Ở đó, cánh báo chí được gặp gỡ nhiều nhân vật thú vị. Ở đó, tôi mấy lần uống bia với nhà thơ Tố Hữu. Để có những bài báo. Để có những kỷ niệm.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Tố Hữu (bìa phải) trong giờ giải lao một phiên họp Quốc hội - Ảnh: Xuân Ba |
Tôi gặp ở mấy dãy bàn nhựa trong giờ giải lao những nhà chức việc bình thường chắc khó gặp bởi ngôi vị phẩm hàm này khác nhưng bên những ly bia kém ga họ khá cởi mở với đám báo chí khi vui lòng giải thích hay trả lời phỏng vấn điều này điều khác. Nhưng xôm nhất có lẽ vẫn là cái bàn có nhà thơ Tố Hữu!
Nhà thơ Tố Hữu, một thời là lương đống quốc gia, từ khi nghỉ hết các việc, ông đâm khỏe và là khách mời thường xuyên của QH. Mùa lạnh, ông com lê màu xám, mũ len, khăn quấn cổ nom trẻ và lành, sải những bước còn vững trong khuôn viên của hội trường.
Nhà thơ Phạm Tiến Duật (làm ở tạp chí, Đối ngoại Hội Nhà văn, được xếp vào danh sách báo chí theo dõi QH) chắc là chỗ quen thân với nhà thơ Tố Hữu ân cần kéo ghế kêu phục vụ mang bia, một anh Lành hai anh Lành... Thế rồi chả hẹn chả quy ước mà nên, chúng tôi nhất loạt gọi nhà thơ bằng... anh! Nghĩ cũng liều.
Tôi gặp ở mấy dãy bàn nhựa trong giờ giải lao của Quốc hội những nhà chức việc bình thường chắc khó gặp bởi ngôi vị phẩm hàm này khác nhưng bên những ly bia kém ga họ khá cởi mở với đám báo chí khi vui lòng giải thích hay trả lời phỏng vấn điều này điều khác. Nhưng xôm nhất có lẽ vẫn là cái bàn có nhà thơ Tố Hữu! |
Một vị làm báo đứng tuổi lựa bữa không có nhà thơ ngồi đe chúng tôi rằng các cậu chớ có gần chùa gọi bụt bằng anh nhá! Hồi tớ bằng lứa các cậu được đứng đằng xa tít mà ngó thoáng qua đã là phúc lắm! Bây giờ quá là thoải mái, một tiêu chí mới của tiến trình dân chủ đấy!
Rồi không biết nghĩ ngợi thế nào ông ngâm nga cái câu trong bài Thu hứng của Đỗ Phủ: Ngư long tịch mịch thu giang lãnh kèm câu dịch rất thần tình (nghe đâu của Từ Diễn Đồng): Rồng nằm bể cạn heo may lắm... Ý rằng khi không gặp nước, rồng phải nằm chỗ cạn thì tôm cá cũng có thể đùa bỡn được!
Nhà nghiên cứu Đặng Minh Phương, nguyên PV Báo Nhân Dân, vui vẻ cự lại, ông chớ có ví cụ Tố Hữu như rồng còn chúng tôi là tôm cá nhá. Cụ rất dân chủ đấy.
Rồi ông trưng ra một chuyện làm bằng cớ. Thời gian ông lo số báo Nhân Dân Tết, trước hàng tháng đã phải đến đặt bài Tố Hữu. Thơ nhưng phải đặt sớm. Lên tận nhà riêng ở Phan Đình Phùng. Cận ngày, nhà thơ đưa bài thơ mà bây giờ nhiều người thuộc bảo cậu đọc trước đi...
Được khuyến khích, là dân Quảng vốn tính thẳng, ông Phương đọc xong nói cái câu Nghé con mày đứng cho ngoan/ Chớ ăn hàng chuối, hàng xoan mới trồng có vẻ không ổn! Xoan mới trồng dẫu là đọt non nhưng đắng lắm, con nghé con dẫu còn ngờ nghệch nhưng theo bản năng nghé không ăn được đâu.
Bí thư T.Ư Đảng gật gù rứa hỉ, rứa hỉ. Rồi nhà thơ hỏi mình thay bằng chữ xô có ổn? Vậy nên câu thơ ấy sau này có khác...
Chưa rõ thi sĩ tuổi trọng nên đằm tính hơn hay cụ rất dân chủ như ông Đặng Minh Phương công bố? Ngồi với chúng tôi, nhà thơ có vẻ vui thực! Vậy nên điệp khúc anh Lành, anh Lành lại có cơ tiếp diễn.
