với báo Giao thông.

Chiều 29/3, đại diện Báo Giao thông xác nhận đã nhận được thông báo chính thức từ TAND Q.5 về quyết định hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời. Quyết định số 74/2017/QĐ-BPKCTT do thẩm phán Đỗ Thị Ngọc Bích ký ngày 28/3 vừa qua.

“Báo Giao thông cho rằng việc TAND quận 5 hủy bỏ biện pháp khẩn cấp tạm thời vì lý do công ty Thành Bưởi rút đơn yêu cầu, là chưa thỏa đáng. Biện pháp này phải bị hủy vì vi phạm pháp luật, đồng thời ngăn chặn các tiền lệ tương tự…”, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên, đại diện pháp lý báo Giao Thông nêu quan điểm.

Lo biện pháp khẩn cấp tạm thời dễ bị lợi dụng

Ngày 29/3, Uỷ ban Tư pháp Quốc hội đã họp phiên toàn thể để nghe và thảo luận về Tờ trình Dự thảo Luật Biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện. Dự thảo luật này do TAND Tối cao xây dựng. Đây cũng là một nội dung đang được dư luận đặc biệt quan tâm, nhất là sau khi thẩm phán TAND quận 5, TP.HCM ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Báo Giao thông.

Theo Tờ trình của Toà án nhân dân Tối cao (TANDTC) việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là một trong những phương thức hữu hiệu để kịp thời bảo toàn tài sản, bảo vệ chứng cứ, giảm thiểu hậu quả góp phần giải quyết hiệu quả các tranh chấp, xung đột giữa các bên trong các giao dịch dân sự; đồng thời bảo vệ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Theo ông Nguyễn Sơn, Phó Chánh án TANDTC cho hay, hiện nay có nhiều trường hợp các tổ chức, cá nhân phát hiện thấy tài sản, quyền tài sản của mình đang bị xâm phạm. Nhưng vì lý do khách quan mà họ chưa thực hiện được việc khởi kiện ra toà án hoặc họ muốn tự thương lương để giải quyết với nhau trước khi quyết định khởi kiện. Nhiều trường hợp cần toà án hỗ trợ, áp dụng ngay một biện pháp khẩn cấp tạm thời nhằm bảo toàn tài sản, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp.

Tuy nhiên, qua thảo luận, các thành viên trong Ủy ban Tư pháp đề nghị cần phải hết sức thận trọng với quy định trên. Ông Nguyễn Văn Luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, đây là dự án luật quan trọng liên quan đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân. Đây là loại việc mới chưa có thực tiễn nên bước đầu cần quy định thận trọng, chặt chẽ.

Ông Nguyễn Duy Hữu, Chánh án TAND tỉnh Đăk Lắc cho biết: “Trong thực tiễn xét xử, chúng tôi rất thận trọng khi áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời. Bởi biện pháp ấy hạn chế quyền con người, quyền tài sản, quyền cơ bản của công dân. Với lại, nhiều khi được chấp nhận đề nghị áp dụng biện pháp ngăn chặn rồi thì đương sự quên luôn vấn đề chính của mình là vụ án”.

Tương tự, Chánh án TAND Hà Nội Nguyễn Hữu Chỉnh cho rằng, việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời nên giới hạn chỉ trong tố tụng như hiện tại là phù hợp. Chưa kể, nếu cho phép tách việc áp dụng biện pháp ngăn chặn khỏi việc giải quyết vụ án trong tố tụng thì có thể dẫn tới rủi ro là nó dễ bị lợi dụng để các cá nhân, tổ chức phá rối nhau, chứ không phải để giải quyết tranh chấp.

Trả lời Tiền Phong tối 29/3, luật sư Võ Văn Trà thuộc Đoàn luật sư TP.HCM khẳng định thẩm phán Toà án nhân dân quận 5 đã sai khi ra Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với báo Giao thông.

"Báo Giao Thông hoạt động theo Luật Báo chí, họ có quyền viết bài, đưa tin và chịu trách nhiệm về nội dung tin bài mình đã đăng. Nếu thấy báo Giao thông đăng tải thông tin không có căn cứ, gây thiệt hại đến uy tín, làm giảm sút thu nhập của doanh nghiệp, công ty Thành Bưởi kiện ra toà đòi bồi thường, và tất nhiên phải chứng minh được thiệt hại.

TAND quận 5, khi thụ lý vụ việc đã áp dụng Bộ luật tố tụng Dân sự để ra "Quyết định ngăn chặn khẩn cấp tạm thời". Trong khi đó, đối tượng bị áp dụng là một cơ quan báo chí. Vậy nên, khi áp dụng luật tố tụng dân sự cũng phải xem Luật báo chí. "Cấm đăng bài về Thành Bưởi" là vi phạm nghiêm trọng Luật báo chí”"- luật sư Trà nói

Theo luật sư Trà, TAND quận 5 đã sai trong việc vận dụng luật, sai về đối tượng áp dụng khi ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời đối với Báo Giao thông.

Ông Trà cũng nhận định đây là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng dân sự ghi nhận việc một toà án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời bằng việc cấm một tờ báo đăng bài về doanh nghiệp theo yêu cầu của doanh nghiệp và là nguyên đơn trong vụ kiện.

MỚI - NÓNG