Huấn luyện viên nội tại Super League: Khi người ta trẻ

Huấn luyện viên nội tại Super League: Khi người ta trẻ
Đã qua thời huấn luyện viên ngoại khuynh đảo, sân chơi bây giờ chủ yếu thuộc về các nhà cầm quân trẻ. Thành công của Phan Thanh Hùng, Nguyễn Hữu Thắng, Lê Huỳnh Đức hay Hoàng Anh Tuấn thời gian qua là những minh chứng.

> Cuộc đời lang bạt của các ông thầy nội

Từ chuyện “tướng” Chỉnh

Theo dòng chảy bóng đá, một cầu thủ giải nghệ sẽ bắt đầu công việc học hỏi trước khi trở thành thầy. Có thể thời còn thi đấu, cầu thủ có tài năng, đủ sức rung động cầu trường bằng những pha ghi bàn đẹp như tranh vẽ.

Nhưng khi lên vị trí chiến lược gia, thành công không phải nhờ tên tuổi mà bằng lao động cật lực trên sân, lẫn sự vận động trong nội lực một cá nhân với sự nhạy cảm và cơ duyên với nghề.

Cựu danh thủ Đặng Trần Chỉnh từng phát biểu: “Chiếc ghế huấn luyện viên trưởng có 4 chân, cầu thủ giữ mất 3 chân”, để nói lên sự phụ thuộc huấn luyện viên vào học trò.

Ông Chỉnh từng là danh thủ có tiếng của bóng đá Việt Nam những năm 1980 - 1990, nhưng khi dẫn dắt các đội bóng đỉnh cao, ông đều chưa để lại dấu ấn thực sự.

Ngay thời điểm làm “tướng” ở đất Thủ Dầu Một, với không ít ngôi sao nội ngoại có chất, đội bóng của ông Chỉnh vẫn đì đẹt ở giữa bảng xếp hạng. Có thể nghiệm ra rằng, tên tuổi chỉ là bàn đạp, chất lượng cầu thủ cũng cần, song cá tính của huấn luyện viên mới là con số quyết định.

Rất nhiều cầu thủ thành danh thuộc “thế hệ vàng” của bóng đá Việt Nam như Hồng Sơn, Công Minh, Văn Sỹ, Quang Hà... cũng thất bại trên ghế huấn luyện dù nhận được nhiều kỳ vọng.

Sơn “công chúa” dẫn dắt đội bóng Quảng Ngãi vài mùa rồi trở về nghiệp “gõ đầu trẻ”. Văn Sỹ, Quang Hà cũng nắm vài đội chơi ở giải chuyên nghiệp, nhưng dấu ấn để lại chưa đậm.

Bản chất vấn đề nằm ở chỗ Văn Sỹ, Quang Hà, Trần Chỉnh... chưa có được cái uy vũ của một võ tướng. Ngay cả kiến thức, kinh nghiệm cầm quân cũng chủ yếu do người đi trước chỉ vẽ cho người đi sau.

Xét tiêu chí thi tuyển bằng của AFC hay FIFA, huấn luyện viên của Việt Nam còn thiếu rất nhiều hành trang để đạt chuẩn.

Mặt trái của vấn đề còn thể hiện ở chiếc ghế huấn luyện viên trưởng đội tuyển Việt Nam. Đã qua nhiều triều đại, dấu ấn cầm quân của huấn luyện viên nội quá ít ỏi, dù không thiếu những ứng viên đầy triển vọng.

Trong khi Malaysia đang thành công nhờ những huấn luyện viên nội như Rajagopal hay Ong Kim Swee thì nhìn lại bóng đá Việt Nam, thành tích ở đội tuyển quốc gia của các huấn luyện viên bản địa vẫn chỉ là con số 0.

Ngay sau khi huấn luyện viên Falko Goetz bị sa thải, VFF bắt đầu quan tâm hơn đến kế hoạch dùng “chất xám” của thầy nội. Dù muộn vẫn còn hơn không, có lẽ đã đến lúc thầy nội cần phải tranh thủ “cướp cờ” ở đội tuyển quốc gia.

Chính sách cây gậy & củ cà rốt

Những năm bản lề xây dựng bóng đá chuyên nghiệp, sân cỏ nội tràn ngập huấn luyện viên ngoại. Không chỉ thổi làn gió mới, huấn luyện viên ngoại còn mang tư tưởng bóng đá chuyên nghiệp, hơi hướng đào tạo bài bản, chuyên nghiệp cho các đồng nghiệp lẫn cầu thủ nội.

Từ chỗ học việc, các huấn luyện viên nội dần dà chiếm lĩnh đỉnh cao, rồi đẩy dần các đồng nghiệp ngoại ra khỏi băng ghế chỉ đạo.

Kể từ khi huấn luyện viên Henrique Calisto cùng Đồng Tâm Long An vô địch vào các năm 2005 và 2006, dấu ấn của “tướng” nội nổi lên từ Lê Thụy Hải (Bình Dương các năm 2007, 2008), Lê Huỳnh Đức (Đà Nẵng năm 2009), Phan Thanh Hùng (Hà Nội T&T năm 2010) và mới nhất là Nguyễn Hữu Thắng (Sông Lam Nghệ An năm 2011).

