Hơn 90% độc giả mạng bỏ Times vì phải trả tiền

Hơn 90% độc giả mạng bỏ Times vì phải trả tiền
TPO - Báo mạng vẫn sống nhờ quảng cáo, trừ một số ngoại lệ. Một trong những ngoại lệ đó là Rupert Murdoch - ông trùm truyền thông quốc tế, người đã áp dụng việc thu lệ phí đối với những người muốn truy cập vào Times và Sunday Times từ đầu tháng 7/2010 vừa qua.
Hơn 90% độc giả mạng bỏ Times vì phải trả tiền ảnh 1

Hầu hết độc giả vẫn không sẵn sàng trả tiền để đọc báo mạng.

Với phí phải trả 2 bảng Anh một tuần mà hầu hết các độc giả  của những tờ này đã bỏ đi.

Tờ Times của Anh đã đánh mất hơn 90 % độc giả mạng, khi sau hai tuần thử nghiệm chế độ đăng kí, ngày 1/7/2010 họ công bố bãi bỏ truy cập miễn phí và bắt đầu thu lệ phí.

Mô hình thu lệ phí báo mạng này được ông Murdoch nghiền ngẫm từ đã lâu. Chính ông cũng nhiều lần kịch liệt phản đối các nhà cung cấp mạng trên cơ sở miễn phí, ví dụ Google News…

Để đọc những bài báo được giấu sau bức tường trả tiền (paywall) độc giả cần trả 1 bảng Anh mỗi ngày, hoặc hai bảng cho một tuần. Tờ báo giấy Times - xuất bản hàng ngày với số lượng nửa triệu bản tại Anh- có giá 1 bảng, còn giá của tờ Sunday Times là 2 bảng. Như vậy độc giả có thể tiết kiệm 6 bảng một tuần khi sử dụng báo mạng so với việc đọc báo giấy hàng ngày. Tuy nhiên hầu hết độc giả lại suy nghĩ một cách khác.

Lượng độc giả mạng của Times chỉ còn lại ngang với một tờ báo cấp huyện

Thứ hai vừa qua (19/7) tờ Editor & Puplisher dựa theo phân tích lưu lượng truy cập của hãng Experian Hitwise viết rằng sau hai tuần áp dụng thu lệ phí, số lượng người truy cập vào các trang của Times và Sunday Times đã giảm 66% so với thời kì miễn phí.

Tờ Guardian- một trong những đối thủ lớn của Times trên thị trường báo chí Anh còn đưa ra kết quả tồi tệ hơn nhiều. Theo bản tin ngày thứ ba (20/07) chỉ 1/4 số lượng người truy cập đăng kí trả tiền. Theo một số liệu khác Times online nay chỉ chiếm 4,16% thị trường so với 15% trước đó. Cùng với số lượng bạn đọc thời miễn phí của Times online là 1,22 triệu, tờ Guardian tính ra rằng số lượt truy cập của tờ báo này đã giảm 93% so với tháng 5.

Tờ Beehivecity cho biết thêm trong hai tuần, khi vẫn có thể đọc miễn phí nhưng phải đăng kí, có chừng 150.000 người ghi danh. Nhưng trong số đó chỉ 15.000 người chấp nhận trả tiền, con số này tương đương với số độc giả của một tờ báo cấp huyện. Điều gây không ít ngạc nhiên là cũng khoảng chừng đó, có tới 12.500 người đăng kí trả tiền dịch vụ Times iPades.

Hệ quả khác là việc thu phí ở Times online đã đem lại lợi nhuận không nhỏ cho các đối thủ : số lượng truy cập Telegraph tăng 11%, và của Guardian là 5%.

Murdoch vẫn lãi

Chưa thể biết được việc đưa mô hình thu lệ phí báo mạng sẽ có ảnh hưởng tới ấn bản báo giấy thế nào. Nhưng chắc chắn rằng với số lượng 500.000 bản in như bây giờ đã bị tụt hơn 14% so với năm ngoái. Murdoch, chủ sở hữu Times - qua công ty truyền thông mẹ lớn thứ hai trên thế giới News Corporation và nằm trong đó là News Internation- đã dự kiến tăng trưởng doanh thu đáng kể với mô hình thu lệ phí từ năm trước. Trên thực tế nếu quả thực họ có 15.000 thuê bao, doanh thu dự kiến hàng tháng là 120.000 bảng và chừng 1,44 triệu bảng/năm( trong trường hợp bạn đọc trả 2 bảng một tuần).

Chỉ riêng năm 2009 tờ Times và Sunday Times gồm cả báo in và báo mạng đã lỗ 240.000 bảng mỗi ngày.

Thế nhưng đế chế báo chí của ông Murdoch- xuất bản hàng tá các tờ báo từ Sun của Anh đến Wall Street Journal - tính tổng thể vẫn có lãi. Riêng quí 1 năm 2010, News Corp. đã lãi 552 triệu bảng Anh.

Mô hình thu lệ phí báo mạng liệu có thể tồn tại?

Mô hình thu lệ phí không phải mới. Ví dụ tờ Financial Times của Anh. Nếu bạn không đăng kí, mỗi tháng được đọc 1 bài miễn phí. Nếu bạn đăng kí nhưng không trả tiền sẽ được đọc 10 bài miễn phí. Ngoài ra cần trả 3,5 EURO cho một tuần thuê bao. Tờ Wall Street Journal cho truy cập miễn phí tin phổ thông, nhưng để đọc những bài báo chuyên nghành cần phải trả 2USD một tuần.

Khi nào một tờ báo kinh tế có thể cho phép mình mô hình thu lệ phí- đồng nghĩa với việc từ bỏ nguồn thu nhập từ quảng cáo- phụ thuộc vào nhu cầu thị trường và khả năng chi trả của bạn đọc. Thực tế hơn một nửa số thuê bao của wsj.com là các top manager có thu nhập bình quân 200 nghìn USD/năm, tài sản trung bình ước tính 2 triệu USD và độ tuổi trung bình là 55-những người thực sự cần thông tin kinh tế chuẩn xác, và một vài trăm USD/năm không nhằm nhò gì với họ.

Thế nhưng ngay tại châu Âu mô hình này cũng không dễ thực hiện. Theo số liệu khảo sát của Index.hu, 78% số người được hỏi hoàn toàn không muốn trả tiền cho báo mạng.

Ông Felix Salmon chuyên viên blog mạng của Reuters đã thẳng thắn cảnh báo „Những tờ báo uy tín cần tập trung nhấn mạnh bản sắc về lâu dài và hãy trở nên quan trọng với các thế hệ kế tiếp của những độc giả tiềm năng. Điều này quan trọng ngang với doanh thu thuê bao trong thời gian trước mắt”.

Phan Bình
Tổng hợp từ Index, Guardian

MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.