Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật (VHNT) tỉnh TT-Huế đã phối hợp cùng gia đình tổ chức chương trình tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ tại TP Huế.
Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy TT-Huế dâng hương tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Ảnh: A.K. |
Ông Phan Ngọc Thọ - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy TT-Huế, cùng lãnh đạo tỉnh Quảng Trị, các địa phương lân cận, nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm, lãnh đạo Sở VH-TT tỉnh TT-Huế, đại diện các ban, ngành địa phương, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều cùng đông đảo văn nghệ sĩ trong cả nước, thân quyến, người dân và người mến mộ đã đến dâng hương, dâng hoa tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Nhà văn Phạm Xuân Nguyên dâng hương tưởng nhớ vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Ảnh: N.V. |
Theo nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc - Chủ tịch Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh TT-Huế, chương trình tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ tại Huế kéo dài đến hết tối 31/7.
Gia đình cùng ban tổ chức đón tiếp khách đến thắp hương, dâng hoa tưởng nhớ tại Hội trường Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh Thừa Thiên-Huế.
Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm (giữa) đến dự chương trình tưởng nhớ. |
Cùng với đó, vào tối 31/7, cũng tại khuôn viên trụ sở Liên hiệp các Hội VHNT tỉnh TT-Huế sẽ diễn ra đêm văn nghệ tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ.
Chương trình sẽ giới thiệu một số tác phẩm thơ, nhạc của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. Đồng thời là dịp để người thân, bạn bè, các văn nghệ sĩ bày tỏ những tình cảm dành cho vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường.
Tro cốt hai vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã được đưa về Huế, sau đó sẽ an táng tại Nghĩa trang nhân dân phía Bắc TP Huế. |
Sáng 1/8, gia đình sẽ đưa tro cốt hai vợ chồng nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ lên an táng tại Nghĩa trang nhân dân phía Bắc TP Huế.
Dự chương trình tưởng niệm, nhà văn Nguyễn Khoa Điềm đã ghi những dòng cảm tưởng đầy xúc động: “Nhớ ngày kháng chiến, cùng ngồi trên núi Kim Phụng, nhìn về Huế. Chúng ta nói với nhau, mong ngày đất nước thanh bình là về với Huế. Hơn 50 năm cứ thế đi mãi. Người Nam kẻ Bắc. Bây giờ anh chị lại về. Nghỉ lại trên những ngọn đồi ngày xưa. Ôm mãi giấc mơ thanh bình cho Huế. Khi lòng mình còn xót xa…”.
Còn theo chia sẻ của nhà văn Nguyễn Quang Thiều: “Chúng tôi, những nhà văn của các thế hệ sau không bao giờ quên được tất cả những gì mà hai con người đức độ và tài năng này đã sống, đã sáng tạo và dâng hiến cho con người, cho đất nước này hôm qua, hôm nay và mãi mai sau. Xin cúi đầu biết ơn và tưởng nhớ”.
Ghi cảm tưởng về nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ. |
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời vào ngày 24/7 sau khi vợ ông - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ mất ngày 6/7.
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937 ở Huế, quê gốc ở Quảng Trị. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, sau đó học thêm bằng cử nhân triết ở Đại học Văn khoa Huế. Ông dạy ở trường Quốc học Huế giai đoạn 1960-1966. Nhà văn tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1978, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.
Không gian tưởng nhớ nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường và nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ tại Huế. Ảnh: N.V. |
Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng là Tổng thư ký Hội VHNT Bình Trị Thiên - Huế, Chủ tịch Hội VHNT Bình Trị Thiên, Tổng biên tập Tạp chí Cửa Việt.
Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT. Ông là tác giả thành công với thể loại bút ký. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Ai đã đặt tên cho dòng sông (viết năm 1981), được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông.
Đông đảo văn nghệ sĩ, lãnh đạo các địa phương, người dân, người mến mộ, thân quyến về dự chương trình tưởng nhớ. Ảnh: N.V. |
Khoảng 12 năm trước, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường cùng vợ là nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ chuyển từ Huế vào TP Hồ Chí Minh sống cùng con gái. Sau cơn tai biến năm 1989, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường liệt nửa người phải ngồi xe lăn. Dù sinh hoạt bất tiện nhưng nhà văn vẫn giữ tinh thần tốt, viết nhiều bút ký, các bài nghiên cứu trên tạp chí.