“Chiếc ghế huấn luyện viên trưởng có 4 chân, cầu thủ giữ mất 3 chân” - Huấn luyện viên Đặng Trần Chỉnh.

Ông Hải “lơ” vốn cá tính mạnh nhưng lại khéo léo trong việc ứng xử dàn cầu thủ “sao” của Bình Dương. Kết quả của sự gắn kết nhuần nhuyễn giữa chính sách cây gậy và củ cà rốt mang lại danh tiếng, tiền bạc lẫn thành công cho cựu danh thủ này đến tận bây giờ.

Ông Hải là trường hợp cá biệt nhờ kinh nghiệm lẫn độ “quái” từ thời làm cầu thủ, còn những đồng nghiệp trẻ hơn lại đi theo hai hướng rẽ riêng biệt. Phan Thanh Hùng nổi tiếng được học trò thương.

Thời gian lận đận tại Đà Nẵng, ông Hùng nhờ cô con gái dạy tiếng Anh, rồi tự mình đi học để nâng cao tay nghề. Nhất là thời gian làm trợ lý cho ông Calisto tại AFF Cup 2008, ông Hùng học được nhiều thứ để hoàn thiện mình.

Kể từ khi ra Hà Nội T&T, ông Hùng xây dựng lối chơi đẹp mắt, hoa mỹ nhưng không thiếu hiệu quả. Cầu thủ trong đội, đa phần thuộc diện ngôi sao có “số má”, đều thừa nhận thầy Hùng sống tình cảm, luôn nhận được sự ủng hộ của toàn đội.

Bởi thế, qua thành công trong 3 năm qua của Hà Nội T&T, ông Hùng thực sự là cánh tay phải của bầu Hiển.

Huỳnh Đức, Hữu Thắng, Anh Tuấn lại là các huấn luyện viên thiên về dùng “kỷ luật thép”. Năm 2009, Đà Nẵng với dàn cầu thủ đạt độ chín đã vượt qua các đối thủ để lập cú đúp vô địch.

Cựu tiền đạo lừng danh này sẵn sàng dùng “roi vọt” để đưa cầu thủ đi theo ý mình. Huỳnh Đức cũng rất nhạy cảm trong việc thiết lập quan hệ, tranh thủ tình cảm của các yếu nhân.

Hữu Thắng thì sống theo kiểu nghĩa khí giang hồ, trọng hành động, lời nói và dùng quyền uy đàn anh để cảm hóa cầu thủ. Cái “chất” đàn ông phong trần khiến Thắng trở thành anh cả về chuyên môn, tâm lý cho lớp đàn em noi theo.

Thế nên, khi Hữu Thắng trở về, Sông Lam Nghệ An nhanh chóng lấy lại hình ảnh lì lợm, đôi khi máu lửa quá tầm và cũng nhờ đó mà tìm lại ngôi vương sau 10 năm chờ đợi.

Cùng với Thanh Hùng, Huỳnh Đức và Hữu Thắng, Anh Tuấn đã xác lập vị trí “tứ trụ” của huấn luyện viên nội ở sân cỏ Super League. Khánh Hòa không phải đội bóng nhiều tiền của, dàn cầu thủ tứ xứ vốn lắm trò làm loạn.

Ấy vậy mà, Tuấn “con” 6 năm qua vẫn giúp đội bóng phố biển trụ vững với lối chơi đậm chất “ngổ ngáo”. Ở Khánh Hòa, huấn luyện viên là nhân vật số 1, ngay Quang Hải, Tấn Tài, Văn Phong khi ở đội cũng chỉ là số 2, số 3...

Tất nhiên, để có tên tuổi như bây giờ, cả 4 huấn luyện viên ưu tú trên đều không ngừng cầu tiến, học hỏi và tự làm mới mình. Họ luôn biết cách vận động để đảm bảo chiếc ghế mình ngồi không bị học trò nắm cả 3 chân như thời trước.

Bây giờ, Super League tràn ngập huấn luyện viên nội, nhưng phong cách và nội lực của “tứ trụ” bài học để các đồng nghiệp khác nhìn vào vận dụng. Lẽ dĩ nhiên, người biết hòa hợp chính sách “cây gậy & củ cà rốt” sẽ có những thành tựu tốt hơn người đi trước.

Đóng góp lẫn thành công 4 huấn luyện viên Thanh Hùng, Huỳnh Đức, Hữu Thắng hay Anh Tuấn những năm qua khẳng định thương hiệu thầy nội đang trở lại.

Và biết đâu một trong “tứ trụ” sẽ giúp các đội tuyển Việt Nam “hóa rồng” trong năm Nhâm Thìn này?

Choi Yun-kyum đơn độc

Đã qua rồi cái thời huấn luyện viên ngoại tràn ngập sân cỏ Việt Nam, Super League mùa giải 2012 này chỉ còn chứng kiến một nhà cầm quân ngoại duy nhất là ông Choi Yun-kyum, dẫn dắt Hoàng Anh Gia Lai. 13 đội bóng còn lại đều sử dụng huấn luyện viên nội, và đa phần các nhà cầm quân nội đều còn tương đối trẻ.

Theo Thể Thao Văn Hóa
Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG