Hợp “xiếc” xuất khẩu xiếc

TP - Kể từ thời ông Vũ Ngoạn Hợp làm giám đốc Liên đoàn xiếc, Xiếc Việt mới xuất hiện đều trên các sân khấu quốc tế. Vở “Làng tôi” đang đình đám hiện nay có công “trải chiếu hoa” của ông Hợp. Người trong nghề còn cho rằng: không có NSND Vũ Ngoạn Hợp, chưa chắc có “Làng tôi”.
Hợp “xiếc” xuất khẩu xiếc ảnh 1

Tranh: Nguyễn Văn Hổ.

Câu chuyện Tây du

Năm 2003, ông Vũ Ngoạn Hợp bắt đầu làm giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam. Đó cũng là thời điểm tản văn “Để bóp “gần” chết lòng yêu nghề” của Phan Thị Vàng Anh (bút danh Thảo Hảo) ra đời. Câu chuyện vắng vẻ của sân khấu và mức thu nhập bèo bọt của diễn viên gần như là tình trạng chung của các ngành nghệ thuật truyền thống lúc bấy giờ. Để tìm ra một lối mới, ông Hợp tìm cách ra ngoài biên giới, xem các nghệ sĩ thế giới họ “cựa quậy” thế nào! Ông cho rằng: “xuất khẩu” xiếc là việc dễ dàng hơn các bộ môn nghệ thuật khác, bởi giống như hội họa, nó không cần phiên dịch, bớt đi một công đoạn lắm nhiêu khê và rào cản.

Festival Xiếc quốc tế đầu tiên mà ông Hợp tham gia diễn ra ở Nga. Lúc ấy còn chưa biết: bạn mời nhưng mình phải lo toàn bộ chi phí ăn ở, đi lại. 100 đô la một đêm khách sạn ở Matxcơva hồi ấy là vốn liếng đầu tiên để ông nhìn ra cách đi mới cho xiếc. Nó cần một cách thức thể hiện khác, thậm chí là một nghệ thuật tổng thể. Khán giả cũng không còn muốn chỉ ngồi thụ động xem và… khâm phục diễn viên. Họ muốn nghe, muốn nhìn, muốn tưởng tượng, thậm chí muốn tham gia…

Hầu như sau đó, các Festival Xiếc quốc tế đều có mặt ông Hợp. Càng đi, con đường mở ra càng rõ ràng. Về nước, ông bắt đầu chuyển đổi các kịch bản xiếc, đẩy nó vào những tích truyện khác nhau: Đám cưới chuột, Sơn Tinh Thủy Tinh, Alibaba và bốn mươi tên cướp, Phiên chợ Ba Tư v.v… Khán giả quay lại rạp. Các vở diễn có 300-400 suất là thường.

Xiếc Tây làm người ta mãn nhãn với những động tác khó và yêu cầu cao về thể lực,  ông Hợp quyết định: xiếc ta phải đi một con đường khác: mềm dẻo, tinh tế và khác biệt bằng chính những câu chuyện văn hóa bản địa. Đó cũng là manh nha đầu tiên cho hướng đi của vở xiếc “Làng tôi”.

Hợp “xiếc” xuất khẩu xiếc ảnh 2 NSND Vũ Hợp (người đứng).

“Tây thích ta chê”

