Được biết, 22 cặp đôi được lựa chọn tham gia đám cưới tập thể lần đầu tiên tại Huế này là công nhân lao động đã gia nhập tổ chức Công đoàn, có hoàn cảnh gia đình khó khăn, phần lớn sinh sống tại các khu nhà trọ công nhân, các vùng nông thôn, mới kết hôn lần đầu theo quy định của pháp luật, có giấy đăng ký kết hôn, với tuổi đời thấp nhất là 20, lớn nhất 45 tuổi. Mỗi cặp đôi dự cưới được LĐLĐ tỉnh tặng 1 cặp nhẫn cưới (bằng 1 chỉ vàng 9999), 2 bàn tiệc mặn, hỗ trợ bánh kem, ảnh cưới lưu niệm, phòng tân hôn, áo cưới cô dâu, xe rước dâu... Ngày tổ chức đám cưới đúng vào dịp kỷ niệm 88 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam.
Trong sáng 28/7, lễ rước dâu cử hành tại trụ sở LĐLĐ tỉnh TT-Huế (số 2 Đống Đa, thành phố Huế). Các cô dâu, chú rể trong trang phục truyền thống áo dài, khăn vành cùng bước lên những chiếc xích lô thực hiện lễ rước dâu trên các tuyến đường đẹp thuộc trung tâm thành phố Huế, qua cầu Phú Xuân, Trường Tiền bắc ngang sông Hương. Điểm cuối của lễ rước dâu “đưa nàng về dinh” là Trung tâm tiệc cưới Nhà Văn hóa Lao động tỉnh TT-Huế.
Tại lễ cưới lần này, những giỏ hoa đẹp và nhiều mâm bánh phu thê – một phần không thể thiếu trong lễ cưới của người Huế - do chính các công nhân lao động gói đã trở thành món quà ý nghĩa dành tặng cho ngày vui của các cặp đôi uyên ương.
Theo bà Nguyễn Khoa Hoài Hương, Chủ tịch LĐLĐ tỉnh TT-Huế, với nhiều tỉnh, thành trong cả nước, việc tổ chức đám cưới tập thể cho công nhân lao động là không mới. Trong khi, tổ chức đám cưới tập thể tại Huế lại là lần đầu, nên khi vận động người thân các cặp đôi ủng hộ đã gặp không ít khó khăn do đặc tính, phong tục vùng miền. Tuy nhiên, đám cưới tập thể mang hơi thở “đời sống mới”, trên tinh thần tiết kiệm, ấm cúng, nhưng không giảm đi yếu tố truyền thống, trang trọng, cuối cùng đã diễn ra thành công, tạo nên nhiều cảm xúc, được nhiều người đồng tình.