'Hút' nhân tài qua thi tuyển, làn gió mới cho văn hóa lãnh đạo

0:00 / 0:00
0:00
TP - UBND TPHCM vừa ban hành đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố. Thi tuyển để thay cho việc đề bạt, bổ nhiệm sẽ tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh và là “làn gió mới” trong lựa chọn những người có đức, có tài.

Theo lộ trình đề án, năm 2022, TPHCM sẽ thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương; năm 2023 thi tuyển thêm chức danh lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện và tương đương. Trong năm nay, TPHCM cần tuyển 13 vị trí tại 6 đơn vị, thời gian thi tuyển vào tháng 11.

Cụ thể, Ban An toàn giao thông cần thi tuyển phó chánh văn phòng. Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần thi tuyển để chọn người cho vị trí phó hiệu trưởng các Trường THPT An Nhơn Tây, Trường THPT Quang Trung, Trường THPT An Nghĩa. Sở Y tế cần thi tuyển cho chức danh giám đốc bệnh viện mắt. Sở Công Thương cần người cho vị trí: Phó trưởng phòng tổ chức, cán bộ; phó trưởng phòng quản lý năng lượng; phó giám đốc trung tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp và phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo Trường Cao đẳng kỹ thuật Nguyễn Trường Tộ. Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM cần thi tuyển người để giữ vị trí Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế và Giám đốc Trung tâm Mô phỏng và Dự báo Kinh tế - Xã hội. Trong khi đó, UBND huyện Hóc Môn cần tuyển người cho phó trưởng phòng quản lý đô thị và phó trưởng phòng tài nguyên và môi trường.

Đối tượng được đăng ký tham gia dự tuyển gồm cán bộ, công chức, viên chức tại TPHCM, không giới hạn đơn vị, nằm trong nguồn quy hoạch của chức danh cần thi tuyển hoặc tương đương. Trường hợp đang giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được dự thi chức vụ cao hơn không quá hai cấp.

Trường hợp cán bộ, công chức không nằm trong quy hoạch của chức danh tuyển chọn nhưng được lãnh đạo cơ quan có thẩm quyền đề cử cũng có thể thi tuyển.

Các ứng viên phải trải qua hai vòng gồm thi viết (180 phút) và thi trình bày đề án (30 phút trình bày và 30 - 40 phút trả lời chất vấn).

Làn gió mới cho văn hóa lãnh đạo

Trước thông tin TPHCM tổ chức thi tuyển đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý, ThS Dương Đức Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Viện, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế và Du lịch đánh giá, đây là nguồn động lực cần thiết đối với những cán bộ, công chức trẻ trong quá trình lao động, cống hiến. Theo anh Minh, những cán bộ lãnh đạo trẻ sẽ có chiến lược đầu tư cho bản thân và kích thích sự khao khát cống hiến, được tham gia vào các vị trí quan trọng để góp phần đẩy nhanh quá trình phát triển bền vững của thành phố.

Bên cạnh đó, việc thi tuyển tạo nên “làn gió mới” cho văn hóa lãnh đạo tiến bộ. Thông qua các đợt thi tuyển lãnh đạo sẽ chọn được người có chuyên môn và năng lực quản lý phù hợp. Đồng thời tạo cơ hội cạnh tranh công bằng, minh bạch cho các ứng viên. “Nếu tận dụng được cơ hội này, ứng viên sẽ phát huy rất tốt năng lực và nguyện vọng cống hiến của mình”, anh Minh nói. Vị cán bộ trẻ này cho biết sẽ nghiên cứu tham gia thi tuyển một chức danh lãnh đạo cấp phòng ban phù hợp tại Sở Du lịch TPHCM khi có cơ hội.

lTheo đề án, hiện tổng số vị trí lãnh đạo, quản lý cấp sở, huyện và tương đương tại TPHCM theo cơ cấu tổ chức được phê duyệt là 268 vị trí, hiện có 234 vị trí; còn khuyết, chưa kiện toàn 34 vị trí.

lNgày 29/9, ông Tăng Chí Thượng, Giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết, người dự thi để làm Giám đốc Bệnh viện Mắt TPHCM phải là bác sĩ chuyên khoa cấp 2 hoặc Tiến sĩ y khoa trở lên.

