Hợp tác công tư trong các dự án cơ sở hạ tầng:Phơi lộ thực trạng thiếu minh bạch

Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí có giá trị xử lý tài chính bằng 11% giá trị được kiểm toán
Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí có giá trị xử lý tài chính bằng 11% giá trị được kiểm toán
TP - Quá trình thanh tra tại một số địa phương có số lượng dự án PPP và quy mô dự án PPP lớn nhất cả nước phơi bày một thực trạng rất thiếu minh bạch. 100% các địa phương được thanh tra tại thời điểm thanh tra đều không thực hiện công bố danh mục dự án theo quy định; bằng cách nào đó, việc lấy ý kiến và công bố danh mục đã không được triển khai.

Sáng 4/12, Hội nghị Khu vực lần thứ 10 Sáng kiến chống tham nhũng khu vực Châu Á- Thái Bình Dương tiếp tục với “Cuộc họp mạng lưới liêm chính công”. Theo đó, vấn đề phòng ngừa tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng vẫn là chủ đề thảo luận xuyên suốt của ngày làm việc thứ hai.

100% địa phương được thanh tra không công bố danh mục dự án

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ - Nguyễn Văn Thanh nhận định, việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đang là ưu tiên của nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia, vùng lãnh thổ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Theo đó, tỷ lệ GDP hằng năm rất lớn cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng kéo theo những quan ngại chính đáng về tính liêm chính của các dự án đó.

Với quy mô vốn lớn và dòng chảy của vốn trong các dự án đầu tư xây dựng thường được phân bổ thông qua nhiều giao dịch, các rủi ro liên quan đến sự can thiệp trái phép của nhà nước… dẫn đến việc kiểm tra, giám sát tính liêm chính trong các dự án còn gặp nhiều khó khăn.

Trao đổi tham luận tại hội nghị, ông Lê Quốc Đạt, phó Chánh thanh tra Bộ KH&ĐT đã thẳng thắn chỉ rõ nguy cơ trong các dự án cơ sở hạ tầng đầu tư theo hình thức hợp tác công tư PPP.

Vị phó Chánh thanh tra nhấn mạnh, quá trình thanh tra tại một số địa phương có số lượng dự án PPP và quy mô dự án PPP lớn nhất cả nước phơi bày một thực trạng rất thiếu minh bạch: “100% các địa phương được thanh tra tại thời điểm thanh tra đều không thực hiện công bố danh mục dự án theo quy định. Một vài địa phương thực tế đã hoàn thành việc xây dựng danh mục, nhưng bằng cách nào đó, việc lấy ý kiến và công bố danh mục lại không được triển khai”.

Theo ông Đạt phân tích, vì không phải công khai, nhà đầu tư không có động lực để tham gia các dự án trong danh mục do cơ quan quản lý nhà nước lập mà tự đề xuất để tối ưu hóa các lợi ích của mình ngay từ khi lập đề xuất dự án. Và trên thực tế, tất cả dự án PPP được Bộ KH&ĐT thanh tra trong giai đoạn này đều do nhà đầu tư đề xuất và có tổng mức đầu tư (cơ sở để xác định giá trị hợp đồng dự án PPP) cao hơn nhiều so với giá trị công trình phải thực hiện.

Miếng phô mai trước hang chuột?

Ông Lê Quốc Đạt cho rằng, trong bối cảnh thiếu công khai, minh bạch và chỉ định nhà đầu tư thì nhà đầu tư luôn có xu hướng đẩy cao tổng mức đầu tư xây dựng công trình khi lập đề xuất dự án.

“Một số dự án PPP khi được thanh tra, kiểm tra có suất đầu tư cao hơn đến 50% suất đầu tư theo quy định. Hay như dự án BOT 1 quốc lộ ban đầu được lập dùng nguồn vốn ngân sách nhà nước; sau khi giảm quy mô (bớt đi một số hạng mục không thực hiện) và chuyển sang hình thức BOT thì tổng mức đầu tư xây dựng lại tăng thêm 75%” - ông Đạt nêu ví dụ.

Qua rà soát, kiểm tra, thanh tra dự án PPP, Thanh tra Bộ KH&ĐT đã chỉ rõ những “vấn đề” trong quy hoạch, kế hoạch như: dự án không có trong kế hoạch sử dụng đất 5 năm, quy hoạch sử dụng đất 10 năm; không có trong kế hoạch trung hạn dù sử dụng một phần vốn ngân sách nhà nước… nhưng vẫn được phê duyệt. Thậm chí có dự án chưa được phê duyệt, chưa xác định được hiệu quả đầu tư và tính khả thi nhưng đã được ứng trước tiền ngân sách (phần vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ) để thực hiện.

“Cá biệt, có dự án BOT một tuyến quốc lộ đề xuất và được ngân sách nhà nước hỗ trợ bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ để hoàn trả một tuyến đường tỉnh lộ với lý do tuyến đường này bị xuống cấp vì dùng vận chuyển vật liệu phục vụ thi công cho chính dự án. Nhưng kiểm tra hiện trường thấy tuyến đường này không phục vụ thi công và cũng không liên quan gì đến dự án BOT” - ông Đạt dẫn chứng nguy cơ tham nhũng hiện hữu.

Từ kết quả kiểm toán những dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, TS. Hoàng Phú Thọ, Kiểm toán trưởng KTNN chuyên ngành IV cũng đã chỉ rõ những sai sót, tồn tại từ công tác lập, phê duyệt dự án cho đến quản lý chi phí đầu tư, chất lượng công trình.

Tại cuộc họp, ngoài việc đưa ra đánh giá về nguy cơ tham nhũng, trục lợi chính sách trong các dự án cơ sở hạ tầng, các đại biểu cũng phân tích những nguyên nhân và bài học kinh nghiệm thực tiễn tốt trong ban hành và triển khai thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng trong các dự án cơ sở hạ tầng. Đồng thời đưa ra những khuyến nghị mang tính giải pháp đồng bộ và toàn diện để tăng cường tính liêm chính trong các dự án cơ sở hạ tầng ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, góp phần hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững ở khu vực.

Kết quả kiểm toán 8 dự án BOT trong năm 2018, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị giảm thời gian thu phí hoàn vốn của 7/8 dự án là 16,2 năm so với phương án tài chính ban đầu và giảm giá trị đầu tư 1.059 tỷ đồng. Trong đó có dự án tỷ lệ xử lý lớn như dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 18 đoạn Bắc Ninh - Uông Bí  với giá trị xử lý tài chính bằng 11% giá trị được kiểm toán.

MỚI - NÓNG