Tôi được tường thêm tại sao nhà thơ lấy tên là Tố Hữu ngoài tên khai sinh là Nguyễn Kim Thành? Rồi cái tên Lành ra đời trong trường hợp nào vv...
Lại có anh tò mò kể lại chuyện vừa được hầu chuyện Đại tướng Võ Nguyên Giáp (bậc khai quốc công thần Võ Đại tướng thời điểm ấy còn khỏe và cũng là khách mời thường xuyên của QH) khi thực hiện bài phỏng vấn với câu hỏi Đại tướng có cảm tưởng gì khi ấy và sau này trước mấy câu thơ của nhà thơ Tố Hữu: Hoan hô đại tướng Võ Nguyên Giáp/Sét đánh ngày đêm xuống đầu giặc Pháp...
Trong tiếng cười vui vẻ, nhà thơ gật gù cười rồi trợn mắt lên nom rất ngộ Anh Văn giống Ông Cụ là chưa hề khen “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên”... bao giờ ! Nhưng cũng được biết thêm khi nghe câu Sông Thao nao nức bồi hồi trong “Ta đi tới” theo gợi ý của Bác, Tố Hữu đã chữa thành Sông Thao nao nức sóng dồi.
Lại có ông bạo hơn nằn nèo nhà thơ cho biết bối cảnh ra đời của bài thơ Nhật ký đường về nổi tiếng (về sau do nhiều nguyên nhân không được phổ biến rộng rãi) trong đó có những câu Sáng rồi rộn rã trong tim/đường về phơi phới cánh chim tung hoành/ Cờ bay Vạn Lý trường thành vv... Qua ông, chúng tôi mới hay bối cảnh ra đời của Nhật ký đường về viết tháng 8-1964.
Ông nói đến Aragông đến Pablô Nêruđa đến Nadim Hícmet... khi những sự thời sự bất ngờ ập xuống cái đầu đa cảm của thi sĩ, khi có người táo gan hơn (giọng có hăng những vẫn có chút dè dặt) hỏi nhà thơ rằng khi viết những câu Thương cha thương mẹ thương chồng/Thương mình thương một thương ông thương mười về cái chết của lãnh tụ Stalin... Nhà thơ bộc bạch như thế có ý gì? Thanh minh chắc chả phải và để tìm những sự đồng cảm này khác nhà thơ có lẽ cũng chả cần?
Không mấy khó khăn, câu thì của các nhà báo nhà thơ, câu thì của mình cùng khung cảnh những cốc bia nhạt nhưng chuyện thì mặn trong những giờ giải lao ấy là thứ hồ cho bài báo Uống bia với nhà thơ Tố Hữu sau đó xuất hiện trên Tiền Phong chủ nhật (TPCN) vào dạo tháng 5 năm 1995.
Không về nhà ngay mà tạt vào một quán nước, tôi vớ lấy cái điếu cày. Nhập nhoạng trong ánh đèn quán cóc, tôi lật bài báo của mình có những dòng đỏ lòe... Tố Hữu chữa rất kỹ, chua cả bằng tiếng Pháp câu mà tôi nhầm lẫn Chim họa mi không hót buổi sáng mà hót ban đêm cùng một số nhầm lẫn khác của vài người từng can dự vào cuộc uống bia... |
Báo ra được ít ngày, đang đi công tác ở miền Trung thì chị Dung thường trực cơ quan nhắn tôi về gấp! Chị nói nguyên văn là nhà thơ Tố Hữu gọi lên.
Hồi ấy không có di động, cũng không có số điện thoại nhà riêng ông Tố Hữu, với lại mải việc, mươi hôm sau tôi mới về Hà Nội và được chị thường trực thông báo thêm là ông Tố Hữu trực tiếp gọi xuống, nhắn lên gấp, giọng có vẻ không vui?
Đó là lần đầu tiên tôi đặt chân đến tư gia nhà thơ Tố Hữu ở 76 Phan Đình Phùng. Không hiểu sao đến cổng, tâm trí cứ vương vất bài viết Xông đất nhà thơ Tố Hữu của Phùng Quán, người có anh em họ hàng vốn gọi ông bằng cậu, in lần đầu trên TPCN.
Kia rồi cây táo già đầu hồi... Vòm nhãn già và phong lan... Thời điểm ông Chào 61 đỉnh cao muôn trượng, khung cảnh khu vườn có thế này không?
Nhà thơ thoải mái trong bộ đồ mặc nhà chỉ chiếc ghế trong phòng khách bảo tôi ngồi. Tôi hiểu ngay ra cơ sự ông khi cầm tờ TPCN bên lề bài báo của tôi có những nét mực đỏ chi chít...
Người phục vụ pha ấm trà. Tớ chỉ trao đổi với cậu hai mươi phút. Oai hỉ? Oách hỉ? Uống bia với nhà thơ Tố Hữu... Ông cười to. Chính cái cười ấy làm tôi dứt ra khỏi những lấn bấn này khác. Trà khá ngon, rất ngon nữa đằng khác. Tôi xin phép ông hút thuốc...
Tôi nhãng ý quên không mang theo máy ghi âm. Nhưng cuộc gặp hôm đó tôi nhớ lúc 5 giờ chiều hơn. Ông bảo 20 phút. Nhưng khoảng 6 giờ 20, tôi mới rời khỏi phòng khách.
Nhà thơ thân mật đưa ra tận sân. Tôi hỏi có phải cây táo... Ông cười Hắn đó! Tặng cậu câu này: Nghĩ thương cây táo già nua. Già còn dâng vị chát chua cho đời... Tôi thuộc ngay.
Không về nhà ngay mà tạt vào một quán nước, tôi vớ lấy cái điếu cày. Nhập nhoạng trong ánh đèn quán cóc, tôi lật bài báo của mình có những dòng đỏ lòe...
Tố Hữu chữa rất kỹ, chua cả bằng tiếng Pháp câu mà tôi nhầm lẫn Chim họa mi không hót buổi sáng mà hót ban đêm cùng một số nhầm lẫn khác của vài người từng can dự vào cuộc uống bia...
Ký giả không những sao chép mà phải đứng cao hơn sự kiện. Có ông gì ở Ba Lan chỉ bằng ký sự, phóng sự mà danh như cồn bởi biết cách thăng hoa nhiều sự kiện. Bỏ lối Á Đông bắt người ta đọc giữa hai hàng chữ. Gọi sự vật bằng cái tên của nó là tốt nhưng phải có trách nhiệm với sự kiện trạng huống mà mình tạo dựng vv... Giọng nhà thơ hôm đó khi đậm khi nhẹ thênh chất Huế.
Chuyện nối chuyện. Hình như không có những lớp lang mạch lạc? Đang bồi hồi những viết lách thời kháng chiến chợt săm soi những ẩu tả dường như đang phổ biến thời nay về hồi ký về cả thơ nữa...
Đang miên man những kỷ niệm chiến khu, chợt nhoàng sang những ngày ở xứ Thanh. Vùng đất mặn Hậu Lộc lắm sâu nặng. Nghèo nhưng như cái tên của nó. Một phần tuổi trẻ của ông đã neo ở Hậu Lộc, Hoằng Hóa của xứ Thanh. Không phải chỉ là việc tìm được người bạn đời...
Nhiều đấy ư em mấy tuổi rồi là nguyên mẫu làm nên bài Mẹ Tơm cả đấy. Tôi ngạc nhiên khi ông ngỏ cái ý sắp tới sẽ về lại Thanh Hóa kỹ hơn và nhờ tôi nói với các anh ở tỉnh thu xếp.
Nghe ông nói, chợt nhớ ra năm 1986, ông đã có chuyến đi hơi kỹ đất Thanh, nhất là vùng Hậu Lộc Cháu con ríu rít vây quanh/ Nhìn ông khách lạ Chú Lành khác mô? (Rồi lại chợt nghĩ thêm trời ơi, ông đi đâu mà chả được mà lại phải qua cái thứ tép riu như tôi? Nhưng sau đó, cũng là chỗ quen biết cả, tôi đã trình vớí anh Mai Xuân Minh, Chủ tịch tỉnh nguyện vọng của nhà thơ Tố Hữu. Mà nghĩ cũng thú khi được hầu nhà thơ Tố Hữu gặp lại vài nguyên mẫu trong những bài thơ viết về xứ Thanh? Các anh ở tỉnh rất sốt sắng đón đợi...)
Mặc dù nhà thơ hơi dị ứng với cái tít bài báo cũ nhưng không hiểu sao tôi cứ tự tin vào sự cãi chày cãi cối của tôi tối ấy rằng cho nó gần gụi thân mật khi nhà thơ Tố Hữu đã thuộc về đời thường, dịp kỳ họp QH năm 1997, trên TPCN có thêm bài Lại uống bia với nhà thơ Tố Hữu.
Ít lâu sau, anh Minh Chủ tịch lâm trọng bệnh qua đời. Nhà thơ Tố Hữu cũng yếu mệt không đến dự các cuộc họp của Quốc hội nữa. Một thời gian sau ông đi chữa bệnh ở nước ngoài. Cho mãi đến cuối tháng 12 năm 2002 ông vĩnh viễn đi xa...
Hụt chuyến vô Thanh là thế!
Trọng đông năm Sửu