Trong một lần dự Festival Xiếc, ông Vũ Ngoạn Hợp gặp nhạc sĩ Nguyễn Nhất Lý. Hợp chuyện về xiếc, về cách đổi mới, ông Hợp mời êkip của Nhất Lý về Việt Nam hợp tác dựng vở. 200 triệu đầu tư là toàn bộ cố gắng của ông Hợp – đại diện cao nhất của Liên đoàn Xiếc khi đó. Ngoài ra, để tập trung dàn dựng – phiên bản đầu của “Làng tôi” gồm 100 diễn viên, cũng ông Hợp là người phải chịu trách nhiệm bỏ đi một số tiết mục xiếc truyền thống để tập trung diễn viên tham gia chương trình. Cái làng bé nhỏ và nghèo khó ấy, tất nhiên, long đong từ đầu. Năm 2005 nó trình làng, chỉ được biểu diễn 6 buổi rồi cất kho. Ông Hợp đứng mũi chịu sào, hứng “từng rổ lời chê”. Có quan chức còn nâng cao quan điểm khi thấy cảnh nông dân khom lưng cấy mạ tái hiện trên sân khấu: “thời nào rồi mà dân mình còn quỳ gối khom lưng”… Những nhận xét kiểu như: “phá xiếc truyền thống”, “thế mà là xiếc ư”… nhiều vô kể. Ngay chính anh em trong nghề cũng chê trách khi chương trình không thành công về mặt doanh thu như mong đợi.

Đến năm 2009, một nhà đầu tư người Pháp quyết định bỏ vốn để tinh giản hóa và hoàn thiện “Làng tôi”. Đó là những tháng ngày “vui sướng nhất của anh em diễn viên xiếc”. Trong ký ức của những người tham gia êkip “Làng tôi”, lúc đó: toàn bộ diễn viên như được dùng dopping, cả ngày họp, tập rồi đi điền dã tìm cảm hứng, tìm nguyên liệu, học cách chằng, buộc tre nứa kiểu cổ xưa… Cát xê vẫn ít nhưng khiến người ta mê say là vì đã nhìn ra một hướng đi mới, xiếc có thể sẽ không “chết” như nhiều dự đoán.

Sau đó, vở xiếc này đi đường vòng: ra quốc tế, lưu diễn suốt ba năm quanh châu Âu và châu Á. Giá trị của nó được khẳng định ngay sau mười suất diễn ở Viện bảo tàng Quai Branly tại Paris. Tất cả những tờ báo lớn như: Le Monde, The guardian,  L’express v.v… đều dành cho “Làng tôi” những lời có cánh. Ở Việt Nam, ông Hợp vẫn chịu số phận của một người tiên phong.

Hợp “xiếc” xuất khẩu xiếc ảnh 3 Ông Vũ Hợp chụp ảnh cùng chủ tịch hiệp hội Ảo thuật Quốc tế tại Festival ảo thuật quốc tế (Thái Lan).

“Mình không làm thì ai làm”

Sau đó ít lâu, NSND Vũ Ngoạn Hợp còn tiếp tục gây tranh cãi khi kết hợp xiếc với chèo và ảo thuật trong trích đoạn “Thị Màu lên chùa”. Lần này, đích thân ông dựng kịch bản và biểu diễn. Chương trình vừa công bố, những cuộc điện thoại “khủng bố” đã réo liên tục. Người ta chất vấn: vì sao ông “cắt đầu Thị Màu”, “cho ảo thuật vào chèo thì thành ra tạp kỹ, còn gì là chèo”, bảo ông là “sáng tạo thành tối tạo”, “phá chèo, phá cả xiếc”... Sau này, NSND chèo Thanh Ngoan cho rằng: “cách làm của anh Hợp là một gợi ý để chúng tôi làm mới chèo”.

Những vở xiếc ăn khách sau này như Ionah cũng ít nhiều đều có bóng dáng ông Hợp trong đó. Người chê cứ chê, ông có sự kiên định của mình: nếu không thử tìm cách phá cách, làm mới, thay đổi, vậy thì chẳng mấy xiếc sẽ bị đào thải. Thay bằng ngồi viết đề án và kêu gọi khán giả phải đến rạp, thì cứ làm gì đó đi!

Ông Hợp có hai tham vọng: một là đào tạo khán giả cho các môn nghệ thuật truyền thống. Ông bảo: đây đáng lẽ là việc của nhà nước, nhưng mà chờ lâu quá, thôi thì tôi tự làm. Việc dạy học này đang xúc tiến và trong quá trình hoàn thiện, chỉnh sửa. Theo ông Hợp: người ta hiểu được mới yêu được!

