TPO - HoREA cho rằng, trên thực tế “Bảng giá đất” của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện nay thanh toán cho các dự án BT đều chỉ bằng khoảng 30-50% giá thị trường. Điều này nếu áp dụng cho mọi thửa đất, khu đất như cách làm hiện nay để thanh toán cho dự án BT thì có thể làm thất thoát ngân sách Nhà nước.
Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA), vừa có văn bản góp ý kiến dự thảo Nghị định quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện hợp đồng BT (Xây dựng – chuyển giao) gửi Thủ tướng Chính Phủ, Bộ Tài chính.
Tại văn bản góp ý này, HoREA cho rằng, cách tính giá trị quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư BT theo nội dung dự thảo Nghị định có điểm chưa phù hợp.
Tại văn bản góp ý này, HoREA cho rằng, cách tính giá trị quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư BT theo nội dung dự thảo Nghị định có điểm chưa phù hợp.
Cụ thể, về phương thức tính giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán tương đương với giá trị dự án BT được duyệt. Trong đó, giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán tương đương được xác định tại thời điểm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi bằng (=) Diện tích quỹ đất dự kiến giao nhân (x) với Giá đất theo mục đích sử dụng mới tại Bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành nhân (x) với Hệ số điều chỉnh giá đất để tính thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành".
Căn cứ Luật Đất đai 2013, HoREA nhận thấy phương pháp tính giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán cho dự án BT theo điều khoản trên chỉ đúng trong trường hợp thửa đất thanh toán có giá trị nhỏ (chiếm số ít), trong khi đó đa phần các thửa đất, khu đất thanh toán cho dự án BT có giá trị rất cao.
Theo HoREA, đất thanh toán cho dự án BT chỉ bằng 30-50% giá thị trường
Theo HoREA, do những bất cập trong Luật Đất đai 2013 về cơ chế hình thành "Khung giá đất", "Bảng giá đất" nên trên thực tế, "Bảng giá đất" của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hiện nay đều chỉ bằng khoảng 30-50% giá thị trường.
Do vậy, nội dung này của dự thảo nếu được thông qua và áp dụng cho mọi thửa đất, khu đất như cách làm hiện nay để thanh toán cho dự án BT thì có thể làm thất thoát ngân sách nhà nước.
Văn bản góp ý của HoREA cũng nêu rõ, theo công tác thực thi pháp luật về quy trình, thủ tục định “Giá đất cụ thể” của các dự án hiện nay còn rất nhiều bất cập, không minh bạch, tạo ra tệ “xin – cho”, nhũng nhiễu, tiêu cực, “cưa đôi, cưa ba”, làm thất thoát ngân sách. Vì vậy, cần phải có cơ chế để kiểm soát, ngăn chặn trong quá trình xác định giá trị quỹ đất thanh toán cho dự án BT.
Từ những điểm chưa phù hợp trên, HoREA cho rằng cần sửa nội dung này của dự thảo nghị định theo hướng, giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán tương đương với giá trị dự án BT hoặc giá trị dự án BT được thỏa thuận thanh toán theo giai đoạn được duyệt.
Trong đó, giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán tương đương được xác định tại thời điểm phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi bằng phương pháp xác định giá đất cụ thể theo quy định của pháp luật đất đai.
Về lâu dài, để đơn giản hóa thủ tục hành chính, đảm bảo tính minh bạch và nguyên tắc xác định giá đất cụ thể phù hợp với giá thị trường thì theo HoREA cần phải sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013 theo hướng Chính phủ không ban hành khung giá đất mà giao toàn quyền cho cấp tỉnh ban hành "bảng giá đất".
"Bảng giá đất" này được điều chỉnh hàng năm bằng hệ số điều chỉnh giá đất (hệ số k). Để đảm bảo nguyên tắc giá đất phù hợp với giá thị trường, thì có thể áp dụng nội dung tính giá quỹ đất thanh toán cho dự án BT theo phương thức giá trị quỹ đất dự kiến thanh toán tương đương với giá trị dự án BT được duyệt.
Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ có cơ chế để phát huy vai trò của "Tổ chức phát triển quỹ đất" thực hiện "chức năng tạo lập, phát triển, quản lý, khai thác quỹ đất; tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; tổ chức thực hiện việc đấu giá quyền sử dụng đất và thực hiện các dịch vụ khác" để phát triển quỹ đất theo quy hoạch, đấu giá công khai quỹ đất tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước để thực hiện các công trình cơ sở hạ tầng, trong đó có dự án BT, để việc thanh toán theo hình thức hợp đồng BT trở về đúng bản chất thanh toán "hàng - tiền", chứ không phải thanh toán kiểu "hàng - hàng" như hiện nay.
Mới đây, Bộ Tài chính có công văn gửi các Bộ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hướng dẫn thực hiện tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 1/1/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư theo hình thức BT có hiệu lực thi hành nhằm tránh lãng phí nguồn lực đất đai, thất thoát ngân sách nhà nước.
Trước đó, trao đổi với báo chí, GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, về nguyên tắc, quỹ đất đối ứng và giá trị tiền sử dụng đất chỉ được xác định sau khi dự án BT hoàn thành và bàn giao.
Tuy nhiên, hầu hết dự án BT hiện nay tiền sử dụng đất đã được tạm tính ngay tại thời điểm ký hợp đồng để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện song song cả 2 dự án BT và dự án khác đối ứng. Khi dự án hoàn thành, lẽ ra phải thực hiện kiểm toán kỹ thuật và kiểm toán tài chính để xác định chính xác chất lượng, giá trị, làm cơ sở cho việc thanh toán bằng đất. Song thực tế, chưa có dự án BT nào được kiểm toán mà chỉ là quyết toán. Vì vậy rất dễ phát sinh thất thoát nguồn lực về đất đai.
Tuy nhiên, hầu hết dự án BT hiện nay tiền sử dụng đất đã được tạm tính ngay tại thời điểm ký hợp đồng để tạo điều kiện cho nhà đầu tư thực hiện song song cả 2 dự án BT và dự án khác đối ứng. Khi dự án hoàn thành, lẽ ra phải thực hiện kiểm toán kỹ thuật và kiểm toán tài chính để xác định chính xác chất lượng, giá trị, làm cơ sở cho việc thanh toán bằng đất. Song thực tế, chưa có dự án BT nào được kiểm toán mà chỉ là quyết toán. Vì vậy rất dễ phát sinh thất thoát nguồn lực về đất đai.
Nguyên nhân chính dẫn tới những bất cập này, theo GS Đặng Hùng Võ nằm ở việc xây dựng pháp luật cho cơ chế đổi đất lấy hạ tầng quá lỏng lẻo, khung pháp lý chưa phù hợp nên để lại quá nhiều khoảng trống, tạo ra nguy cơ tham nhũng. Ông Võ cho rằng, ở những nơi phát triển đô thị mạnh như Hà Nội và TPHCM nên dừng hoàn toàn việc đổi đất lấy hạ tầng, thay vào đó là cơ chế đấu giá đất, lấy tiền để xây dựng hạ tầng.
Theo phân tích của một chuyên gia địa ốc, mấu chốt của việc thất thoát tài sản công tại các dự án BT nằm ở “lỗ hổng” về cơ chế chỉ định nhà đầu tư, bởi hầu hết là chỉ định thầu. Do đó, theo vị này, nếu chưa giải quyết được thực trạng thân hữu, lợi ích nhóm, thì không nên thực hiện đầu tư theo hình thức BT tràn lan.