VÂN SƠN

Chờ đợi kỳ thi đầu tiên diễn ra, bạn Châu Thị Cẩm Vân (sinh viên khoa Lý luận cơ sở, Học viện Cán bộ TPHCM) cho biết, thi tuyển lãnh đạo, quản lý thay vì đề bạt, bổ nhiệm như trước sẽ tạo sự công bằng hơn trong công tác cán bộ, tìm ra người có tài, có đức đảm nhận những vị trí quan trọng, sẽ không còn những trường hợp được đề bạt hay bổ nhiệm là “con ông cháu cha”…

Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh

Ông Tống Phước Lộc, Trưởng phòng Tổ chức - Cán bộ, Sở GD&ĐT TPHCM cho biết, đây là lần đầu tiên sở tổ chức thi tuyển cán bộ quản lý giáo dục. Hiện tại, các Trường THPT An Nhơn Tây, Trường THPT Quang Trung (huyện Củ Chi) và Trường THPT An Nghĩa (huyện Cần Giờ) đang khuyết chức danh phó hiệu trưởng. Do đó, Sở GD&ĐT quyết định tổ chức thi tuyển theo đề án thí điểm thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố, nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý của các đơn vị THPT, đặc biệt là các cơ sở giáo dục ở vùng ven, ngoại thành. “Sau khi thực hiện thí điểm, chúng tôi sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm. Từ đó, sẽ tham mưu để mở rộng đối tượng, tính toán lộ trình thực hiện tiếp trong thời gian tới”, ông Lộc cho biết.

'Hút' nhân tài qua thi tuyển, làn gió mới cho văn hóa lãnh đạo ảnh 1

Việc thi tuyển các chức danh lãnh đạo, quản lý như một cú hích cho người trẻ phấn đấu, cống hiến Ảnh: NGÔ TÙNG

Đây cũng là lần đầu tiên Sở Y tế TPHCM tổ chức thi tuyển tìm người đảm nhận chức danh giám đốc bệnh viện. Theo Sở Y tế TPHCM, việc tổ chức thi tuyển nhằm phát hiện, lựa chọn người vừa có đạo đức và phẩm chất chính trị theo đúng quy định; vừa có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực lãnh đạo, quản lý đáp ứng các yêu cầu thực tiễn.

Ông Lê Hoài Trung, nguyên Phó Giám đốc thường trực Sở Nội vụ TPHCM cho biết, thành phố từng thí điểm thi tuyển lãnh đạo các phòng, ban thuộc Sở. Do có nhiều bất cập, TPHCM chỉ tổ chức thi tuyển tại Sở Tư pháp rồi ngưng, dù nhiều quận huyện đã chuẩn bị đề án thi tuyển. Ông Lê Hoài Trung cho rằng, so với bổ nhiệm, việc tổ chức thi tuyển vẫn tốt hơn. Thi tuyển thì sẽ đảm bảo tính công khai minh bạch, uy tín lãnh đạo trong tập thể sẽ cao…Vấn đề quan trọng là thành phố cần chọn hội đồng chấm thi có năng lực, uy tín, khách quan…Sau thi tuyển, quan tâm theo dõi giúp người trúng tuyển để họ phát huy được năng lực, sở trường...Huy Thịnh

Trong khi đó, theo UBND TPHCM, việc đề bạt, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo, quản lý hiện nay thiếu tính cạnh tranh, chưa tạo được động lực để cán bộ, công chức, viên chức trẻ được đào tạo cơ bản, có năng lực, sáng tạo trong công tác có ý chí rèn luyện, phấn đấu; chưa có sự đột phá trong việc lựa chọn cán bộ trẻ để đề bạt, bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp sở, cấp huyện, cấp phòng và tương đương.

Ngoài ra, đổi mới phương thức tuyển chọn công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý bằng hình thức thi tuyển còn góp phần loại trừ dần tình trạng cục bộ, khép kín trong quy hoạch, bổ nhiệm… H.HUY -

MỚI - NÓNG