Việc thứ hai là thành lập một Trung tâm tìm kiếm đào tạo tài năng nghệ thuật. Việc này xuất phát từ sự “liên tài” với những nghệ sĩ cùng lứa. Nghệ sĩ biểu diễn, khi về già đều sống rất khó khăn và “phí hoài”. Trung tâm của ông Hợp, nếu thành lập được, sẽ quy tụ tất cả nghệ sĩ gạo cội của các bộ môn nghệ thuật, để họ có cơ hội truyền lại những tinh hoa đã tích lũy cả một đời. Anh em nghệ sĩ nghe đến đề án này đều ủng hộ nhiệt tình, cả về nhân lực, vật lực, song vẫn đang vướng mắc về khâu giấy tờ.

NSND Vũ Ngoạn Hợp tiếp tục gây tranh cãi khi kết hợp xiếc với chèo và ảo thuật trong trích đoạn “Thị Màu lên chùa”. Đích thân ông dựng kịch bản và biểu diễn. Chương trình vừa công bố, những cuộc điện thoại “khủng bố” đã réo liên tục. Sau này, NSND chèo Thanh Ngoan cho rằng: “cách làm của anh Hợp là một gợi ý để chúng tôi làm mới chèo”.

 

Tiết mục tủ đều do học lỏm

Hợp “xiếc” xuất khẩu xiếc ảnh 4 Chương trình xiếc "Làng tôi".

NSND Vũ Ngoạn Hợp sinh năm 1959, học xiếc từ năm 13 tuổi. Ông kể: suốt mấy chục năm làm nghề, chưa khi nào chán, kể cả những thời gian khó khăn nhất cát-xê chỉ đủ mua bát phở, phải đi làm đủ việc chân tay để kiếm sống.

Các tiết mục ông từng thành công gồm có: xà bay, hề, tung hứng, ảo thuật, thăng bằng nhào lộn dưới dất... Từ cổ tới chân tay ông chưa chỗ nào thoát khỏi số phận phải bó bột. Di chứng để lại, bây giờ chớm đông ông đã phải đeo dụng cụ bảo vệ khớp, nhưng “đó là thường, ai theo nghề xiếc cũng vậy”.

Một trong những tiết mục tủ “thăng bằng trên con lăn” là do ông học lỏm. Khi đó, trong một khóa học ngắn ở Nga, ông học đu xà bên cạnh một cặp đôi học con lăn. Chỉ từ việc quan sát đồng nghiệp tập luyện, ông nắm được kỹ thuật cơ bản. Về nước, mang được một cái xe Sputnik, đáng lẽ phải dùng để “đổi đời” thì ông mang bán chợ giời, lấy tiền mua nhôm vụn vào làng Ngũ Xã thuê thợ đúc con lăn. Hàng tháng trời cùng thợ thử nghiệm, các con lăn đủ cứng, đủ dẻo mới xuất xưởng. Lại kỳ công mang đến khu tập thể Bách Khoa thuê người tiện thành ống. Bộ con lăn ấy theo ông trọn mấy chục năm làm nghề xiếc, mang về rất nhiều huy chương bạc, vàng ở các kỳ liên hoan.

Về sau, ông Hợp rất giỏi làm ảo thuật, cũng đều là do tự mày mò, học mỗi nơi một tí, không có trường lớp, giáo trình cụ thể nào. Về hưu, rất nhiều anh em bạn yêu cầu ông mở lớp dạy ảo thuật để thư giãn. Lớp này, lúc nào cũng đông và “kiếm tiền dễ hơn làm xiếc nhiều”, thế nhưng xiếc mới là “tình yêu bền vững”. Bây giờ, đã thôi diễn hàng chục năm, nhưng mỗi lần vào rạp, ông Hợp kể: chỉ cần nhạc hiệu của tiết mục xiếc nổi lên là người đã “run bần bật” vì xúc động.

MỚI - NÓNG