Theo Bộ Y tế, dịp này chỉ ghi nhận 66 trường hợp mắc COVID-19 tại 20 tỉnh, thành và không ghi nhận ca tử vong. Đến nay, cả nước có 11.526.348 ca mắc; 10.612414 người khỏi bệnh (chiếm 92% số mắc). Hiện chỉ có 3 bệnh nhân COVID-19 nặng đang điều trị tại các cơ sở y tế; Đến nay Việt Nam đã ghi nhận 43.186 ca tử vong.
Tổng số ca tử vong xếp thứ 26/230 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 139/230 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 7/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 21/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 3 ASEAN).
Bộ Y tế đánh giá các dịch bệnh khác cũng đang được kiểm soát, không ghi nhận ổ dịch lớn trong cộng đồng, không ghi nhận trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.
Trong 6 ngày Tết Quý Mão 2023, các bệnh viện đã thực hiện khám, cấp cứu cho trên 312.000 người bệnh; có trên 144.000 người bệnh nhập viện, điều trị nội trú; thực hiện gần 16.500 ca phẫu thuật các loại (trong đó có 3.627 ca phẫu thuật do tai nạn, cấp cứu); có 2.337 người bệnh tử vong.
Bác sĩ khám bệnh nhân cấp cứu sáng ngày 26/1 tại BV Việt Đức. |
Tổng số bệnh nhân điều trị tại các cơ sở khám, chữa bệnh đến ngày 26/1 là 116.648 người. So với cùng kì Tết Nhâm Dần 2022, số ca nhập viện liên quan đến tai nạn giao thông tăng 15,6%; số ca tử vong do tai nạn giao thông giảm 3,6%.
Số ca khám, cấp cứu do tai nạn pháo nổ tăng 52,7%. Số ca khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ khác tăng 25,9%.
Số ca cấp cứu tai nạn đánh nhau cũng tăng 0,7%; số ca tai nạn do đánh nhau phải nhập viện tăng 1,9%.
Tuy nhiên theo Bộ Y tế, số ca khám, cấp cứu tai nạn do sinh hoạt, lao động giảm 16%, nhập viện điều trị tăng 25%.
Bộ Y tế cũng thông tin cụ thể về tai nạn giao thông. Theo đó, có 9.716 trường hợp phải nhập viện điều trị chiếm 36,8% trong tổng số khám, cấp cứu liên quan đến tai nạn giao thông, tăng 1.312 ca so với cùng kì Tết Nhâm Dần 2022.
Đã có 217 trường hợp tử vong do tai nạn giao thông, bao gồm cả tử vong trên đường đến bệnh viện và tiên lượng tử vong xin về, giảm 8 ca so với cùng kì năm ngoái.
Tai nạn do pháo nổ, vũ khí, vật liệu nổ: ghi nhận 403 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, nhiều hơn 139 ca so với cùng kì Tết Nhâm Dần 2022 (264 ca); không có ca tử vong. Có 34 trường hợp cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế, ghi nhận 2 trường hợp tử vong.
Tai nạn do đánh nhau: có 3.041 ca cấp cứu tai nạn do đánh nhau, chiếm 1% trong tổng số cấp cứu của các bệnh viện, 43% trong số đó (1.318 ca) phải nhập viện điều trị/theo dõi và đã có 10 trường hợp tử vong.
Tai nạn do sinh hoạt, lao động: ghi nhận 11.964 trường hợp khám, cấp cứu do tai nạn sinh hoạt, lao động, chiếm 4,6% trong tổng số khám, cấp cứu bệnh viện, trong đó 19 trường hợp tử vong (giảm 12 trường hợp tử vong so với Tết Nhâm Dần 2022).